Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dẫn “mâu thuẫn” của ngành Điện, đại biểu Quốc hội mong cơ cấu lại nền kinh tế phải gỡ nút thắt

Hương Giang

Thứ bảy, 30/10/2021 - 17:02

(Thanh tra) - “Cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được những nút thắt thì cũng như ta xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được điểm nghẽn”, đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu ví von và lấy dẫn chứng từ “mâu thuẫn” của ngành Điện như điện dư mà giảm giá hết sức khó…

Quốc hội thảo luận trực tuyến dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Từ điểm cầu Tây Ninh, đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh vai trò “nhạc trưởng” của Chính phủ sẽ là yếu tố để quyết định thành công của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.

“Tôi tha thiết mong rằng, các địa phương sẽ không sao chép các chỉ thị, nghị quyết một cách rập khuôn máy móc như trước đây; không đưa vào kế hoạch và chương trình hành động những việc mà chính mình chưa biết phải làm như thế nào”, đại biểu Hậu nói.

Từ đó, đại biểu đề nghị việc tái cơ cấu nền kinh tế cần tiếp cận theo hướng tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế, của ngành mình, địa phương mình, từ đó đưa ra biện pháp cụ thể, khả thi để khơi thông và tạo động lực để nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững.

“Cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được những nút thắt thì cũng như ta xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được điểm nghẽn”, đại biểu Hậu ví von và cho rằng cần tiếp cận từ thực tiễn, chỉ ra những “nút thắt” được khái quát từ các mâu thuẫn đang hiển hiện trong đời sống để giải quyết.

Lấy dẫn chứng từ ngành Điện, đại biểu Hậu chỉ ra mâu thuẫn lớn khi từ chỗ thiếu điện bỗng “dư điện”, rồi phải “tạm ngừng phát triển”, chủ yếu là nguồn điện gió, mặt trời, nên phải cắt giảm công suất, gây lãng phí nguồn lực.

Đáng nói, điện thì dư nhưng giảm giá hết sức khó khăn và.... chỉ khi quá khó khăn mới được giảm giá. Điện thì dư mà càng dùng nhiều thì giá lại càng tăng rất phi thị trường.

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh). Ảnh: Đ.X

Ông cho rằng, mâu thuẫn và nút thắt này bắt nguồn từ việc “lỡ hẹn” xây dựng thị trường điện cạnh tranh, vốn được bàn luận từ cách đây gần 20 năm khi xây dựng Luật Điện lực. Theo đó, yêu cầu đặt ra khi phát triển thị trường điện cạnh tranh là phải tách bạch rõ ràng các khâu và Nhà nước chỉ nắm khâu then chốt, huyết mạch như truyền tải điện… còn lại để doanh nghiệp cạnh tranh tham gia.

“Chúng tôi lúc ấy hiểu đây là việc khó, nhưng điều khó nhất, cái nút thắt khó gỡ nhất nằm trong tư duy và quyết tâm, chịu làm hay không, dám làm hay không của chính ngành Điện và ngành chủ quan. Cho nên, chúng tôi cho rằng, chắc phải 10 năm mới xong nên đặt mốc 2020 cho... chắc ăn. Tiếc rằng, bây giờ đã cuối năm 2021, nhưng chuyện có 1 thị trường điện thực sự có vẻ vẫn còn rất xa vời”, ông Hậu nêu.

Từ câu chuyện ngành Điện, đại biểu Hậu nói, trong cơ cấu lại nền kinh tế, nếu các ngành, các địa phương bắt đầu từ những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước; từ những bức xúc của người dân và doanh nghiệp sẽ tìm ra và tháo gỡ được những nút thắt, tạo ra được những thay đổi mang tính đột phá.

“Đó là 1 trong những phương thức để có thể cơ cấu lại nền kinh tế thiết thực nhất, mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất”, đại biểu đoàn Tây Ninh nhấn mạnh.

Tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn với thích ứng dịch COVID -19

Nhìn nhận về kế hoạch, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) nhận định, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn thích ứng an toàn với COVID -19.

Trong khi, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, ảnh hưởng nhiều chiều từ tác động bất định của nền kinh tế thế giới như đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, giá cả thế giới tăng cao, nhiều nước tung các gói kích thích… Điều này, có khả năng tác động đến lạm phát của Việt Nam thời gian tới.

Do vậy, đại biểu Ngân đề nghị, Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn.

“Nhân đây, tôi kiến nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu vì giá xăng dầu tăng rất nhanh”, ông Ngân nói và cho rằng, chúng ta vẫn còn dư địa, các công cụ như thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng, phí bảo vệ môi trường… cần phải được sử dụng.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cũng đề nghị cần nâng cao chất lượng dự báo để có kế hoạch ứng phó phù hợp khi xây dựng kế hoạch, đặc biệt là trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

“Nước ta chưa chủ động được nguồn vaccine, chưa đạt tỉ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng, nên không nên quá chủ quan và tự tin khi áp dụng biện pháp thích ứng an toàn dịch bệnh vì nếu không dự báo sẽ khó dự đoán và áp dụng biện pháp đạt hiệu quả”, ông Tuấn nói.

Đại biểu cho rằng cơ chế chính sách đột phá phải được xây dựng trên tiềm năng lợi thế, đơn cử như nguyên năng lượng tái tạo; ưu tiên bố trí ngân sách cho ngành y tế, đặc biệt là y tế cơ sở thích nghi an toàn với dịch… 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm