Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Hội nghị Diên Hồng” Thủ tướng với doanh nghiệp 2020 sẽ bàn thảo 4 nội dung lớn

Hương Giang

Thứ năm, 07/05/2020 - 19:04

(Thanh tra)- Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng, “chắc chắn cùng với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và Chính phủ điện tử, các thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp”.

Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, lãnh đạo địa phương, một số doanh nhân bên hành lang hội nghị đối thoại với 1.000 doanh nghiệp năm 2019. Ảnh: Quang Hiếu

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp được ví như là "Hội nghị Diên Hồng" được Thủ tướng tổ chức thường niên ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đây là hội nghị lần thứ 4 của người đứng đầu Chính phủ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.

Hiến kế hay, ra quyết sách phù hợp

Trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, vực dậy các doanh nghiệp, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho mỗi người dân và đạt các mục tiêu tăng trưởng.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho hay, “Hội nghị Diên Hồng” năm nay là hội nghị thể hiện lòng yêu nước, sự đoàn kết, nhất trí của toàn thể cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam để cùng Chính phủ vượt qua khó khăn, tiếp tục đưa đất nước đi lên sau đại dịch COVID-19.

Theo ông Thắng, mục đích của hội nghị không chỉ “mổ xẻ’ khó khăn, vướng mắc, mà mong muốn lắng nghe nhiều hơn các hiến kế, tham mưu của cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng cơ chế, đưa ra các quyết sách phù hợp.

“Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ trực tiếp đưa ra các thông điệp, cam kết đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT thông tin.

Hội nghị sẽ được truyền hình trực tuyến tới 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. “Khoảng 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh, người dân trong nước và nước ngoài đều có thể theo dõi”, ông Thắng nói và cho biết, 4 nội dung lớn sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị, trong đó có các vấn đề như hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh bị đứt gẫy các chuỗi cung ứng truyền thống; sự chủ động và khai thác hiệu quả thị trường trong nước trong khi thị trường thế giới đang giảm mạnh cả ở phía cung và phía cầu…

Niềm tin kinh doanh và dòng tiền

Hiện nay, doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19. Theo ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), số doanh nghiệp thành lập mới suy giảm, số lượng và quy mô doanh nghiệp cũng giảm.

Đáng lưu ý, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2020 lên đến trên 22.700 doanh nghiệp. Chưa kể, rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng đình trệ, “ngủ đông”.

Điều đáng mừng, là cả nước đã có trên 4.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Theo nhận định của ông Tuấn, điều đó cho thấy, một bộ phận doanh nghiệp đã tái khởi động do tìm thấy các cơ hội kinh doanh.

"Theo tôi, hai yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp là niềm tin kinh doanh và dòng tiền. Niềm tin kinh doanh đã có cơ sở là các giải pháp, các gói hỗ trợ của Chính phủ. Dòng tiền cũng đã được bảo đảm hơn bằng các biện pháp giãn nợ, giãn thuế, hạ lãi suất…”, ông Tuấn khái quát.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng. Ảnh: Đại Thanh

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói thêm, sau dịch COVID-19 cải cách thủ tục hành chính là một trong những nội dung rất quan trọng để phát triển kinh tế và cần được duy trì. “Chắc chắn cùng với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và Chính phủ điện tử, các thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp”, ông nói.

Nhà nước đã rút khỏi lĩnh vực tư nhân làm tốt

Trả lời báo chí về những cam kết của Chính phủ, Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp từ các cuộc gặp trước đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định, cơ bản đã được thực hiện.

“Thủ tướng nói “những gì tư nhân làm được thì Nhà nước không cần làm” đã được thực hiện liên tục”, ông Thắng dẫn ví dụ, các lĩnh vực như hàng không, hàng hải, cơ bản tư nhân đã tham gia và làm rất tốt.

Hay, trước đây Nhà nước giữ độc quyền dịch vụ cấp nước nhưng hiện nay nhiều địa phương đã thoái vốn khỏi lĩnh vực này để tư nhân tham gia như Hà Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, sau khi có “lùm xùm” việc cấp nước ở Hà Nội thì dư luận lại có ý kiến là Nhà nước nên tiếp tục độc quyền cấp nước.

Đáng chú ý, sau cuộc gặp giữa Thủ tướng và doanh nghiệp năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020. Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết, đến hết năm 2019, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đạt 90%.

Còn một số nhiệm vụ chưa thực hiện được như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mục tiêu đạt 1.000.000 doanh nghiệp vào năm 2020 cũng đang gặp thách thức, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây ra những tác động tiêu cực.

Ông Hùng cũng cho hay, việc sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đang được tiến hành cũng nhắm đến mục tiêu cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp.

4 vấn đề lớn sẽ được tập trung bàn thảo gồm:

Thứ nhất, đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh; khích lệ các nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường và hỗ trợ lẫn nhau và đồng hành cùng Chính phủ của doanh nghiệp.

Thứ hai, đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và địa phương ban hành.

Thứ ba, nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo, phát hiện cơ hội mới, để thích ứng với hoàn cảnh mới; nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh…

Thứ tư, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là bộ, ngành, doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng: “Cái gì cũng đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục”

Thủ tướng: “Cái gì cũng đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục”

(Thanh tra) - “Doanh nghiệp tư nhân làm với doanh nghiệp tư nhân rất nhanh, mối quan hệ dân sự họ xử lý rất hay. Ta cái gì cũng đấu thầu cả nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói và cho rằng cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền, thiết lập công cụ pháp luật rõ ràng.

Hương Giang

15:08 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm