Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công tác Mặt trận ngày một đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đất nước

Thanh Thanh

Thứ hai, 21/12/2020 - 15:08

(Thanh tra) - “Năm 2020, Mặt trận đã luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng và những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước, đồng tâm, hiệp lực, chia sẻ khó khăn, đổi mới, sáng tạo trong toàn dân, góp phần tích cực để đất nước vượt qua khó khăn, thách thức”.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ tư, khoá IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 diễn ra trong không khí sôi nổi. Ảnh: Kỳ Anh

Đó là phát biểu của ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ tư, khoá IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024, ngày 21/12.

Luôn sát cánh cùng nhân dân vượt qua khó khăn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, năm 2020, tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, ở trong nước thiên tai, dịch bệnh xảy ra nghiêm trọng, đặc biệt là dịch Covid-19 và bão lũ, gây thiệt hại nặng nề các tỉnh miền Trung, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 2,5 đến 3%, đó là điều rất ít quốc gia có được.

Ông Trần Thanh Mẫn nói: “Năm 2020, Mặt trận đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, trước những việc đột xuất, khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, đã nỗ lực, quyết tâm, đổi mới hình thức tổ chức phù hợp với thực tiễn”.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hầu A Lềnh khẳng định UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, đổi mới và sáng tạo, khắc phục khó khăn và đạt được những kết quả nổi bật.

Công tác tuyên truyền được triển khai toàn diện, có nhiều đổi mới và phong phú, điển hình là sự kịp thời, sáng tạo, chủ động và quyết liệt trong tuyên truyền phòng, chống đại dịch covid-19 và vận động cứu trợ, giúp đỡ người nghèo.

Tính đến ngày 30/10, tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền vận động ở Trung ương và địa phương qua kênh UBTƯ MTTQ Việt Nam đã được trên 2.263 tỷ đồng. Trên cơ sở số tiền và hàng tiếp nhận, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ động đề xuất với Chính phủ, phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và các cơ quan, bộ, ngành liên quan kịp thời phân bổ tiền và hiện vật đến đối tượng sử dụng trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Công tác vận động đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được tăng cường và phát huy, tăng cường các nguồn lực xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được tổ chức nền nếp, góp phần gắn bó giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với nhân dân.

Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức tốt, chu đáo việc tiếp tiếp nhận, quản lý, phân bổ kinh phí và các nguồn lực của các cơ quan, tổ chức ủng hộ, đảm bảo minh bạch và đúng đối tượng.

Tính đến ngày 8/12, MTTQ Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được trên 5.120 tỷ đồng. Thông qua Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020, đã có 202 cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp và các cá nhân đã ủng hộ, cam kết ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội với số tiền 2.400 tỷ đồng, ông Hầu A Lềnh thông tin.

Trong năm 2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức thành công việc góp ý, phản biện xã hội đối với các Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tham gia tích cực vào quá trình chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp.

Việc tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh đến cơ quan Đảng, Nhà nước và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân phản ánh đến Quốc hội và HĐND cùng cấp ngày càng cụ thể, sâu sát. Với 6.750 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã xây dựng Báo cáo kết quả giám sát của MTTQ Việt Nam gửi Quốc hội tại 2 kỳ họp trong năm theo hướng gọn, rõ, trọng tâm, trọng điểm, trực diện theo nhóm vấn đề được Quốc hội, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ngày càng đổi mới về phương thức, chú trọng tính hiệu quả thiết thực. Các hoạt động, hội nghị của Mặt trận trong năm qua có nhiều đổi mới, ngắn gọn, có sức lan tỏa trong cộng đồng, ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm góp ý vào Dự thảo Báo cáo; trong đó, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng, điểm nổi bật nhất của công tác Mặt trận trong năm qua là sự tham gia quyết liệt trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng. MTTQ Việt Nam đã chủ động đặt vấn đề, báo cáo với Trung ương, Chính phủ, từ đó tạo được sự chuyển biến trong đội ngũ cán bộ.

Theo ông Túc, trong công tác xây dựng Đảng, chưa có sự đi sâu, góp ý vào xây dựng đội ngũ cán bộ. “Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, tại các thành phố lớn, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt đã có nhiều sai phạm. Đó là điều rất đáng buồn”, ông Nguyễn Túc chia sẻ.

Vì vậy, ông Túc kiến nghị, đối với công tác cán bộ, cần có sự góp ý của MTTQ Việt Nam thông qua trách nhiệm giám sát, phản biện, huy động sự tham gia của các tổ chức thành viên, xây dựng đội ngũ cán bộ, từ đó góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Theo ông Lù Văn Que, công tác dân tộc cần xác định lại một số tộc người, qua 40 năm, chúng ta công bố 54 dân tộc, nhưng bây giờ có một số dân tộc chưa có tên trong danh sách này, vì đã ghép tên vào một số dân tộc khác, hoặc được đặt tên khác.

“Người Dao có rất nhiều dân tộc Dao nhưng họ thống nhất gọi là dân tộc Dao, người Mông cũng vậy, nhưng không phải dân tộc nào họ cũng thuận tình với việc ghép tên, ví dụ như Cao Lan là Cao Lan, Sán Chỉ là Sán Chỉ chứ đồng bào họ không muốn ghép thành Sán Chay”, ông Que nêu ý kiến.

Nhắc tới vai trò của Mặt trận trong phòng chống tham nhũng, bà Hà Thị Liên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng trong những năm qua, MTTQ Việt Nam đã duy trì được việc tổ chức Giải báo chí phòng chống tham nhũng, đã huy động được sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn, báo chí để phản ánh những vụ việc xảy ra tại địa phương.

“Có thể nói, để có được những tác phẩm này, phóng viên đã phải căng mình xâm nhập vào thực tế, đối diện với hiểm nguy. Chính vì vậy, MTTQ Việt Nam cùng với các tổ chức thành viên cần có những cơ chế bảo vệ những người làm báo, những con người thầm lặng bám đuổi từng vụ việc, từng hành vi tiêu cực, tham nhũng”, bà Hà Thị Liên đề xuất.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Ủy viên Đoàn Chủ tịch lại cho rằng, Yếu tố nổi trội đó chính là sự chủ động, vào cuộc sớm cùng hệ thống chính trị, các cấp, các ngành đối với những việc khó, việc phát sinh, hoặc việc chưa có tiền lệ, hết sức kịp thời, mau lẹ, và rất hiệu quả thông qua ứng dụng công nghệ thông tin triệt để, qua đó cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sức mạnh niềm tin trong các tầng lớp nhân dân không ngừng được củng cố, tăng cường.

Để nâng cao vai trò công tác Mặt trận trong thời gian tới, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đề xuất, MTTQ Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới đa dạng hóa các phương thức vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm