Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

​“Không ai có thể nói Việt Nam tuyệt đối không có mầm bệnh trong cộng đồng”

Hương Giang

Thứ ba, 23/02/2021 - 17:30

(Thanh tra) - “Không ai có thể nói Việt Nam tuyệt đối không có mầm bệnh trong cộng đồng. Lúc nào chúng ta cũng phải sẵn sàng", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ và lưu ý, "chống dịch bao giờ cũng phải khẩn trương nhất, quyết liệt nhất, đồng bộ nhất".

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Ảnh: Đình Nam

Ngày 23/2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã họp trực tuyến với tỉnh Hải Dương về công tác phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Hải Dương còn 1 tuần “thời gian vàng” để chống dịch

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu cho biết, sau 7 ngày thực hiện cách ly xã hội trên địa bàn toàn tỉnh trong vòng 15 ngày, Hải Dương đã từng bước khoanh vùng, đẩy lùi dịch bệnh theo các tiêu chí: F0 giảm (từ khoảng 40 ca/ngày xuống còn trên dưới 10 ca/ngày); làm chủ tình hình dịch bệnh tại huyện Cẩm Giàng, TP Chí Linh; công suất xét nghiệm đạt từ 80.000 - 120.000 mẫu gộp/ngày.

“Hải Dương hoàn toàn đủ khả năng xét nghiệm phòng, chống dịch. Việc xét nghiệm không chỉ phòng, chống, dập dịch mà còn đánh giá nguy cơ, xác định độ an toàn của các vùng dịch còn lại”, ông Cầu khẳng định.

Theo ông Cầu, 6 ngày tới, tỉnh sẽ tiến hành xét nghiệm trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, TP nhằm xử lý ngay khi phát hiện các ổ dịch mới, chủ động thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch, đồng thời xác định nguy cơ ở các vùng đã đẩy lùi được dịch bệnh.

Liên quan đến điểm dịch xã Kim Liên, huyện Kim Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, đã tăng cường công tác chỉ đạo trên tinh thần, tập trung lực lượng khoanh vùng, “phong tỏa hẹp nhưng chặt”, xét nghiệm diện rộng và giãn cách để khẩn trương dập dịch.

Đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý, tỉnh chỉ còn 1 tuần nữa để thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Đình Nam

“Đây là khoảng thời gian vàng để Hải Dương tăng cường chặt chẽ hơn các biện pháp chống dịch, đặc biệt ở vùng phong tỏa; qua đó, giảm bớt số lượng ca mắc COVID-19, đem lại cuộc sống bình thường cho người dân”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, hiện có 51 tỉnh, TP cho học sinh đi học trở lại. 8 tỉnh, TP, trong đó có Hải Dương (trên cơ sở xem xét việc đi học trở lại của từng huyện, thị xã, thành phố) dự kiến sẽ cho học sinh đi học vào ngày 1/3 tới.

Thứ trưởng đề nghị tỉnh Hải Dương nói riêng và các địa phương nói chung phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để làm rõ khái niệm vùng có dịch và vùng có nguy cơ để phụ huynh yên tâm cho con quay lại trường học. 

Từ đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị, tỉnh Hải Dương tính toán cụ thể, khoa học trong việc triển khai xét nghiệm diện rộng. Theo ông, Hải Dương nên tập trung vào các khu vực như bến xe, chợ đầu mối, điểm giao thông công cộng... coi đây là một nhóm nguy cơ để rà soát trong cộng đồng.

Nhấn mạnh các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn mới, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, phải làm tốt việc khai báo y tế, từ đó mới truy vết, khoanh vùng, dập dịch, chứ không quá nặng việc truy tìm F0.

Đồng thời, phải kết hợp với tuyên truyền vận động người dân cung cấp thông tin, phát giác ca bệnh; phát huy vai trò của các tổ chống dịch cộng đồng (giám sát thường xuyên)…

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị người dân thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K, nhất là chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.

Lúc nào cũng phải sẵn sàng chống dịch

Sau khi nghe ý kiến của tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đến giờ phút này có thể nói về cơ bản dịch bệnh được kiểm soát tốt trên cả nước.

Ông biểu dương những nỗ lực của tỉnh Hải Dương cũng như các lực lượng chi viện của Bộ Y tế trong thời gian qua cùng với cả nước đã làm tốt công tác phòng chống dịch.

“Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những nước chống dịch hiệu quả nhất. Vì vậy chúng ta phải kiên trì nguyên tắc, chiến lược chống dịch từ những ngày đầu.

Trong từng thời kỳ thì chiến thuật thay đổi linh hoạt, nhưng chiến lược 5 bước: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch - Điều trị thì không thay đổi, đặc biệt là phát hiện, truy vết và bây giờ thêm sàng lọc cộng đồng có trọng tâm, trọng điểm”, Phó Thủ tướng nói.

Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo. Ảnh: Đình Nam

Nhấn mạnh, một số bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình phòng chống dịch tại Hải Dương, theo Phó Thủ tướng, sau khi “điểm đúng” ổ dịch ở TP Chí Linh, phát hiện ra biến thể lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2, Hải Dương đã đề ra chiến lược phong tỏa trong phong tỏa và dần hoàn thiện. Quá trình xử lý tình huống dịch xuất hiện trong khu công nghiệp, các nhà máy lớn có hàng nghìn công nhân phải cách ly ngay lập tức.

“Để chuẩn bị đón 1 chuyến bay giải cứu vài trăm người phải mất thời gian mấy tuần, trong khi ở Hải Dương trong vòng 24 giờ phải xử lý cách ly cho hàng nghìn người”, Phó Thủ tướng ví dụ.

Cùng với đó, các quy trình phân loại, sàng lọc đối tượng để tầm soát diện rộng cũng được xây dựng, hoàn thiện. Số liệu cho thấy ổ dịch TP Chí Linh được cơ bản kiểm soát sau 8 ngày phát hiện. Sau đó đến ổ dịch ở huyện Cẩm Giàng và bây giờ là huyện Kim Thành, Hải Dương đã có những giải pháp rất quyết liệt, linh hoạt và ngày một hoàn thiện.

“Thực tiễn phòng, chống dịch ở Hải Dương là bài học quý cho các địa phương khác trên cả nước”, Phó Thủ tướng nói.

Đề cập đến nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Hải Dương phải tiếp tục mũi xét nghiệm chính là truy vết, theo dấu ca bệnh. Đối với xét nghiệm tầm soát diện rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế phải có hướng dẫn, Hải Dương phải chỉ đạo rất cụ thể nhà máy, xí nghiệp nào, ở khu vực nào bắt buộc xét nghiệm cho công nhân mới được hoạt động để tránh lãng phí.

Theo Trưởng Ban Chỉ đạo, hiện nay chi phí xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR tương đương với tiêm vaccine cho 2 người.

“Trung tâm kiểm soát bệnh tật các địa phương phải có trách nhiệm điều phối hoạt động xét nghiệm. Tuyệt đối không để tình trạng yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải xét nghiệm COVID-19 cho công nhân mới được hoạt động. Việc này không chỉ gây tốn kém, mà còn tạo tâm lý cứ nghi ngờ lại xét nghiệm hoặc có kết quả âm tính rồi thì lại chủ quan. Rất nguy hiểm”, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phối hợp, hỗ trợ Hải Dương làm mẫu để nhân ra cả nước.

Những điểm nguy cơ cao, có nhiều người qua lại như quán nước gần các khu công nghiệp, bệnh viện, bến xe, chợ… việc xét nghiệm tầm soát phải hết sức linh hoạt.

Cạnh đó, Hải Dương phải khuyến khích người dân không trong vùng dịch đeo khẩu trang vải; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những trường hợp khai báo không trung thực về dịch bệnh…

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, kể cả sau khi tỉnh Hải Dương đã hết dịch thì vẫn phải sẵn sàng tinh thần chống dịch như các địa phương khác trong cả nước. Vì với 100 triệu dân, đường biên giới rất dài, nền kinh tế mở, Việt Nam vẫn phải đón chuyên gia nước ngoài vào phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

“Không ai có thể nói Việt Nam tuyệt đối không có mầm bệnh trong cộng đồng. Lúc nào chúng ta cũng phải sẵn sàng", Phó Thủ tướng nêu rõ và lưu ý, "chống dịch bao giờ cũng phải khẩn trương nhất, quyết liệt nhất, đồng bộ nhất".

Liên quan đến những người đã mãn hạn tù tại những trại giam nằm trong vùng dịch, Phó Thủ tướng yêu cầu, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các trại giam, không vì dịch bệnh mà ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã chấp hành xong án phạt tù hay việc xét ân xá. Trường hợp người mãn hạn tù muốn ở lại cách ly, nếu các trại giam có điều kiện thì cho cách ly và đối xử như người đến thăm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm