Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 14/04/2014 - 22:27
(Thanh tra)- Đó là số kinh phí để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông và Dự thảo Đề án Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo trình trong phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 14/4.
“Cắt khúc”, nặng “dạy chữ” nhẹ “dạy người”
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, nội dung chương trình, SGK giáo dục phổ thông hiện bị “cắt khúc”, không thật bảo đảm tính liên thông, có trùng lặp một số nội dung giữa các lớp học, cấp học và giữa các môn học.
Một số nội dung của các môn học chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản và thiết thực; chưa cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng và thời lượng dạy học, nặng “dạy chữ” nhẹ “dạy người”. Một số chủ đề còn nặng, khó, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh vùng khó khăn…
Cùng với đó, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không bắt kịp yêu cầu đổi mới của chương trình, SGK, yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông, chưa khắc phục được lối dạy học “truyền thụ một chiều”, chưa vận dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh. Phương thức đánh giá chất lượng giáo dục còn lạc hậu…
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Đổi mới SGK giáo dục phổ thông lần này dựa trên cách tiếp cận phát triển kỹ năng của người học, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cao. Dự thảo Đề án có tính khả thi nhưng cần bổ sung một số thiết bị dạy học; bồ dưỡng đào tạo lại giáo viên; tập trung đầu tư đối với những trường chưa bảo đảm. Tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng 34. 275 tỷ đồng, chưa kể số tiền xây dựng cơ sở vật chất ở những trường còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Không thể “sao chép” lại các quan điểm của Đảng.
Các thành viên UBTVQH đều bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của Đề án.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt một loạt vấn đề: 14 năm rồi vẫn “cãi nhau” về SGK, chỉ còn 10 năm mà thay đổi toàn diện thì thực hiện như thế nào? Tính phát triển của thời đại hiện nay, khả năng tích hợp như thế nào? Trong 10 năm nữa liệu có thực hiện được không?
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu: Dự thảo Nghị quyết này sẽ thay thế Nghị quyết số 40 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, vậy kết quả thực hiện Nghị quyết 40 đến đâu mà chỉ thấy luôn luôn đổi mới? Theo ông Phan Trung Lý, Nghị quyết và Đề án này tác động rộng rãi đến mọi người dân vì vậy phải lấy ý kiến rộng rãi, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học.
Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, Dự thảo vẫn định tính, chưa thấy đổi mới SGK sẽ đưa nền giáo dục đến đâu. Thực tế, cơ sở vật chất không đồng bộ trong khi năm nào cũng đầu tư thiết bị giáo dục nên cần phân tích kỹ hơn, làm rõ đầu ra của Đề án.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đồng ý chủ trương đổi mới nhưng chỉ rõ báo cáo tác động chưa đến 3 trang giấy thì sao có thể đánh giá hết. Theo ông, phải nghiên cứu kỹ, làm thật rõ về tác động của chương trình đổi mới.
Từ kết quả khảo sát tại các địa phương, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi, để thực hiện thành công Đề án cần bổ sung thêm 2 nhiệm vụ (có thể xây dựng thành các Đề án riêng): Bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp. Cùng với đó, cần có sự phân tích sâu sắc để đề xuất giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, bất cập quy trình biên soạn chương trình, SGK phổ thông .
Chỉ rõ những điểm hạn chế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, để nêu bật được sự cần thiết phải đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông và ban hành Nghị quyết mới của Quốc hội về vấn đề này, phải có báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 40. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ việc đổi mới phải có kế thừa, Nghị quyết mới của Quốc hội phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung đổi mới, không thể là một bản “sao chép”, tập hợp lại các quan điểm của Đảng; tất cả thủ tục, xã hội hóa phải được thể hiện trong Nghị quyết...
Thảo luận nhiều nội dung quan trọng Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 27 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Đây là phiên họp có khối lượng công việc rất lớn với những nội dung quan trọng liên quan đến an ninh quốc phòng, giáo dục, kinh tế… cần tập trung rà soát, thảo luận với tinh thần chất lượng hơn số lượng để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sắp tới. Trong phiên họp này, UBTVQH sẽ thảo luận về nhiều dự án luật quan trọng như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức TAND, Luật Hộ tịch, Luật Đầu tư, quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Công an nhân dân, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Dạy nghề, Luật Ngân sách Nhà nước … Ngoài ra, một nội dung khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm trong phiên họp này là việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Trước đó, tại cuộc họp ngày 21/2, UBTVQH thống nhất tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trong kỳ họp thứ 7 tới đây (dự kiến khai mạc tháng 5/2014) theo thông báo của Bộ Chính trị. Phiên họp dự kiến kéo dài đến ngày 24/4. |
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân