Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

ĐBQH: Phải thanh tra, kiểm tra để tránh “bò đi lạc vào nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo”

Hương Giang

Thứ bảy, 13/06/2020 - 14:42

(Thanh tra) – Đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) đề nghị, “tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cộng đồng và người dân để tránh tình trạng bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo”.

ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang). Ảnh: TN

QH dành trọn ngày làm việc hôm nay (13/6) để thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Theo đánh giá của nhiều ĐB, trong khi nhiều quốc gia đang căng mình chống dịch bệnh, Việt Nam được coi là điểm đến an toàn sau khi đã khống chế được Covid-19".

Lo ngại tội phạm diễn biến phức tạp sau dịch

ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) nhận định, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách từ trực tiếp đến gián tiếp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế như là chính sách an sinh xã hội, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ.

“Đến nay, ước tính quy mô tổng số biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội khoảng 600.000 tỷ đồng. Tôi đề nghị các chính sách hỗ trợ cần phải được chỉ đạo kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.

Phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cộng đồng và người dân để tránh tình trạng bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo như báo chí đã nêu trong thời gian gần đây”, ĐB Hải nói.

ĐB Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cũng đồng tình với việc Chính phủ đưa ra chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị tác động mạnh bởi đại dịch.

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành. Ảnh: TN

"Cử tri mong muốn các quyết sách đưa ra cần nhanh chóng đi vào cuộc sống", ông Thành nhấn mạnh,

Ông Thành cũng lo lắng trước tình hình an ninh trật tự khi nhắc tới sự việc 200 thanh niên mặc áo khoác màu cam, cầm hung khí đi xe máy thành đoàn ập vào quán nhậu ở quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) đập phá, đánh người bị thương (xảy ra ngày 5/6)...

"Đây là vụ việc điển hình cho thấy tình hình tội phạm diễn biến phức tạp sau dịch", ông Thành nói và đề nghị Chính phủ, Bộ Công an cần có ngay giải pháp quyết liệt với tình trạng này.

Mong sớm có kết luận thanh tra về xuất khẩu gạo

ĐB Nguyễn Thị Yến (ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nói, cuộc sống nhân dân gần trở lại bình thường.

Tuy nhiên, theo bà Yến, hiện giá thịt lợn vẫn cao, do vậy Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát, đưa ra gói hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ trang trại tái đàn lợn, tránh việc phải nhập khẩu khối lượng lớn thịt từ nước ngoài.

ĐB Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cũng lưu ý, việc mất cân đối cung cầu thịt lợn  đẩy giá lợn lên cao trong gần 1 năm qua. Cùng với đó là sự lúng túng thiếu nhất quán trong việc đề xuất ngừng xuất khẩu gạo.

Theo nữ ĐB đoàn Đắk Lắk, cần phải có ngành chức năng giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về chức năng nông nghiệp và công thương phải chịu trách nhiệm.

ĐB Nguyễn Thị Yến (ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: TN

Cũng nhắc đề vấn đề xuất khẩu gạo, ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều quốc gia tăng dự trữ dẫn đến thị trường gạo rất sôi động. Giá gạo thế giới tăng gần đây cũng là cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo vừa qua thiếu đồng bộ, nhất quán và lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

“Ví như câu chuyện, tại thời điểm 0 giờ ngày Chủ nhật 12/4, Tổng cục Hải quan đã mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động để các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký tờ khai, gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra việc điều hành xuất khẩu gạo để có biện pháp xử lý nghiêm, nếu có vi phạm rất mong sớm có kết luận vụ việc này”, ông Thắng nói.

Tạm dừng tăng lương chỉ là  “giải pháp tình thế”

Đề cập đến việc tạm dừng tăng lương cơ bản đối với cán bộ, công chức, ĐB Xuân nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Tuy vậy, nữ ĐB đánh giá, đây chỉ là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ. Bởi theo ĐB, về tâm lý đa số công chức hưởng lương từ ngân sách không hào hứng và chưa thực sự yên tâm về việc này.

“Lạm phát tăng, chỉ số giá tiêu dùng tăng, làm giảm sức mua của người dân, thì việc giữ nguyên lương thực chất đã làm giảm giá trị của đồng lương. Đồng thời đa số công chức, viên chức làm công ăn lương sẽ khó khăn hơn”, bà Xuân nói.

Nữ ĐB đoàn Đắk Lắk cho rằng, giải pháp căn cơ “thắt lưng, buộc bụng” trong tình hình hiện nay phải tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí và đầu tư công phải thực sự thiết thực có hiệu quả.

“Đặc biệt là chúng ta phải chống thất thu, chống thất thoát ngân sách Nhà nước”, bà Xuân phát biểu.

ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị)

Theo ông Thắng (đoàn Quảng Trị), công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua đã thể hiện sức mạnh của nhân dân ta, tinh thần lá lành, đùm lá rách của dân tộc ra.

“Chưa có một con số thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn chúng ta đã tiêu tốn rất nhiều nguồn lực cho cuộc chiến này”, ông Thắng nói và bày tỏ quan điểm, đồng ý chưa tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ 1/7/2020.

Tuy nhiên, ông  Thắng đề nghị, Chính phủ đánh giá tác động đầu đủ vấn đề này và báo cáo rõ việc chưa tăng lương cơ sở này kéo dài đến bao lâu? Nguồn lực chưa tăng dương dành được là bao nhiêu và sẽ sử dụng vào mục tiêu gì để đại biểu QH, nhân dân biết được để chia sẻ, ủng hộ.

“Phải xem nguồn lực có được này là sự hy sinh, đóng góp có trách nhiệm của những người hưởng lương với quốc gia, với dân tộc, rất đáng được ghi nhận, nhưng chỉ là giải pháp trong ngắn hạn”, ĐB đoàn Quảng Trị  nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất