Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Điều kiện khó khăn mà không tiết kiệm thì rất có lỗi với dân”

Hương Giang

Thứ tư, 22/09/2021 - 13:49

(Thanh tra) - Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhiều khi thiệt hại do lãng phí, không thực hành tiết kiệm còn lớn hơn hậu quả của tham nhũng.

Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 22/9, tiếp tục chương trình làm việc phiên thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số nội dung Dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Đây là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội năm 2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng đoàn Giám sát cho biết, chuyên đề này có nội dung rộng, tính phức tạp “rất cao”.

Chỉ giám sát khu vực công, tập trung 5 lĩnh vực

Trình bày Dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường (Phó trưởng đoàn Thường trực) cho biết, phạm vi giám sát chỉ khu vực công từ 1/1/2016 đến 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan (không giám sát công tác này trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khu vực tư nhân, tiêu dùng của nhân dân).

Nội dung giám sát tập trung vào 5 lĩnh vực gồm: Quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; quản lý, sử dụng vốn Nhà nước khác; quản lý tài sản Nhà nước; quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên.

“Với từng lĩnh vực cụ thể, Dự thảo Kế hoạch nêu cụ thể các nội dung trọng tâm, trọng điểm tập trung giám sát”, ông Cường cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường. Ảnh: Đ.X

Đối tượng giám sát là Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan quản lý, sử dụng vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước; TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao; Kiểm toán Nhà nước; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội; doanh nghiệp Nhà nước; HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cơ bản đồng tình kế hoạch, đề cương giám sát, nhưng ông bày tỏ băn khoăn về phạm vi.

“Đoàn đã chọn lĩnh vực trọng tâm để bảo đảm tính khả thi phạm vi giám sát, tập trung vào 5 mảng vấn đề, nhưng tôi vẫn cảm thấy rộng. Nếu khoanh lại được nữa thì nên cân nhắc kỹ để bảo đảm đã giám sát phải sâu, đủ thời gian, nguồn lực để làm, chỉ ra được mặt được, tồn tại, hạn chế, chứ rộng quá thì sẽ dàn trải”, ông Tùng nêu.

Tiết kiệm được đồng nào thì có lợi cho quốc gia đồng ấy 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chuyên đề này được các cơ quan chức năng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, kỳ vọng nhất.

Theo ông Vương Đình Huệ, quốc gia nào cũng chú ý đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là những nước có nguồn lực còn hạn chế.

“Nước mình có của ăn, của để rồi, nhưng là nước đang phát triển thôi, thu nhập đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của nhân dân, công nhân viên chức, người lao động, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Chúng ta tiết kiệm được đồng nào thì có ích lợi cho quốc gia đồng ấy, điều kiện khó khăn mà không tiết kiệm thì rất có lỗi với dân”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Nhấn mạnh nhiều khi thiệt hại do lãng phí, không thực hành tiết kiệm còn lớn hơn cả hậu quả của tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt đề nghị đoàn giám sát nêu cao tinh thần trách nhiệm, “cố gắng thành đoàn giám sát kiểu mẫu”.

Về phạm vi giám sát, ông Vương Đình Huệ cũng thấy còn rộng. Theo ông, nên tập trung giám sát có trọng tâm, trọng điểm và cụ thể hóa.

Chủ tịch Quốc hội ví dụ, trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thì đất đai là tài nguyên đặc biệt thì đoàn giám sát phải chỉ rõ cả nước có bao nhiêu diện tích đất đã giao mà chưa thu tiền sử dụng đất? Bao nhiêu diện tích đất giao rồi mà sử dụng không đúng mục đích, địa chỉ nằm ở đâu? trách nhiệm thế nào? Rồi bao nhiêu dự án treo?...

Giám sát phải làm “đến nơi, đến chốn”

Nêu ý kiến chung về hoạt động giám sát, theo ông Vương Đình Huệ, muốn nâng cao chất lượng phải đầu tư chất lượng, trí tuệ, có tổ chức, cách làm phù hợp, khoa học, hiệu quả.

Ông đặc biệt lưu ý, phải làm “đến nơi, đến chốn”, “giám thì cho ra giám, sát thì thật sát vào”, phải gắn được trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Đoàn giám sát phải kiến nghị được hình thức thích đáng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan những vấn đề có sai phạm, chậm trễ, cản trở công tác trong thi hành pháp luật.

Quá trình giám sát phải có kế hoạch, mục tiêu, có thu hoạch báo cáo, vừa toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm.

“Chúng ta phải nghe nhiều tai, nhiều kênh, có tính chất độc lập với nhau thì mới có thể “gạn đục khơi trong được”. Nguyên lý của kiểm tra, giám sát là nguyên tắc 4 mắt, người này làm cái gì thì có người khác giám sát”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, “chỉ nghe một chiều thôi thì không được đâu”.

Báo cáo giám sát chuyên đề này sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Chuyên đề Giám sát tối cao thứ 2 là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành”. 

Trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến một số nội dung Dự thảo Kế hoạch chi tiết và các đề cương báo cáo giám sát chuyên đề này.

Phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo quy định pháp luật liên quan trên phạm vi cả nước từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành (từ 1/1/2019, riêng các quy định về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018).

Đối tượng giám sát là Chính phủ, các bộ (tập trung vào các ngành, lĩnh vực: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); HĐND và UBND cấp tỉnh.

Báo cáo Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022). 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm