Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đề nghị bổ sung 18.000 tỷ đồng cho năm 2022 thì như “muối bỏ bể”, không kích thích kinh tế

Hương Giang

Thứ sáu, 13/05/2022 - 17:48

(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích, với số vốn đề nghị bổ sung 18.000 tỷ cho 265 dự án thì bình quân mỗi dự án chỉ được 69 tỷ thì “manh mún, phân tán, dàn trải rất rõ”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 11. Ảnh: Đ.X

Ngày 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Còn hơn 38.000 tỷ đồng ngân sách chưa phân bổ xong

Theo tờ trình của Chính phủ, vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 ước thanh toán đến 31/3/2022 là 61.536 tỷ đồng, đạt 11,88% kế hoạch. Còn 38.686 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, bằng 7,5%.

Chính phủ cũng cho biết, theo Nghị quyết 43 của Quốc hội (về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế) cho phép điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn trong gói phục hồi phát triển kinh tế cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng.

Chính phủ đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư vốn với tổng số vốn là 18.349 tỷ đồng cho 265 dự án, trong đó có 7 nhiệm vụ, dự án hoàn thành, đã bàn giao; 126 dự án chuyển tiếp, 106 dự án khởi công mới.

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, vốn ngân sách Trung ương năm 2022 còn hơn 38.000 tỷ đồng tại các bộ, ngành, địa phương hiện chưa phân bổ, lý do là chưa chuẩn bị xong thủ tục đầu tư.

Ông đề nghị “Chính phủ báo cáo rõ địa chỉ nào, ngành nào, ở đâu, sau đó công bố công khai cho công luận biết”.

“Các bộ phụ trách công tác này khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trình Chính phủ có trách nhiệm thế nào, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính vì khi trình đều đưa vào kế hoạch, nghĩa là theo nguyên tắc đầu tư công phải có quyết định đầu tư, danh mục rồi", ông Vương Đình Huệ nêu.

Mỗi dự án chỉ 69 tỷ thì “manh mún, phân tán, dàn trải rất rõ”

Trong khi hơn 38.000 tỷ đồng chưa phân bổ được thì giờ lại đề nghị phân bổ bổ sung 18.000 tỷ đồng nên Chủ tịch Quốc hội bày tỏ quan điểm không đồng tình.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Ông Vương Đình Huệ phân tích, với số vốn bổ sung 18.000 tỷ cho 265 dự án thì bình quân mỗi dự án chỉ được 69 tỷ thì “manh mún, phân tán, dàn trải rất rõ”.

Cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, mục tiêu của gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế 347.000 tỷ đồng là giải ngân trong 2 năm 2022 - 2023. Việc Chính phủ đề nghị bổ sung 18.000 tỷ đồng cho năm 2022 thì như “muối bỏ bể”, không giải quyết được vấn đề kích thích nền kinh tế.

Ông đề nghị Chính phủ trình tổng thể danh mục dự án của gói hỗ trợ 347.000 tỷ đồng, sau đó rà soát một lần nữa, rồi mới “điều hòa” nguồn vốn để tập trung vào các dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế trong năm 2022 - 2023, đạt được mục tiêu tăng trưởng thêm 2% như nghị quyết Quốc hội đề ra.

“Tôi đề nghị chưa xem xét vấn đề này. Mặc dù là gấp nhưng với cách thức này, chưa đủ điều kiện, chưa đáp ứng yêu cầu thì chưa xem xét, rồi trình lại”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

11 bộ, ngành, địa phương chậm phân bổ vốn đầu tư công

Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, liên quan đến số vốn hơn 38.000 tỷ của 11 bộ, ngành và 3 địa phương, vốn ngân sách Trung ương trong nước chưa giải trình bổ sung.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông. Ảnh: Đ.X

Theo quyết định của của Chính phủ cho đến 31/3 nếu bộ, ngành, địa phương nào chưa phân bổ thì xin phép điều chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác tốt hơn, tuy nhiên, đến ngày 31/3, các bộ ngành, địa phương chưa rà soát được.

Đồng thời, theo Nghị định 40 hướng dẫn Luật Đầu tư công cho phép đến trước 30/6, nếu các bộ, ngành, địa phương chưa rà soát được thì phối hợp với các bộ, ngành rà soát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển sang các bộ, ngành, cơ quan tốt hơn.

“Chúng tôi kiên quyết đến 30/6 chưa thực hiện được sẽ điều chuyển cho các bộ, ngành khác”, ông Đông nói.

Ông Đông nói thêm, ngoài lỗi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì có cả lỗi của các bộ, ngành địa phương chưa tích cực khi Chính phủ đã có các công điện, nghị quyết phiên họp hàng tháng.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 6 đoàn công tác. Theo ông Đông, tuần tới các đoàn công tác sẽ làm việc với các bộ, ngành, địa phương và báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm