Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất cho Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan dùng 2.268 tỷ đồng đầu tư 95 dự án

Hương Giang

Thứ ba, 13/12/2022 - 22:14

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về điều chỉnh dự toán kinh phí chưa dùng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính); bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cách đây hơn một tháng, Chính phủ trình Quốc hội cho phép điều chỉnh hơn 2.268 tỷ đồng từ dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế, để bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 và 2023 cho Bộ Tài chính thực hiện 95 dự án đầu tư công của hai đơn vị này, thời hạn giải ngân tới hết năm 2023.

Tuy nhiên, hiện gần hết niên độ ngân sách năm 2022, khó kịp thời gian để các dự án được bố trí vốn có đủ thời gian hoàn thành, quyết toán vốn.

“Trong số 95 dự án đầu tư công của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, có 41 dự án chuyển tiếp, 12 dự án khởi công mới và chuẩn bị đầu tư. Theo quy định, trình tự thực hiện dự án đầu tư xây dựng gồm: Giai đoạn chuẩn bị dự án, giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn kết thúc dự án đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Do đó, một số dự án chuyển tiếp và khởi công mới vào năm 2023 sẽ không thể hoàn thành, tất toán dự án trong năm 2023 mà sẽ chuyển sang giai đoạn kết thúc dự án vào năm 2024 để thực hiện các công việc quyết toán hợp đồng, quyết toán dự án hoàn thành”, ông Phớc nói.

Mặt khác, các dự án của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan không thuộc đối tượng ưu tiên được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân theo các trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Vì thế, Chính phủ xin điều chỉnh chuyển số vốn này sang thành kinh phí chi đầu tư phát triển năm 2023 của Bộ Tài chính, để thực hiện 95 dự án đầu tư công tại Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế. Thời hạn giải ngân vốn hết năm 2024, tức kéo dài thêm một năm.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay, việc chuyển nguồn kinh phí năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan sang năm 2023 là cần thiết và đúng quy định.

“Trong điều kiện các dự án của Bộ Tài chính đang thiếu vốn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện, việc điều chỉnh, bố trí vốn để thực hiện các dự án của hai đơn vị này là cần thiết”, ông Cường nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường. Ảnh: P.Thắng

Cơ quan thẩm tra lưu ý, Chính phủ trình điều chỉnh vốn quá chậm, khi chỉ còn khoảng nửa tháng là hết niên độ năm ngân sách 2022, vì vậy đề nghị thực hiện chuyển nguồn hơn 2.268 tỷ đồng sang năm 2023 theo quy định của Luật Đầu tư công, sau khi đã điều chỉnh từ nguồn kinh phí chi thường xuyên sang chi đầu tư để thực hiện 95 dự án.

“Đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm bảo đảm các dự án đầu tư công được sử dụng nguồn vốn này đúng, đủ các thủ tục các thủ tục theo quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ giải ngân”, ông Cường nhấn mạnh.

Sau thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh hơn 2.268 tỷ đồng từ dự toán kinh phí chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan để bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 và năm 2023 của Bộ Tài chính.

Đồng thời, chuyển nguồn sang năm 2023 theo quy định của Luật Đầu tư công với khoản trên để triển khai 95 dự án tại 2 cơ quan trên. Thời hạn giải ngân cho phép đến năm 2024. Nội dung này sẽ được nêu trong nghị quyết về các vấn đề liên quan ngân sách tại kỳ họp bất thường lần 2 của Quốc hội, dự kiến khai mạc đầu tháng 1 năm 2023.

Chính phủ đề xuất bổ sung dự toán hơn 14.713 tỷ đồng chi thường xuyên năm 2021 Liên quan đến việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt số tiền hơn 14.713 tỷ đồng, trong đó bổ sung dự toán cho các khoản viện trợ cho phòng chống dịch COVID -19 là hơn 11.360 tỷ đồng; phần bổ sung dự toán cho các khoản viện trợ khác là hơn 3.352 tỷ đồng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban này cho rằng, thẩm quyền quyết định vấn đề này là của Quốc hội. Vì vậy, cơ quan này đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định. Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng lưu ý, dù việc bổ sung dự toán những khoản đã chi chưa có trong dự toán đã có tiền lệ, phát sinh trên thực tế, song đối chiếu với quy định của Hiến pháp, Luật Ngân sách Nhà nước “là chưa tuân thủ, đã tồn tại và lặp lại trong nhiều năm, ảnh hưởng đến tính minh bạch và kỷ luật tài chính”.  Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: P.Thắng “Đề nghị Chính phủ thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đối với những vướng mắc do pháp luật dẫn đến không thể thực hiện được trên thực tế, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật, bảo đảm tính khả thi của pháp luật”, ông Nguyễn Phú Cường nói. Chốt lại nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội thảo luận, xem xét quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ 2. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc tuân thủ thời gian trình các nội dung theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghiên cứu hoàn thiện hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài để quản lý chặt chẽ hiệu quả, không để xảy ra lãng phí, vừa tuân thủ các quy định của pháp luật, vừa đảm bảo tính khả thi trong thực tế thực hiện.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm