Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đề xuất nâng giới hạn làm thêm lên 300 giờ trong 1 năm cho tất cả ngành, nghề, công việc

Hương Giang

Thứ năm, 10/03/2022 - 22:19

(Thanh tra) - Chính phủ đề xuất nâng số giờ làm thêm trong 1 tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và số giờ làm thêm trong 1 năm của người lao động là không quá 300 giờ, được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.

“Thực tế trên cho thấy các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm cần phải có sự điều chỉnh trong giai đoạn ngắn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người lao động có việc làm và thêm thu nhập, ổn định lại cuộc sống”, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói

Chiều 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.

Điều chỉnh giới hạn làm thêm để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, theo Điều 107 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động được phép thỏa thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng.

Một số ngành, nghề, công việc (dệt may, da, giày, chế biến thuỷ hải sản…) được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp về thực trạng hoạt động sản xuất, đặc biệt là những khó khăn về lực lượng lao động, mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc.

“Thực tế trên cho thấy các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm cần phải có sự điều chỉnh trong giai đoạn ngắn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người lao động có việc làm và thêm thu nhập, ổn định lại cuộc sống”, ông Dung nói.

Vì vậy, Chính phủ đã xây dựng nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động, trong đó đề xuất nâng số giờ làm thêm trong 1 tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và số giờ làm thêm trong 1 năm của người lao động là không quá 300 giờ và được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.

Chính phủ đề xuất về thời điểm hết hiệu lực thi hành nghị quyết này theo thời điểm hết hiệu lực của Nghị quyết 30/2021/QH15 (31/12/2022).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm, một số hiệp hội doanh nghiệp như Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Cchế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam có ý kiến đề xuất tăng giới hạn làm thêm giờ từ 300 giờ lên 400 giờ trong 1 năm.   

Áp mức trần 300 giờ cho tất cả các ngành, nghề, công việc là quá rộng

Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản đồng tình với quan điểm của Chính phủ sự cần thiết ban hành nghị quyết quy định về biện pháp hết sức đặc biệt này như là một giải pháp tình thế và chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, có ý kiến cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không nên ban hành nghị quyết vấn đề này khi chỉ còn hiệu lực hơn 9 tháng, mà nên trình Quốc hội ban hành nghị quyết như là một giải pháp đặc biệt vừa phục hồi, phát triển kinh tế vừa có phần gắn với phòng, ngừa dịch bệnh COVID -19 và thực hiện trong thời gian cả năm 2022 và năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: Đ.X

Về đề xuất mở rộng việc áp dụng thời giờ làm thêm 300 giờ trong 1 năm với tất cả các ngành, nghề, công việc có ba loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với đề xuất của Chính phủ.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc việc mở rộng áp dụng mức 300 giờ làm thêm trong năm với tất cả các ngành, nghề, công việc mà không có sự phân biệt tính chất đặc thù hoặc chỉ quy định các đối tượng được mở rộng (như ngành, nghề, công việc thiếu lao động cục bộ).

Loại ý kiến thứ ba đề nghị nếu áp dụng 300 giờ một năm cho tất cả các ngành, nghề thì cần nâng lên mức 400 giờ cho các ngành, nghề, công việc hiện đang được áp dụng mức tối đa 300 giờ.

Đồng tình với loại ý kiến thứ hai, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc áp dụng mức trần 300 giờ cho tất cả các ngành, nghề, công việc là quá rộng. Trong khi cơ quan soạn thảo chưa cung cấp đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế về tăng thời giờ làm thêm do tác động của dịch COVID -19, chưa đánh giá tác động đầy đủ của việc nâng mức trần này đến sức khỏe, an toàn lao động của người lao động.

“Để bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các đối tượng nói trên và rà soát các ngành, nghề, công việc, trường hợp khác mà việc tăng mức trần thời giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không đáp ứng được yêu cầu làm việc… để quy định (theo hướng loại trừ) các đối tượng không áp dụng mức trần 300 giờ làm thêm trong năm”, bà Thúy Anh nói.

Chỉ nâng giới hạn làm thêm giờ lên mức 56 giờ hoặc 60 giờ

Về nâng giới hạn về thời giờ làm thêm của người lao động trong tháng không quá 40 lên 72 giờ cũng có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với đề xuất của Chính phủ.

Loại ý kiến thứ hai không tán thành với việc nâng giới hạn về thời giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên 72 giờ, chỉ nên nâng giới hạn làm thêm giờ lên mức 56 giờ (tương ứng với 7 ngày làm việc bình thường - 8 giờ/ngày) hoặc mức 60 giờ để tương ứng với tăng giờ làm thêm trong năm từ 200 lên 300 giờ (150%) và chỉ áp dụng đối với ngành, nghề, công việc, trường hợp được làm thêm tối đa 300 giờ một năm.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội cũng như các ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban đều nhất trí với loại ý kiến thứ hai.

Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%, tương ứng từ 40 giờ lên 60 giờ, và chỉ áp dụng đối với đối tượng đã được quy định mức trần làm thêm trong năm là 300 giờ. Đồng thời, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa (2 hoặc 3 tháng).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm