Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giao Uỷ ban Chứng khoán đại diện chủ sở hữu vốn thì chưa phù hợp

Thứ hai, 09/09/2019 - 20:31

(Thanh tra)- Cho ý kiến một số vấn đề lớn về Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) chiều ngày 9/9, nhiều ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, đề nghị bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thì chưa phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hoàng Hải

Đề nghị tăng quyền

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, tại phiên họp thứ 36, đã kết luận giữ nguyên quy định UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng nghiên cứu tăng thẩm quyền cho UBCKNN.

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, về cơ bản, Dự thảo Luật được tiếp thu theo hướng vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN được giữ như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7; giữ mối quan hệ giữa Bộ Tài chính và UBCKNN như hiện hành. 

Còn về tăng thẩm quyền của UBCKNN, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (SGDCKVN) và Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (TCTLKVN).

Đưa ra lý do, theo ông Thanh, SGDCKVN và TCTLKVN là các doanh nghiệp rất đặc thù, là nơi duy nhất tổ chức thị trường giao dịch, tổ chức các hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán cho toàn bộ thị trường của Việt Nam. 

“Hoạt động của SGDCKVN và TCTLKVN gắn rất chặt chẽ với sự quản lý, giám sát của UBCKNN để bảo đảm tính thống nhất, một đầu mối, quản lý an toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả và vị thế, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói.

Ông Thanh cũng cho hay, quy định này cũng không trái với quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành. Đồng thời, thực tế cũng có nhiều mô hình thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp.

Để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Bộ Tài chính, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị, sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch UBCKNN ban hành, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của SGDCKVN và TCTLKVN. 

Sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch UBCKNN bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch và Thành viên Hội đồng Thành viên hoặc Chủ tịch và Thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát (Kiểm soát viên) của SGDCKVN và TCTLKVN. 

Chủ tịch UBCKNN phê duyệt việc Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc), Trưởng bộ phận giám sát giao dịch của SGDCKVN; Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của TCTLKVN.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Hoàng Hải

“Vênh” với nhiều luật

Tuy nhiên, đề nghị này không nhận được sự tán thành của nhiều thành viên UBTVQH. Bày tỏ băn khoăn, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, giao UBCKNN, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước là vấn đề lớn, cần thảo luận rất kỹ. 

“Uỷ ban Kinh tế nói quy định này không trái với Luật Doanh nghiệp hiện hành. Báo cáo dẫn Điều 3 Luật Doanh nghiệp quy định “trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó”. Nhưng tôi cho rằng, không thể lấy điều này của Luật Doanh nghiệp để giao từ Bộ Tài chính sang giao hẳn cho UBCKNN đại diện sở hữu vốn Nhà nước”, bà Nga phát biểu và hỏi, quan điểm của Chính phủ về vấn đề này. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đặt vấn đề, đề nghị của Uỷ ban Kinh tế có hợp lý không?

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, nếu như Uỷ ban Kinh tế đề nghị thì trái với các quy định hiện hành như Luật Doanh nghiệp, Luật Tổ chức Chính phủ… “Giao cho Bộ Tài chính như hiện hành là hợp lý và việc thực hiện đang bình thường”, ông Dũng nói.

Nhắc lại ý kiến từ phiên họp trước, tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với đề nghị lần này Bộ trưởng Tài chính nói “không được”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói “vênh” với quy định của luật khác thì cần cân nhắc kỹ. “Đưa ra quy định tăng thẩm quyền mà rối thêm thì cân nhắc”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đề nghị của Uỷ ban Kinh tế về tăng thẩm quyền của UBCKNN vượt quá quy định của pháp luật hiện hành. 

“Chúng ta chuyển quyền chủ sở hữu về vồn cho UBCKNN thì chưa phù hợp, thêm tầng nấc”, ông Hiển nhấn mạnh và nói tiếp, UBCKNN bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, Thành viên Hội đồng Thành viên của SGDCKVN và TCTLKVN trên cơ sở thống nhất với Bộ Tài chính cũng phải cân nhắc. Vì quy định hiện hành thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ.

“Mặc dù UBTVQH đề nghị xem xét tăng thẩm quyền, nhưng 2 thẩm quyền này không nên đặt ra”, ông Hiển nêu rõ. 

Đề nghị lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Dự thảo Luật đề nghị thành lập thêm Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương (T.Ư) để tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế (không bao gồm nguồn vốn viện trợ), đóng góp tự nguyện ngoài ngân sách Nhà nước kịp thời, đúng quy định.

Theo ông Cường, hiện Quỹ Phòng, chống thiên tai mới có ở cấp tỉnh nên có một số vướng mắc trong hoạt động tạo nguồn lực của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai để hỗ trợ các địa phương, nhất là trong các tình huống thiên tai nghiêm trọng xảy ra, đồng thời tiếp nhận nguồn hỗ trợ, cứu trợ tự nguyện của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.

“Quỹ Phòng, chống thiên tai ở T.Ư sẽ không tổ chức thu quỹ; sử dụng bộ máy hiện có của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để quản lý và đảm bảo nguyên tắc không làm tăng biên chế”, Bộ trưởng Cường khẳng định.

Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho hay, Thường trực Ủy ban tán thành việc cần có Quỹ Phòng, chống thiên tai ở T.Ư để có thêm nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, đặc biệt là nguồn lực quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban Soạn thảo cần làm rõ nguồn thu của quỹ; cơ chế sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai ở T.Ư để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo Luật Ngân sách Nhà nước; việc điều chuyển giữa quỹ T.Ư và quỹ địa phương để bảo đảm quyền lợi của các Quỹ Phòng, chống thiên tai ở địa phương.


Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm