Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thái Hải

Thứ sáu, 01/04/2022 - 17:45

(Thanh tra) - Ngày 1/4, Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TH

Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, thực hiện nghị quyết và kế hoạch giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021" của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn triển khai giám sát trực tiếp với Bộ TN&MT, nghe lãnh đạo bộ, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, báo cáo nội dung việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện rà soát các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài liên quan đến lĩnh vực ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Bộ TN&MT là cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo. Qua giám sát, trao đổi, đoàn giám sát hy vọng sẽ có được bức tranh toàn cảnh về khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, những vấn đề trong thực hiện Luật Đất đai làm phát sinh khiếu nại, tố cáo và hiệu quả trong tổ chức thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Đồng thời, đánh giá chính xác hơn kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, từ đó làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai, tài nguyên môi trường, nâng cao năng lực, trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ việc triển khai, quán triệt, cụ thể hóa các văn bản của Đảng, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong lĩnh vực ngành; làm rõ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ TN&MT trong thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật Tố cáo, trong quản lý đối với lĩnh vực đất đai để đảm bảo không phát sinh vi phạm, hạn chế khiếu nại, tố cáo; trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; công tác tổ chức tiếp công dân và tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân…

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, trong kỳ báo cáo, tổng số đơn khiếu nại mà bộ tiếp nhận là 18.202 lượt đơn, tương ứng với 9.159 vụ khiếu nại, tố cáo, trong đó đa số vụ việc khiếu nại trong lĩnh vực đất đai.

Khiếu nại trong lĩnh vực đất đai tập trung vào một số nội dung chủ yếu gồm khiếu nại liên quan đến việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giá bồi thường, hỗ trợ; việc thu hồi đất và trình tự, thủ tục thu hồi đất; tranh chấp đất đai và đòi lại đất cũ…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục. Bộ trưởng Bộ TN&MT đã giao cho Chánh Thanh tra Bộ tổ chức đối thoại với tất cả các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng. Đối với vụ việc phức tạp, Chánh Thanh tra sẽ báo cáo Bộ trưởng để lãnh đạo bộ tổ chức đối thoại theo quy định.

Qua thảo luận, các thành viên đoàn giám sát cho rằng báo cáo đã phản ánh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ TN&MT trong 5 năm qua; cung cấp nhiều số liệu cụ thể để minh chứng cho các đánh giá, nhận định về tình hình thực hiện, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016-2021.

Các đại biểu đánh giá nhìn chung Bộ TN&MT đã tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân. Tình hình công dân đến trụ sở tiếp công dân của bộ có xu hướng giảm trong 2 năm gần đây.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị báo cáo có sự đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp công dân của bộ gắn với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ rõ những tồn tại, hạn chế để có biện pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này, góp phần giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo phát sinh, hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp, bức xúc, kéo dài.

Các đại biểu đề nghị bộ chỉ rõ nguyên nhân các vụ việc khiếu nại còn tồn đọng, chưa giải quyết, do vướng mắc pháp luật hay do công tác thực thi. Đối với tranh chấp đất đai, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền trách nhiệm giải quyết của bộ còn tồn đọng là 38/268 (chiếm 14% số vụ việc phải giải quyết).

Bộ làm rõ nội dung các khiếu nại, tranh chấp này, làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh pháp luật về quản lý đất đai.

Một số ý kiến lưu ý bộ cần đánh giá thêm trường hợp công dân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây mất an ninh, trật tự, thậm chí để vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, bộ cần có kiến nghị giải pháp cụ thể hơn nhằm giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, nhất là những trường hợp công dân tiếp tục khiếu nại về tranh chấp đất đai do ngại khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính ra tòa án.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao tinh thần trao đổi tích cực, thẳng thắn, cùng những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận báo cáo của Bộ TN&MT đã bám sát đề cương, cung cấp nhiều số liệu, bảng biểu theo yêu cầu, là cơ sở cho đoàn giám sát đưa ra nhận định, đánh giá sát thực tiễn; đưa ra những đề xuất kiến nghị sửa đổi pháp luật trong lĩnh vực này.

Nhấn mạnh giám sát chuyên đề này là nội dung rất quan trọng, được lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bộ đánh giá, nêu rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân khách quan, chủ quan ở tầm vĩ mô quản lý Nhà nước. Đồng thời cần thống kê đầy đủ, rõ ràng chi tiết về những kiến nghị liên quan đến việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đất đai các Luật khác có liên quan trong phạm vi quản lý của ngành TN&MT.

Đồng thời đề nghị, Bộ TN&MT tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu tại cuộc làm việc, tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng làm rõ hơn nữa các nội dung về kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận xử lý đơn thư, đối thoại với công dân, đặc biệt là trách nhiệm của bộ trong tham mưu Thủ tướng Chính phủ giải quyết khiếu nại tố cáo nói chung và các vụ việc tồn đọng nói riêng.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ TN&MT hoàn thiện và gửi báo cáo bổ sung cho đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất, qua đó xây dựng hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm