Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đề xuất bổ sung hành vi bị nghiêm cấm với cán bộ để tránh “phạt cho tồn tại”

Hương Giang

Thứ hai, 31/08/2020 - 22:35

(Thanh tra) - Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính mới nhất đã bổ sung quy định nghiêm cấm cán bộ, công chức “không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả”.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền trình bày dự thảo báo cáo. Ảnh: quochoi.vn

Thực hiện chương trình công tác năm 2020, ngày 31/8, Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 29 với hình thức trực tuyến để cho ý kiến dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nghiêm cấm không theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt

Trình bày dự thảo báo cáo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình dẫn đến tình trạng “phạt cho tồn tại”.

Theo ông Xuyền, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ đã được pháp luật có liên quan quy định (Bộ luật Hình sự; Luật Cán bộ, công chức).

Để cụ thể hóa việc xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, ngày 12/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19, trong đó đã quy định cụ thể hành vi, hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức có vi phạm.

Để tăng cường trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật mới nhất đã bổ sung quy định hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể là “không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả”.

“Về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm xin được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ”, ông Xuyền nói.

Thảo luận tại phiên họp, về cơ bản các thành viên Ủy ban Pháp luật bày tỏ sự tán thành cao với dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cắt điện, nước công trình vi phạm vẫn ý kiến khác nhau

Đi vào một số nội dung cụ thể, về biện pháp bổ sung “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” hiện vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Một số ý kiến không tán thành bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước...”. Vì điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác có liên quan.

Mặt khác, việc áp dụng biện pháp này là can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên cần được cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng nhằm bảo đảm xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự công cộng với quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.

Ở chiều ngược lại thì cho rằng, bổ sung biện pháp này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm.

Do đó, còn nhiều ý kiến khác nhau, nên dự thảo luật thể hiện cả 2 phương án để các Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét và quyết định.

Phương án 1, không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước…”.

Phương án 2, bổ sung biện pháp trên và chỉ được thực hiện tại địa điểm vi phạm, áp dụng đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; giới hạn trong 2 lĩnh vực là xây dựng và bảo vệ môi trường. Đồng thời quy định, việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác không liên quan đến vụ việc vi phạm hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở các ý kiến thảo luận, Ủy ban sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tiếp thu chỉnh lý các nội dung của dự thảo luật nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, tính khả thi để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình ra Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 tới đây.

Cũng trong ngày Ủy ban Pháp luật cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm