Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Doanh nhân mong muốn mở cửa trở lại an toàn, góp trí tuệ vào phục hồi kinh tế

Hương Giang

Thứ ba, 12/10/2021 - 15:20

(Thanh tra) - Gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói, "chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, càng trân trọng những đóng góp của người dân và doanh nghiệp bao nhiều thì càng thấy trách nhiệm của mình”.

Theo Thủ tướng, quá trình mở cửa trở lại, phục hồi và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phải bảo đảm lộ trình an toàn. Ảnh: N.Bắc

Ngày 12/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay được kỷ niệm trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới phát triển kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ gửi lời cảm ơn, tri ân tới tất cả doanh nhân vì những đóng góp của họ với kinh tế đất nước.

Thời kỳ bình thường mới, doanh nghiệp sẽ nhanh, quyết liệt hơn

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, năm 2021 được đánh dấu bằng những khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của dịch COVID -19, nhiều doanh nghiệp đối mặt với đứt gãy sản xuất, đứt gãy thị trường, đứt gãy dòng tiền và lao động.

Khó khăn chồng chất khó khăn, doanh nghiệp Việt đã kiên trì tìm các giải pháp để duy trì sản xuất, phát triển kinh doanh.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI. Ảnh: N.Bắc

Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam hiểu rằng không phải ai khác, mà chính họ là lực lượng chính đóng góp cho ngân sách, phát triển kinh tế đất nước, đóng góp việc cho kinh tế Việt Nam có tăng trưởng hay không, hình ảnh Việt Nam đến với thế giới thế nào.

Chính phủ đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có cơ hội để thực hiện sứ mệnh của mình.

“Trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, Chính phủ đã và đang nỗ lực hết sức để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID -19 diễn biến phức tạp”, Chủ tịch Viettel nhận định.

Ông Dũng nói thêm rằng, cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần vượt khó, ý chí tự lực tự cường đã đóng góp vào chiến lược chống dịch, nỗ lực thích ứng tình hình mới, duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.

“Việt Nam đã có đội ngũ doanh nhân hùng mạnh, không ngừng nỗ lực quyết tâm đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển đất nước. Hiện nay, đã chuyển sang thời kỳ bình thường mới, cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhanh hơn, quyết liệt hơn nữa”, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group phát biểu.

Kỳ vọng vào chương trình tổng thể phục hồi kinh tế

Các doanh nhân bày tỏ mong muốn mở cửa trở lại an toàn, nhanh nhất và góp trí tuệ vào chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

“Quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều năm. Vì vậy, các doanh nghiệp mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp”, ông Công nói.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh doanh nghiệp kỳ vọng và mong muốn được đóng góp trí tuệ vào chương trình tổng thể phục hồi kinh tế.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính bày tỏ mong muốn mở cửa trở lại an toàn nhanh nhất, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn thì kiến nghị Chính phủ cần thực hiện ngay giải pháp phù hợp trên quy mô lớn trong trung và dài hạn, trong đó cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, đảm bảo an sinh xã hội.

“Tôi cho rằng cần ổn định chính sách tài khoá, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn; nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, phục hồi sau đại dịch. Chính sách tài khoá cần thực hiện có trọng tâm. Hỗ trợ đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc”, ông Sơn nói.

Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính. Ảnh N.Bắc

Ông Sơn cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giảm lãi suất đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đề xuất chênh lệch không quá 2,5% giữa lãi suất huy động, lượng vốn và lãi suất cho vay.

Ngoài ra, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

“Chúng tôi luôn có niềm tin vào chỉ đạo, quyết sách kịp thời và hiệu quả của Chính phủ. Cuộc gặp gỡ hôm nay là sự khích lệ lớn đối với doanh nghiệp và doanh nhân vượt qua khó khăn để phục hồi sau đại dịch”, ông Sơn khẳng định.

Từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế với bước đi thận trọng

Thủ tướng cho biết, Chính phủ thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp. “Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, càng trân trọng những đóng góp của người dân và doanh nghiệp bao nhiều thì càng thấy trách nhiệm của mình”, ông nói.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Nhưng theo nhìn nhận của Thủ tướng, đây là nỗ lực lớn nhưng so với mong muốn và ảnh hưởng dịch bệnh thì chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, cần cố gắng nhiều hơn nữa.

Chính phủ đã ban hành nghị quyết hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Cạnh đó, sẽ sớm hoàn thiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ông cũng khẳng định, chúng ta đang từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. Song quá trình mở cửa trở lại phải bảo đảm lộ trình an toàn, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, có bước đi thận trọng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Cùng với đó, là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách; nghiên cứu thử nghiệm một số chính sách về du lịch, thương mại và dịch vụ, từng bước mở cửa du lịch an toàn; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến, áp dụng hộ chiếu vaccine…

“Đây là bài toán khó đòi hỏi chúng ta phải thận trọng, tỉnh táo nhưng không vì thế mà chậm trễ, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số; có nhiều giải pháp khôi phục thị trường lao động; thiết lập kênh thông tin phù hợp để người dân và doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị.

Trước mong muốn của nhiều doanh nghiệp là tiêm vaccine cho người lao động, Thủ tướng cho biết, chúng ta đang phấn đấu đạt mục tiêu bao phủ vaccine chậm nhất trong quý IV năm 2021, trong đó ưu tiên người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, các lực lượng tuyến đầu, người lao động trong các doanh nghiệp. Chúng ta cũng đang nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ em để mở cửa trường học an toàn…

Thủ tướng tin tưởng vào sự hợp tác, đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với sự nghiệp chung, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, chung tay xây dựng đất nước hùng cường thịnh vượng.

Trước kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô... bà Hồng mong các doanh nghiệp chia sẻ với hệ thống ngân hàng trong quá trình này.

Về chính sách tài khoá, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Tài chính thông tin, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và doanh nhân để tham mưu cho Thủ tướng các chính sách ưu đãi thuế phí, để bảo đảm chúng ta có nguồn lực hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

“Về phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, chúng tôi sẽ cùng với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu báo cáo với Thủ tướng xem xét cơ chế lãi suất đối với doanh nghiệp vay vốn ngân hàng có nguồn lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm