Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

'Không thể có một quốc gia độc quyền đầu tư, mua đứt đặc khu'

Thứ sáu, 08/06/2018 - 15:35

TS. Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH mổ xẻ nhiều góc độ, phân tích các khía cạnh khác nhau về phương án cho thuê đất tại đặc khu.

TS. Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm UB Kinh tế của QH

Dự thảo luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) đang làm nóng diễn đàn QH cũng như dư luận những ngày qua vì câu chuyện cho thuê đất 99 năm. Nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại, cảnh báo ở đây “có yếu tố Trung Quốc”, giao đất như vậy có khả năng khiến người nước ngoài độc chiếm những bộ phận lãnh thổ chiến lược của quốc gia. Ý kiến của ông?

Đúng là với dự luật này, một trong những vấn đề được ĐBQH, cử tri, chuyên gia, các nhà khoa học quan tâm là quy định về đất đai. Theo dự thảo luật trình QH cho ý kiến lần thứ 2 này có quy định rất rõ ràng “tuỳ tính chất và quy mô của dự án, thời hạn thuê đất tại đặc khu có thể tới 70 năm, trường hợp cụ thể với các dự án cụ thể do Thủ tướng quyết định nhưng không quá 99 năm”.

Theo tôi, trước hết ta phải đặt câu hỏi, tại sao theo quá trình phát triển của đất nước, quy định về thời hạn thuê đất với nhà đầu tư (cả trong và ngoài nước) ngày càng kéo dài hơn.

Xu thế khách quan

Trước đây thời hạn này là 50 năm, giờ luật hiện hành quy định là 70 năm và nay, tới luật này, đề xuất được đưa ra là tới 99 năm?

Đó là một xu thế khách quan xuất phát từ nhu cầu đầu tư các dự án với quy mô tính chất rất khác nhau.

Trước đây các dự án đầu tư quy mô có mức độ, nền kinh tế cũng mới mở cửa một cách thận trọng, theo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, quản lý của đất nước. Đến nay, chúng ta đã mở ra, nới trần quy định về thời hạn cho thuê đất ngày càng dài hơn để đáp ứng nhu cầu các dự án, hoạt động kinh tế lớn cần triển khai.

Ví dụ, với những dự án đặc biệt lớn như đầu tư làm cảng biển quốc tế, cảng trung chuyển hàng hải lớn… thì thời hạn đầu tư, vận hành, khai thác thậm chí không chỉ là 99 năm nữa mà phải tới 150-200 năm.

Nói như ông thì nghĩa là nếu duy trì giới hạn thời gian giao đất, cho thuê đất tại các đặc khu ở mức 70 năm như hiện tại thì tính chất đột phá, vượt trội như là yêu cầu tiên quyết đặt ra với một đặc khu kinh tế sẽ không còn?

Luật Đất đai hiện hành (luật năm 2013) và luật Đầu tư năm 2014 đều đã quy định thời hạn giao đất, cho thuê đất cao nhất là 70 năm rồi. Tại các khu kinh tế hiện nay chúng ta đều đang thực hiện như vậy. Thực tế, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc hiện nay đều đang áp dụng quy định 70 năm rồi.

Luật này sẽ chỉ khác ở quy định về trường hợp đặc biệt, việc giao đất có thể tới 99 năm nhưng việc đó sẽ do Thủ tướng quyết định, mà trước đó sẽ còn bao nhiêu cơ chế để Thủ tướng xin ý kiến các cơ quan, báo cáo QH, UB Thường vụ QH nữa.

Tôi nghĩ có thể thông tin đưa ra chưa trọn vẹn khiến dư luận nghĩ là nhà nước sẽ cho thuê cả hòn đảo, cho thuê toàn bộ đặc khu trong 99 năm nên mới lo lắng như vậy nhưng bản chất không phải thế. Quy định pháp luật ở đây là “case by case”, tức là xét trong từng trường hợp, theo từng dự án cụ thể.

Tôi thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trao đổi với báo chí cũng đã nhấn mạnh điểm này. Nhà nước có đầy đủ quy định để đảm bảo duy trì cơ cấu cần thiết số lượng nhà đầu tư của một quốc gia chứ không phải chỉ một nước, một quốc gia nào đó đầu tư độc quyền trong lĩnh vực này, “mua đứt” cả đặc khu.

Tất nhiên, quan tâm của cử tri, của ĐBQH, của các chuyên gia về vấn đề cho thuê đất ở những khu vực đặc biệt, nhạy cảm như vậy là chính đáng, thể hiện trách nhiệm cao nhưng tôi cũng tin là QH có đủ hiểu biết, đủ tỉnh táo để tính toán, cân nhắc nhiều vấn đề, đưa ra quyết định sao để đặc khu vừa vận hành hiệu quả vừa đảm bảo được quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia.

Cân nhắc toàn diện các mặt

Trả lời báo chí, Thủ tướng giải thích, việc quy định thời hạn thuế đất đặc khu 99 năm là trường hợp đặc biệt. Ví dụ những cơ sở hạ tầng quan trọng đầu tư vốn rất lớn chứ không phải nhà đầu tư nào cũng được thuê đất 99 năm?

Đúng như vậy. Tôi ví dụ, cảnh biển, cảng trung chuyển quốc tế gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính thương mại quốc tế chính là định hướng cơ bản, một dự án chính, trọng tâm mà chúng ta đang mong muốn làm tại Bắc Vân Phong. Với hạng mục công trình này thì chắc chắn tầm nhìn phải tới hàng trăm năm chứ không chỉ dừng ở 70 năm. Thời hạn khai thác, sử dụng của những công trình kết cấu hạ tầng đó đòi hỏi thời hạn sử dụng đất dài. Vậy nên nguyên lý đưa ra mới là thời hạn cho thuê đất/giao đất căn cứ vào thời hạn dự án.

Ở các nước khác tôi cũng thấy đang áp dụng “công thức” cho thuê đất đến 99 năm, tiêu biểu là Thái Lan, Malaysia, Dubai, Úc, đảo Bristish Virgin Island hay Cayman. Đó đều là những đặc khu rất thành công của thế giới.

Đúng là chúng ta cần xem xét, cân nhắc toàn diện các mặt và như Thủ tướng đã trả lời báo chí, việc quy định nới thời hạn giao đất lên mốc 99 năm không phải là điểm mấu chốt với đặc khu. Xét về mặt kỹ thuật, quy định 50 năm cũng được, 70 năm cũng được nhưng nguyên tắc đặt ra là, dự án kết cấu hạ tầng đòi hỏi việc sử dụng rất dài hạn, tới cả trăm năm, như cảng biển chẳng hạn, vẫn phải có quy định để đảm bảo công trình đó vẫn có thể được khai thác với thời gian lâu hơn rất nhiều so với thời hạn giao đất đề ra.

Bởi, khi công trình vẫn tồn tại, vẫn phục vụ sự phát triển của đất nước thì không thể nói cho thuê đất đến 70 năm xong rồi là nhà nước chấm dứt sự tồn tại của công trình vĩnh cửu như thế. Theo đó, khi hết thời hạn, người ta có thể hợp thức hoá bằng cách lập lại dự án mới để tiếp tục đầu tư, khai thác.

Như vậy thì nên cân nhắc áp dụng “công thức” nào là tối ưu, nâng giới hạn thời gian cho thuê đất trong luật hay áp dụng cách thức xử lý kỹ thuật như ông nói?

Nếu ta cho nhà đầu tư thuê đất dài hạn thì người ta sẽ lập dự án, phương án đầu tư trên mảnh đất đó với tầm nhìn dài hạn, còn nếu thời gian ngắn hơn, người ta sẽ tính toán đầu tư với tầm nhìn ngắn đi, quy mô dự án giảm đi hoặc người ta sẽ không đầu tư.

Tiếp tục ví dụ với khu Bắc Vân Phong, có nhà đầu tư muốn làm cảng biển nhưng dự án dự kiến phải khai thác tới 80-90 năm mới hiệu quả thì với giới hạn 70 năm chúng ta đề ra, có thể người ta sẽ không đầu tư, hoặc nếu có thì cũng đầu tư ở tầm quy mô khác đi.

Ngoài ra còn một tình huống khác có thể tính là duy trì thời hạn cho thuê đất/giao đất như hiện nay, sau một thời gian nữa, trong quá trình vận hành thực tế đặc khu, đứng trước yêu cầu phát triển của đất nước là phải có những công trình kết cấu hạ tầng lớn với thời hạn khai thác dài hơn thì QH lại xem xét sửa luật thôi.

Nói chung có nhiều phương án nên ta cứ yên tâm về vấn đề thời hạn, không có gì phải quá lo về việc này. Quy định thế nào cũng được nhưng phải xuất phát từ quan điểm phát triển kinh tế như vậy để quyết định cho đúng đắn, sáng suốt.

Phương Nguyên/VNN

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/khong-the-co-mot-quoc-gia-doc-quyen-dau-tu-mua-dut-dac-khu-455683.html

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm