Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 18/01/2014 - 09:20
(Thanh tra) - Có một nỗi đau lớn nhất của cách mạng Việt Nam, là đồng bào Miền Nam tay không đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève 1954, còn chính quyền Ngô Đình Diệm được Mỹ hậu thuẫn lại dùng vũ khí đàn áp bắn giết đồng bào. Không còn con đường nào khác phải vùng lên sống chết với Mỹ - Diệm bằng bạo lực…
Nhà lưu niệm Đồng Khởi
Để có đường lối đúng đắn cho cách mạng Miền Nam lúc bấy giờ không giản đơn. Trong bài “Lê Duẩn - Một tư duy sáng tạo không ngừng”, Đại tướng Lê Đức Anh viết: “Mùa Hè 1957, Bác Hồ gọi Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Lê Duẩn ra Hà Nội. Gặp anh ở Bộ Quốc phòng, tôi sốt ruột hỏi sao ta không đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, anh nói: “Ở trỏng bọn địch bắn giết dân mình quá thể, khắp Miền Nam đang nóng lòng chờ lệnh cho hoạt động vũ trang. Nhưng từ hôm ra Bắc tới nay, tôi thấy tình hình quốc tế phức tạp quá, đây là việc quá lớn phải Bộ Chính trị và Trung ương quyết định”. Tháng 8/1957, các đồng chí Phạm Văn Xô, Phan Văn Đáng thay mặt Xứ ủy Nam bộ ra dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 mở rộng, nhưng chờ đợi đến tháng 01/1959 mới được thảo luận ở tổ, sau Hội nghị Trung ương đợt một không thấy kết quả, các anh thất vọng trở về Nam. Trước khi về, anh Lê Duẩn bố trí cho 2 anh lên chào Bác Hồ và nhủ “Cứ nói hết tình hình với Bác”, và Bác đã căn dặn “Miền Nam ở xa, Xứ ủy Nam bộ phải chịu trách nhiệm với Trung ương, quyết không để cho Mỹ - Diệm tiêu diệt đồng bào”.
Trước cảnh một nửa đất nước đang bị dìm trong biển máu, Bác Hồ và Bộ Chính trị ngày đêm suy nghĩ về chủ trương vũ trang cho cách mạng Miền Nam, sao cho giành thắng lợi mà ít tổn thất nhất, lại phải phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế lúc bấy giờ. Đây là một vấn đề cực kỳ khó khăn và phức tạp, bởi lúc này đường lối đối ngoại “cùng tồn tại hòa bình và giữ cách mạng trong thế thủ” đang thắng thế trong phong trào Cộng sản quốc tế.
Trong bối cảnh ấy, Hội nghị lần thứ 15 Bộ Chính trị họp từ tháng 01/1959, phải họp thành hai đợt trong 7 tháng. Đề án của Nghị quyết phải soạn thảo và sửa chữa bổ sung 30 lần, chưa kể thời gian chuẩn bị một năm ở Miền Bắc, và hơn 3 năm trên chiến trường Miền Nam. Chính vì vậy, Nghị quyết 15 ra đời là sản phẩm trí tuệ của cả Ban chấp hành Trung ương, đáp ứng nguyện vọng khát khao “phải vùng lên” của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Miền Nam trong tình hình mới. Đó là Nghị quyết “chuyển chiến lược” từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng tàn bạo của địch.
Tháng 12/1959, Liên Tỉnh ủy Trung Nam bộ tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị tại căn cứ Tam Tường. Trở về ngày 01/01/1960, đồng chí Nguyễn Thị Định, Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre triệu tập cán bộ chủ chốt, quyết định “phát động một tuần nổi dậy đồng loạt” với 3 xã làm điểm là Định Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp huyện Mỏ Cày. Với phương châm, không cho địch kịp trở tay, nữ tướng Ba Định quán triệt “Đánh đánh tới tấp và phát triển hết khả năng lực lượng”. Đúng kế hoạch, sáng 17/01/1960, khi Tổ hành động của ta bất ngờ bắn chết tên Đội Tý tại Phước Hiệp, lực lượng quần chúng lập tức áp đảo Tổng đoàn dân vệ bắt sống 5 tên, số còn lại chạy thoát. Cách đó không xa, cơ sở nội tuyến vận động binh sĩ ngụy phản chiến chiếm đồn Vàm Nước Trong, thu vũ khí và giải tán bộ máy tề xã, lùng bắt chỉ điểm ác ôn. Địch cho ghe máy chở quân đến cứu viện, ta nổ súng đánh chìm 1 chiếc và bắn chết tên Trung úy chỉ huy. Chúng tháo chạy, ta siết chặt vòng vây phát loa gọi hàng; ngày 19/01/1960, toàn xã Phước Hiệp đã về tay nhân dân. Tại Bình Khánh đêm 17/01/1960, nhân dân nổi dậy diệt ác phá kềm, bao vây đồn địch bức rút gọi hàng trong tiếng trống mõ vang trời dậy đất. Bọn địch xé rào tháo chạy, lực lượng vũ trang của ta đột nhập diệt đồn, đến ngày 20/11/1960 xã Bình Khánh hoàn toàn giải phóng.
Cùng với Mỏ Cày, các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri và nhiều nơi trong tỉnh Bến Tre đồng loạt nổi dậy. Giải phóng đến đâu, lực lượng Cách mạng lập tòa án xét xử bọn phản động, mở đại hội chia ruộng đất cho nhân dân. Các đội vũ trang nhanh chóng được thành lập, nhân dân hạ cây dựng chướng ngại vật, lập ấp chiến đấu sẵn sàng đánh địch phản kích. Rút kinh nghiệm cuộc nổi dậy đợt một, Tỉnh ủy Bến Tre phát động đồng khởi đợt hai, không chỉ ở những nơi mạnh, mà ngay cả những vùng cơ sở cách mạng còn xung yếu. Từ phong trào Đồng khởi Bến Tre, Xứ ủy Nam bộ quyết định phát động đồng khởi trên toàn Miền Nam. Không khí cách mạng của Miền Nam lúc bấy giờ đang hừng hực như cành cỏ khô chỉ chờ một mồi lửa là bùng cháy. Đồng khởi diệt ác phá kềm nhanh lan rộng khắp các tỉnh đến Khu V và Tây Nguyên, phá vỡ hệ thống chính quyền của địch ở cơ sở, làm thay đổi cục diện chính trị của cả Miền Nam. Liên tục nổi dậy tiến công, liên tục giành thắng lợi hết đợt này đến đợt khác, Đồng khởi là một hình thức đấu tranh chính trị kết hợp với khởi nghĩa vũ trang độc đáo, sáng tạo dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng.
Nhắc đến phong trào Đồng khởi, lịch sử không quên hình ảnh của đội quân “tóc dài bay trong gió”, “năm xưa đi trong đạn lửa” và “đi như nước lũ tràn về”. Đó là ngày 26/01/1960, địch huy động trên 10 ngàn quân chủ lực cùng máy bay, xe tăng tàu chiến, pháo binh yểm trợ, đánh vào 3 xã vừa giải phóng. Chiến dịch khủng bố mang tên “Bình trị Kiến Hòa” nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta đang trong trứng nước. Đối phó với địch, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức một cuộc đấu tranh gồm hàng ngàn phụ nữ, trên hàng trăm xuồng ghe từ bốn bề sông nước đổ về thị trấn Mỏ Cày. Bọn địch đàn áp, viết khẩu hiệu “Đả đảo Cộng sản” lên nón, các mẹ các chị vất nón hoặc để đầu trần. Chúng viết lên áo, chị em cởi bỏ áo ngoài chỉ còn áo lót bên trong. Biết hôm sau bọn ác ôn sẽ giở trò làm nhục cưỡng hiếp, các chị mang áo khuy cài và quần buộc rút, xuống đường. Trước áp lực của phong trào cách mạng, đến ngày thứ 12, tên Đại tá Nguyễn Văn Y chỉ huy cuộc hành quân từ Sài Gòn xuống, phải thay mặt Bộ Tổng tham mưu ngụy ra lệnh rút quân. Quả là, lúc bình thường thì ruộng vườn, chồng con hiền dịu, khi có giặc thì sống mái với quân thù, truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của các mẹ các chị luôn ngời sáng.
Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, phát huy truyền thống Đồng khởi trong chiến đấu, Đảng bộ Bến Tre phát động phong trào “Đồng khởi mới” trong xây dựng hòa bình, hòa nhịp cùng công cuộc đổi mới cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua của Bến Tre đi lên từ nông nghiệp và thủy sản. Có nông ngư bền vững, Bến Tre phát triển cơ sở hạ tầng và các khu công nghiệp đủ sức thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư, khách du lịch và bạn bè đến quê hương Đồng khởi ngày một đông, bởi bên cạnh hầu hết đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, là cầu Rạch Miễu nối đất và người Bến Tre với cả nước đã được bắc qua. Có mặt tại buổi Lễ khánh thành “Cây cầu mở hướng Bến Tre”, tôi nhớ mãi niềm vui của nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, một trong những người con của xứ dừa. Ngày đó ông nói như reo: “Khi có đường dây tải điện, tôi mừng la lên: “Đồng bào đồng chí ơi, điện đã về quê hương Đồng khởi!...”, nay khánh thành cầu Rạch Miễu, tôi lại muốn hét thật lớn “Đồng bào đồng chí ơi, Bến Tre đã có cầu thoát cảnh cù lao!...”.
Quả là, “Đồng khởi năm xưa, Bến Tre cùng Miền Nam thắng giặc, Đồng khởi mới hôm nay, Bến Tre sẽ cùng cả nước từng bước mạnh giàu”. Mùa Xuân này, Kỷ niệm 55 năm Bến Tre Đồng khởi lại thêm một cây cầu mới vừa được bắc qua, đó là cây cầu mang tên sông Hàm Luông, không những đã trở thành huyền thoại, mà còn có cả trong bài hát “Dáng đứng Bến Tre” vang mãi, bay xa.
Trúc Lâm
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ… theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Hương Giang
23:28 11/12/2024(Thanh tra) - Chiều 11/12, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính.
Hương Giang
23:23 11/12/2024Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Bùi Bình
20:49 11/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Cảnh Nhật
Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh
Thu Huyền
Hương Giang