Theo dõi Báo Thanh tra trên
TS Ngô Đồng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Chủ nhật, 17/10/2021 - 07:00
(Thanh tra)- Nhiều bạn đọc, nhiều tài liệu tuyên truyền, nhiều bài phát biểu đều hay trích dẫn câu “Công giáo đồng hành cùng dân tộc” hoặc “tôn giáo đồng hành cùng dân tộc”. Có thể nói đây là một luận điểm rút ra từ bức Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam với câu trích “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Bài viết này nhằm lý giải rõ hơn về câu nói quen thuộc này.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trò chuyện với đại biểu tham dự Hội nghị thi đua toàn quốc Biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo lần thứ 5, giai đoạn 2015 - 2020, tháng 9/2020. Ảnh: Tapchimattran
Để hiểu khái niệm “Công giáo đồng hành cùng dân tộc”, chúng ta phải trả lời được mấy câu hỏi cơ bản: Khái niệm này ra đời khi nào? Giá trị chung của khái niệm này qua các thời kỳ lịch sử là gì, điều gì đóng vai trò như quy luật chi phối nó? Nó có những nét đặc thù nào? Đây là những vấn đề không đơn giản, đòi hỏi người nghiên cứu phải có quá trình trải nghiệm sâu sắc và am tường về lịch sử dân tộc và lịch sử Công giáo ở Việt Nam cũng như sự tương tác lẫn nhau giữa hai thực thể này.
Từ góc độ lịch sử, chúng ta có thể khái quát tiến trình “Công giáo đồng hành cùng dân tộc” trong ba khía cạnh của đời sống dân tộc Việt Nam:
Dưới góc độ văn hóa: “Công giáo đồng hành cùng dân tộc” đã được đặt ra ngay từ khi Công giáo mới du nhập vào Việt Nam, đòi hỏi Công giáo phải có sự hội nhập với nền văn hóa bản địa. Quá trình đồng hành với văn hóa dân tộc vẫn diễn ra một cách khách quan trong suốt tiến trình lịch sử theo hướng: Vừa bồi đắp thêm các giá trị văn hóa mới cho văn hóa dân tộc, vừa vay mượn, lồng ghép các hình thức văn hóa dân tộc trong thực hành lối sống đạo. Nhưng về mặt nhận thức chủ quan (tự ý thức) một cách quan phương (văn kiện định hướng) thì quá trình này thực sự được đánh dấu bằng Thư chung 1980.
Đường hướng này tiếp tục được khẳng định trong các giai đoạn tiếp theo của lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam.
Thư chung 2001 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 9 viết: “Để yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành cùng dân tộc, đồng cảm chia sẻ hy vọng và lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người”.
Trong Huấn từ của Giáo hoàng Bênêdictô XVI, 27/6/2009, nhân Đoàn Giám mục Việt Nam đi Adlimina 2009 làm sáng tỏ thêm vấn đề người Công giáo đồng hành cùng dân tộc, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Rôma viết: “Thư Mục vụ mà Hội đồng Giám mục Việt Nam của Anh Em đã công bố năm 1980 nhấn mạnh đến Giáo hội Chúa Kitô ở giữa Dân mình. Khi đem tới nét đặc thù của mình - là việc loan báo Tin mừng của Chúa Kitô - Giáo hội đóng góp vào việc phát triển nhân bản và thiêng liêng của con người, nhưng cũng đồng thời đóng góp vào sự phát triển đất nước”. Việc tham gia tiến trình này là một bổn phận và một sự đóng góp quan trọng, nhất là vào thời điểm mà Việt Nam đang từ từ mở cửa đối với cộng đồng quốc tế.
Dưới góc độ xã hội: Đó là việc tham gia của các tổ chức Công giáo vào trong các lĩnh vực công như y tế, giáo dục và an sinh xã hội.
Dưới góc độ chính trị: “Công giáo đồng hành cùng dân tộc” được đặt ra trước những nhiệm vụ chính trị của dân tộc, đặc biệt là vấn đề bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, chống lại các thế lực xâm lược.
Ngay từ thời kì phong kiến đã xuất hiện những nhân vật Công giáo có tư tưởng yêu nước, tiêu biểu như: Nguyễn Trường Tộ, Đậu Quang Lĩnh, Nguyễn Thần Đồng và Nguyễn Văn Tường… Khi thể chế chính trị phong kiến mất sứ mệnh lịch sử đối với dân tộc và việc đại diện cho quyền lợi dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, người Công giáo cũng góp phần tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiêu biểu như các tấm gương yêu nước: Linh mục Nguyễn Bá Luật, Hồ Thành Biên, Phạm Bá Trực…
Như vậy, từ trong lịch sử “Công giáo đồng hành cùng dân tộc” vốn dĩ đã là một mạch ngầm chảy, được một bộ phận người Công giáo ý thức ngay trong chế độ phong kiến khi họ bị thực dân xâm lược. Nó được hình thành trên cơ sở của ý thức độc lập, tự cường dân tộc và tinh thần yêu nước của bộ phận người Công giáo ở Việt Nam.
Nhìn nhận theo góc độ lịch sử, chúng ta thấy một số nội hàm quan trọng trong khái niệm “Công giáo đồng hành cùng dân tộc” như: Hội nhập với văn hóa dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên tinh thần yêu nước, tham góp vào các dịch vụ công của xã hội… Cũng dưới góc độ lịch sử cho thấy một điểm là tư tưởng “Công giáo đồng hành cùng dân tộc” ra đời trước khi Việt Nam có chế độ chính trị như ngày hôm nay. Song, quá trình vận động của tư tưởng đó cũng không tách rời tính lịch sử cụ thể của từng thể chế hoặc đường lối chính trị đó.
Có thể chia quá trình hình thành và nội hàm khái niệm “Công giáo đồng hành cùng dân tộc” ở Việt Nam thành những giai đoạn chính sau đây:
- Giai đoạn thứ nhất: Những nguồn mạch đồng hành cùng dân tộc (từ buổi đầu truyền giáo đến năm 1945): Giai đoạn này nhấn mạnh đến khía cạnh văn hóa tư tưởng, thấy rõ qua trường hợp kiến trúc, chữ Quốc ngữ, các tư tưởng canh tân, báo chí Công giáo…
- Giai đoạn thứ hai: Những nẻo đường tìm về dân tộc (từ 1945 đến 1975): Nhấn mạnh đến sự tham gia của các cá nhân và tổ chức tôn giáo trong phong trào giải phóng dân tộc khỏi chế độ thuộc địa dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản Việt Nam.
- Giai đoạn thứ ba: Dấn thân, suy tư, tìm tòi (từ 1975 đến 1980): Đó là những tổng kết của Công giáo qua các hành động chưa có tiền lệ của người Công giáo Việt Nam (đi nông trường, tham gia tổ sản xuất xã hội chủ nghĩa…) trong một bối cảnh chính trị, xã hội mới nhằm hòa nhập với môi trường chủ nghĩa xã hội.
- Giai đoạn thứ tư: “Sống phúc âm trong lòng dân tộc” để phục vụ hạnh phúc của đồng bào (từ Thư chung 1980 đến nay): Xác định rõ đồng hành với văn hóa dân tộc, thể chế chính trị cùng các điều kiện xã hội mới.
Về nội dung đồng hành, trong các tài liệu, bài nghiên cứu xưa nay vẫn hay có cái nhìn chưa thống nhất, toàn diện, chia ra nhiều thái cực. Những nhà nghiên cứu ngoài Công giáo nhìn đồng hành cùng dân tộc thiên hướng về các hoạt động Công giáo với cách mạng, với kháng chiến, và ủng hộ các chính sách của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với góc nhìn này, thường họ có lối tiếp cận từ lịch sử. Còn giới Công giáo thì chủ yếu nhìn nhận ở góc độ văn hóa, đề cao sự đóng góp của các nhân vật Công giáo vào nền văn hóa Việt Nam về ngôn ngữ, chữ viết, báo chí, kiến trúc, văn học, âm nhạc, ít đề cập các vấn đề chính trị…
Trong khi đó, Giáo hội Công giáo ở Việt Nam thường chỉ đưa ra những định hướng chung cho vấn đề hòa giải với dân tộc, hay hội nhập đồng hành cùng dân tộc - những vấn đề có tính đại cương định hướng hơn là một bản kế hoạch chi tiết thực hiện. Kết quả của đường hướng đó đến đâu còn phụ thuộc rất nhiều từ phía cá nhân từng tín đồ, từ các linh mục giáo xứ cũng như những hoạt động triển khai thực hiện nó. Các nhà quản lý lại thường nhìn đồng hành chủ yếu trên lĩnh vực tuân thủ luật pháp, các hiệu ứng của Công giáo với an ninh chính trị xã hội, và chủ yếu tiếp cận từ các dữ kiện thời sự đương đại.
Vì vậy, đặt vấn đề đồng hành cùng dân tộc phải đặt trong tương quan giữa cái chung của mục đích hướng đến và cái riêng của đường hướng Công giáo trong từng thời kì, giữa chủ trương chung của Đảng và Nhà nước và kế hoạch triển khai của từng địa phương, giữa chủ trương của Hội đồng Giám mục Việt Nam và thực tế diễn biến ở từng giáo phận. Đây là vấn đề có nhiều mối quan hệ chi phối hết sức phức tạp xen lẫn cả chính trị, tôn giáo và các mối quan hệ có tính chất quốc tế.
Rõ ràng “đồng hành cùng dân tộc” là một đường hướng, một thái độ ứng xử, là tình cảm và lý trí, là sự quyết tâm, là trách nhiệm, bổn phận của Công giáo Việt Nam đối với dân tộc và đất nước, đồng hành cùng dân tộc bao hàm hai nhiệm vụ cơ bản:
Một là, tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, Công giáo góp phần tạo sự đoàn kết thống nhất đồng thuận của xã hội. Nhiệm vụ này gắn với yếu tố trách nhiệm và nghĩa vụ của các công dân là người Công giáo, nó còn bao hàm cả những cam kết tuân thủ về mặt pháp luật của Nhà nước. Điều này có nghĩa Giáo hội Công giáo ở Việt Nam xác định không đứng ngoài các công việc chung của đất nước và dân tộc, công việc của đạo không tách rời các công việc của đời.
Hai là, xây dựng trong Hội thánh một nếp sống và một lối diễn tả niềm tin Công giáo phù hợp với truyền thống dân tộc. Gắn bó, đồng hành với dân tộc còn là hội nhập với truyền thống dân tộc, tìm cách thích ứng với những đặc thù của văn hóa truyền thống dân tộc. Điều đó, đòi hỏi Giáo hội Công giáo ở Việt Nam phải có những sự điều chỉnh trên nhiều phương diện như giáo lý, nếp sống, sinh hoạt đạo, diễn tả niềm tin… Đây là một nhiệm vụ gắn nhiều với các năng lực hội nhập nội tại của Giáo hội hơn là các vấn đề về nghĩa vụ trách nhiệm công dân.
Rõ ràng, muốn hiểu rõ Công giáo đồng hành cùng dân tộc phải kết hợp cái nhìn lịch sử và các diễn biến hiện tại sẽ tốt hơn là chỉ thiên về một hướng tiếp cận. Cần phải bổ sung và hoàn thiện cả lý thuyết và giá trị nền tảng cho việc đồng hành trong bối cảnh ngày nay.
Dù thế giới quan khác nhau, nhưng Nhà nước và Giáo hội cùng trong lý tưởng xây dựng một nước Việt Nam phát triển, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, con người hạnh phúc. Điều mà ngày nay trong quá trình thế tục hoá, các tôn giáo không thể đứng ngoài cuộc. Nhưng để thực hiện lý tưởng đó, đòi hỏi giữa Công giáo và người không Công giáo phải có những điểm gặp. “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” là điểm hướng đích mà Công giáo cũng như Nhà nước đều tập trung phấn đấu hết mình cho mục đích đó nhằm đoàn kết, hoà hợp tôn giáo với dân tộc. Trong quá trình xây dựng đất nước hiện nay, hơn lúc nào hết người Công giáo Việt Nam phải làm chứng và thể hiện tinh thần phúc âm bằng lối sống và hành động thiết thực của mình với xã hội và Giáo hội. Khi ấy, chúng ta sẽ thấy rằng những chỉ dẫn mục vụ của hàng giáo phẩm không chỉ dừng ở khẩu hiệu mà thực sự hữu dụng với giáo dân mà với cả dân tộc.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân