Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đưa vào kế hoạch rồi, ngân sách khó khăn vẫn có thể cắt bỏ

Thứ tư, 14/09/2016 - 10:03

(Thanh tra) - “Không phải cái gì đưa vào kế hoạch trung hạn rồi là dứt khoát phải chi, nếu ngân sách khó khăn thì có thể cân nhắc bỏ”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị kế hoạch đầu tư công trung hạn phải đặt trong kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, không thể tách rời. Ảnh: TN

Hôm qua - 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến Dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, Dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm và Dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên.

Lập kế hoạch tài chính không đúng rất nguy hiểm

Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết quy định về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, khi chưa triển khai được rộng rãi phương thức phân bổ, cần quy định theo hướng áp dụng phù hợp với tình hình thực tế và có lộ trình áp dụng chi tiết ở các cơ quan liên quan.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng, thời gian lập kế hoạch tài chính 5 năm như Dự thảo Nghị quyết “vênh” với quy định của Luật Đầu tư công. Như theo Luật Đầu tư công, thời hạn “chốt” kế hoạch 5 năm là ngày 31/1 của năm thứ 5, còn trong Nghị quyết quy định là 20/9. Như vậy sẽ khó khăn trong việc phân bổ ngân sách cho 5 năm tiếp theo.

Chia sẻ điều này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, mốc thời gian như vậy là hợp lý. Bởi trong bối cảnh hiện nay việc đưa ra kế hoạch tài chính 5 năm chỉ là định hướng, hàng năm Quốc hội đều có Nghị quyết riêng về ngân sách Nhà nước, cập nhật theo tình hình thực tế.

Theo Bộ trưởng đã là định hướng thì chỉ để theo dõi và cập nhật chứ rất khó để ra một nghị quyết 5 năm với những chỉ tiêu, mục tiêu thể hiện bằng một con số cứng nhắc.

Dẫn ví dụ chuyện lập dự báo giá trị tăng trưởng kinh tế (GDP) “không khớp” thực tế khiến nợ công 2015 tăng 0,9%, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ, định hướng trên cơ sở dự báo không đúng thì rất nguy hiểm. Không khéo 5 năm sau không đạt chỉ tiêu, lại xuất hiện hàng loạt công trình dở dang vì thiếu vốn, gây lãng phí từ trên xuống dưới.

“Dù dự thảo nghị quyết đưa ra là định hướng, song phải thận trọng, nếu không 5 năm sau nhìn lại không biết chúng ta có gánh được trách nhiệm không”, ông Dũng nêu.

Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị kế hoạch đầu tư công trung hạn phải đặt trong kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, không thể tách rời. Trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn mang tính định hướng này, hàng năm mới xác định số tiền chi cho đầu tư bao nhiêu, chi thường xuyên bao nhiêu…

“Không phải cái gì đưa vào kế hoạch trung hạn rồi là dứt khoát phải chi, nếu ngân sách khó khăn thì có thể cân nhắc bỏ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì đề nghị kế hoạch đầu tư công trung hạn phải đặt trong kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, không thể tách rời. Trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn mang tính định hướng này, hàng năm mới xác định số tiền chi cho đầu tư bao nhiêu, chi thường xuyên bao nhiêu… 

“Không phải cái gì đưa vào kế hoạch trung hạn rồi là dứt khoát phải chi, nếu ngân sách khó khăn thì có thể cân nhắc bỏ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đối với Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, từ nay đến 2020 nguyên tắc phân bổ ngân sách sẽ được điều tiết theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển.

Sửa luật có khắc phục được Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ không?

Trước đó, trình Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh trình cho biết, sau 10 năm thực hiện, luật hiện hành đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập.

“Nhà nước không có công cụ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn được các luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào Việt Nam cũng như hành vi chuyển giá thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra, Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội đồng tình: Tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn, vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu.

“Chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 – 3 thế hệ là chính... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Phan Xuân Dũng cho biết.

Đây cũng là vẫn đề lo ngại của nhiều Ủy viên UBTVQH. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 BCHTW ngày 31/10/2012 đã nêu rõ, chấm dứt và ngăn chặn có hiệu quả việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Từ bài học Formosa, đặt ra vấn đề việc kiểm soát công nghệ, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn đặt câu hỏi, “liệu có luật này rồi có khắc phục được Việt Nam đang và sẽ trở thành bãi rác công nghệ hay không?”.

Cũng bàn về câu chuyện Formosa, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ ra những hậu quả của công nghệ lạc hậu không những ảnh hưởng đến môi trường, mà thực tế đã cho thấy còn có tác động đến cả tình hình an ninh trật tự, đời sống, an sinh và lao động, sản xuất của người dân.

"Từ đó đặt câu hỏi có phải ta chưa đủ cơ sở pháp lý chặt chẽ, luật Chuyển giao công nghệ 2006 còn hạn chế, hay do quản lý Nhà nước chưa tốt. Theo tôi là cả hai, và phải khắc phục cả hai vấn đề này", ông Uông Chu Lưu nói.

Đối với việc thành lập Trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ ở các địa phương thì cần phải có tổng kết đánh giá cụ thể.

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đặt vấn đề, nếu thành lập ở các tỉnh, tới đây thành lập ở khu vực thì vị trí của các trung tâm sẽ như thế nào? Nguồn lực để bảo đảm hoạt động của trung tâm này như thế nào? Điều này cần phải được làm rõ.

Nhiều thành viên UBTVQH đồng tình để tránh tình trạng tăng biên chế và ảnh hưởng đến ngân sách nhất là khi ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn như hiện nay. 

Kết luận phiên thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của UBTVQH hoàn thiện dự án Luật trình ra Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ hai và thông qua tại Kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XIV.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm