Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất nghiên cứu bảng lương riêng cho cơ quan dân cử để “hút” nhân tài

Thứ năm, 01/04/2021 - 18:31

(Thanh tra) - Đại biểu Quốc hội đề nghị, nghiên cứu bảng lương riêng cho cơ quan dân cử để thu hút được nhân tài vào ngồi ở các cơ quan quyền lực Nhà nước, từ Quốc hội đến HĐND các cấp.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 1/4, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Tăng số lượng không làm tăng biên chế

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, Chính phủ thống nhất với đề nghị của TP Hà Nội về việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP nhiệm kỳ 2021-2026.

Tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP là 19 người. Trong đó, 19 người này, lãnh đạo HĐND TP có 3 người (Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch HĐND TP); mỗi Ban của HĐND TP có 1 Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban và 1 Ủy viên hoạt động chuyên trách.

So với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tại HĐND TP Hà Nội tăng thêm 9 đại biểu (trong đó, tăng 1 Phó Chủ tịch HĐND, 4 Phó Trưởng ban và 4 Ủy viên hoạt động chuyên trách tại 4 Ban của HĐND).

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách không làm tăng biên chế vì Hà Nội phải giảm số cán bộ, công chức ở các cơ quan của TP để bảo đảm tổng biên chế hành chính. Hơn nữa, việc tăng đại biểu chuyên trách là để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Đ.X

“Chính phủ đề nghị quy định chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách của các Ban của HĐND TP Hà Nội được hưởng lương theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức và được hưởng phụ cấp chức vụ bằng chức danh trưởng phòng cấp sở của TP Hà Nội”, ông Tân nêu.

Trình bày thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Uỷ ban này cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc bố trí số lượng, chức danh đại biểu chuyên trách của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Chưa có quy định lương, phụ cấp cho Ủy viên chuyên trách

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, trong hệ thống thang, bảng lương hiện chưa có quy định về lương, phụ cấp và chế độ chính sách cho chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban của HĐND.

Dự thảo Đề án Các chức danh, chức vụ tương đương từ Trung ương đến cơ sở và Dự thảo Đề án Cải cách tiền lương do Ban Tổ chức Trung ương đang chuẩn bị cũng chưa có quy định về vị trí và mức lương dành cho chức danh này.

“Để tạo cơ sở pháp lý cho quá trình tổ chức thực hiện, đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, sớm có đề xuất cụ thể về lương, phụ cấp và chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban của HĐND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”, ông Tùng nêu quan điểm của Uỷ ban Pháp luật.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau). Ảnh: Đ.X

Phát biểu ý kiến sau đó, đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) tha thiết đề nghị, lương, phụ cấp của Ủy viên hoạt động chuyên trách của các Ban của HĐND TP ít nhất phải tương đương hoặc bằng Phó Giám đốc Sở. “Như thế cũng là một cách để chúng ta động viên, thu hút những người có năng lực”, ông Hoàng nói.

Chung quan điểm, theo nhận định của Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách Lê Thanh Vân (đại biểu đoàn Cà Mau), một đại biểu HĐND chuyên trách ở TP mà chỉ tương đương với trưởng phòng, chưa bằng cấp phó của Giám đốc Sở làm sao giám sát được.

“Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là nhân vật chính trị, tiếp nhận sự ủy thác quyền lực của nhân dân thông qua bầu cử”, ông Vân lưu ý.

Đại biểu dân cử phải có địa vị chính trị rõ ràng

Quá trình chuẩn bị bầu cử, Trung ương có chỉ đạo chọn đại biểu Quốc hội chuyên trách trong số những người đã được quy hoạch ít nhất là vụ trưởng hoặc thứ trưởng. Tương tự, đại biểu HĐND chuyên trách của TP Hà Nội phải tối thiểu là trưởng phòng hoặc phó giám đốc sở.

“Tư duy như thế cũng nên phải xem xét lại”, ông Vân đề nghị, mức lương khởi điểm của đại biểu Quốc hội tối thiểu phải là thứ trưởng, còn phụ cấp gọi là phân công chứ không nên có hệ thống chức danh có tính chất hành chính. Lương của đại biểu HĐND cũng vậy.

“Chúng ta phải nghiên cứu một bảng lương riêng cho các cơ quan dân cử. Các đại biểu dân cử phải có địa vị chính trị, pháp lý cụ thể, rõ ràng, thể hiện qua đãi ngộ của Nhà nước, mà ở đây chính là ủy thác của nhân dân”, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách nêu ý kiến.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách Lê Thanh Vân (đại biểu đoàn Cà Mau). Ảnh: Đ.X

Theo ông Vân, trong kỳ, đại biểu gánh vác trách nhiệm của nhân dân ủy thác thì được hưởng quyền như thế. Sau này, nếu trở lại đơn vị công tác thì trở lại mức lương cũ là bình thường.

“Một nguyên tắc mà nhiều lần trong Nghị quyết Đảng đã nói, là làm việc gì ăn việc đấy”, đại biểu đoàn Cà Mau nói tiếp và đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này.

“Đây là một chính sách rõ ràng thể hiện đãi ngộ của Nhà nước, của nhân dân đối với các đại biểu dân cử, có như vậy mới thu hút được nhân tài vào ngồi ở các cơ quan quyền lực Nhà nước, từ Quốc hội đến HĐND các cấp”, ông Lê Thanh Vân kết thúc phát biểu.

Giải trình, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói, trong thời gian qua Hà Nội tổ chức thí điểm, đại biểu hoạt động chuyên trách ở các Ban của HĐND TP hưởng phụ cấp 0,6, bằng phụ cấp của trưởng phòng cấp sở.

“Phụ cấp của đại biểu hoạt động chuyên trách ở các Ban của HĐND TP không thể cao hơn hoặc bằng với phụ cấp của Phó Ban HĐND. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ nghiên cứu để làm đồng bộ”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm