Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công tác thanh tra đạt được những thành tích đáng khích lệ

Thứ hai, 16/03/2015 - 17:08

(Thanh tra)- Đó là ý kiến đánh giá, biểu dương của Tổng Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đảng Nguyễn Phú Trọng đối với kết quả của ngành thanh tra và Thanh tra Chính phủ (TTCP) trong nhiệm kỳ này tại buổi làm việc với TTCP ngày hôm nay (16/3/2015). Cùng dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với TTCP

Nhiều chuyển biến tích cực

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao kết quả công tác thanh tra mà ngành Thanh tra đạt được trong thời gian qua. Các ý kiến tham gia góp ý tại buổi làm việc đã tập trung vào nội dung đề ra và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đặc biệt là ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những nhận xét thẳng thắn, tâm huyết và chỉ đạo sát sao. Báo cáo trình bày tại buổi làm việc đã nêu bật kết quả đạt được của ngành Thanh tra trong những năm qua.

"Công tác thanh tra nói chung và TTCP nói riêng là lĩnh vực quan trọng đặc biệt, vô cùng khó khăn phức tạp, bởi vì liên quan đến việc đấu tranh bảo vệ pháp luật, bảo vệ các cơ chế chính sách, chống hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy tổ chức chính trị xã hội; bảo vệ lợi ích của đảng, Nhà nước và nhân dân. Đây là lĩnh vực vô cùng khó khăn phức tạp vì đụng chạm đến con người, cơ chế chính sách, đòi hỏi rất nhiều thứ. Từ khi thành lập đến nay, ngành Thanh tra đã trải qua 70 năm trưởng thành và phát triển, ngành Thanh tra đã có truyền thống vẻ vang, vị trí quan trọng trong xã hội. Từ năm 2011 đến nay, hoạt động của ngành Thanh tra nói chung và TTCP nói riêng, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của 70 năm qua, đạt được thành tích đáng khích lệ, được Đảng và Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý", Tổng Bí thư khẳng định.

Trong công tác thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện và kiến nghị được nhiều vi phạm, góp phần ngăn ngừa tiêu cực, góp phần thúc đẩy, chấn chỉnh sự phát triển của xã hội. Đã triển khai các cuộc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, có bài bản và hiệu quả hơn và có sự phối hợp giữa các ngành tương đối nhịp nhàng và hiệu quả; công tác tiếp dân và giải quyết KN,TC của công dân, đã giải quyết được nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp kéo dài, góp phần làm ổn định tình hình chính trị xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cũng có những chuyển biến tích cực, với chức năng và nhiệm vụ của mình, đã quan tâm thực hiện cả trong việc xây dựng thể chể, cơ chế và đề xuất các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; công tác xây dựng ngành, xây dựng nội bộ cũng được chú trọng thực hiện. Thông qua việc thực hiện Nghị quyết TƯ4, đã từng bước chấn chỉnh những khuyết điểm, hạn chế, khắc phục hạn chế, tồn tại; tích cực khẩn trương xử lý những tồn đọng.

"Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là với tình hình hiện nay, ngành Thanh tra vẫn còn nhiều việc phải làm, không thể chủ quan. Đất nước đang đứng trước những khó khăn thách thức, trong đó, những khó khăn trong phát triển kinh tế, xây dựng, tình trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng còn phức tạp... Đây là những thách thức đối với quá trình phát triển đất nước nói chung và đối với hoạt động thanh tra nói riêng", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư đề nghị ngành Thanh tra cần nhận thức sâu sắc hơn nữa, phát huy ưu điểm, kết quả đạt được, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong thời gian qua, phấn đấu nâng cao vai trò thanh tra, thực hiện tốt hơn nữa chức năng của mình để thực sự xứng đáng là công cụ sắc bén trong việc phát hiện tiêu cực, vi phạm, tham nhũng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Trong công tác thanh tra, cần chủ động thanh tra theo kế hoạch, thường xuyên nắm chắc tình hình để đề xuất những vụ việc thanh tra đột xuất; tập trung những lĩnh vực xảy ra tiêu cực, vi phạm nhiều để kịp thời đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách nếu thấy cần thiết; phát hiện, chấn chỉnh kịp thời trong quản lý và xử lý kịp thời các sai phạm phát hiện qua thanh tra.

Đối với công tác PCTN, đây là lĩnh vực quan trọng, vô cùng khó khăn phức tạp và đang là vấn đề bức xúc, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng chưa đạt được như mong muốn. Do vậy, ngành Thanh tra cần phải có những giải pháp đồng bộ, phải tiến hành quyết liệt hơn nữa để tạo chuyển biến rõ rệt, tăng niềm tin của cán bộ và nhân dân đối với công tác này; chủ động hướng dẫn, đôn đốc triển khai các biện pháp phòng ngừa như: kê khai tài sản thu nhập, công khai minh bạch, cải cách hành chính. Khi đã phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, có nhiều kênh thông tin để tiếp nhận tin báo về tham nhũng; coi trọng đơn thư và phát hiện của báo chí...

Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC), đề nghị thực hiện các quy định của pháp luật, đặc biệt chú trọng giải quyết những vụ việc khiếu kiện đông người, dai dẳng, phức tạp.

Về công tác xây dựng nội bộ, Tổng Bí thư yêu cầu ngành Thanh tra phải chú trọng giải quyết các vụ việc tồn đọng, những sai phạm đã chỉ ra qua việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tiếp tục thực hiện, chỉ đạo thường xuyên; củng cố bộ máy tổ chức, tăng cường đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Đặc biệt, phải nâng cao phẩm chất đạo đức, dũng khí, trình độ năng lực những người làm công tác thanh tra. Người làm công tác thanh tra phải thanh sạch, có bản lĩnh, dám đương đầu, dám hy sinh vì lợi ích của Đảng, lợi ích của dân tộc...

Tiếp tục hoàn thiện thể chế

Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và các cơ quan Trung ương đồng tình với báo cáo kết quả công tác thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN của ngành Thanh tra trong thời gian qua. Các đại biểu đồng tình với những kiến nghị của TTCP và ngành Thanh tra nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tiến hành triển khai các cuộc thanh tra kịp thời; công tác tiếp công dân được triển khai chặt chẽ, giải quyết được nhiều vụ việc khiếu kiện tồn đọng kéo dài. Trong công tác đấu tranh PCTN đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao.

Các đại biểu cũng đề nghị ngành Thanh tra tiếp tục cố gắng hơn nữa trong việc phối hợp với các ngành chức năng trong thời gian tới để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao; chủ động và thường xuyên quan tâm hơn tới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, căn cứ các quy định của pháp luật và tiêu chuẩn ngành Thanh tra phải có chiến lược cụ thể, rõ ràng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với TTCP

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những nhận xét về kết quả công tác thanh tra của ngành Thanh tra trong những năm qua, cũng như chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc, những thuận lợi, khó khăn. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiệm kỳ vừa qua, TTCP nói riêng và ngành Thanh tra nói chung đã có nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã hội. Các cán bộ thanh tra đã tận tụy, bản lĩnh, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TTCP tiếp tục phối hợp cùng các ngành chức năng trong công tác thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN. Đồng thời, khắc phục tồn tại, thiếu sót đã phát hiện qua thanh tra, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung làm tốt công tác thanh tra ở lĩnh vực nhạy cảm. Tiếp tục thực hiện tốt Luật Tiếp công dân, cũng như đôn đốc hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC. Quan tâm việc giải quyết vụ việc KN,TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Thanh tra tham mưu cho Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTN, trong đó, đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN; có chiến lược truyền thông đúng đắn về tình hình tham nhũng và công tác PCTN; tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin PCTN; triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt và thông qua Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; tiếp tục nghiên cứu ban hành đầy đủ, đồng bộ các thông tư hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về thanh tra, giải quyết KN,TC, PCTN; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc soạn thảo, ban hành các văn bản về tổ chức và hoạt động của thanh tra các bộ, ngành, địa phương....

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với các lãnh đạo và đại diện cán bộ, công chức, viên chức TTCP

Thay mặt lãnh đạo TTCP và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của TTCP và ngành Thanh tra, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh đã tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và ý kiến của lãnh đạo các cơ quan của Trung ương. Những ý kiến tham gia tại buổi làm việc sẽ được cụ thể hóa thành chương trình kế hoạch công tác của TTCP và của ngành Thanh tra trong các năm tới.

"Sự quan tâm, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tin rằng, ngành Thanh tra sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao", Tổng Thanh tra khẳng định.

Phương Hiếu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm