Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Có vụ chi phí giám định còn cao hơn tiền tham ô nên không thực hiện được

Thứ tư, 07/08/2019 - 22:07

(Thanh tra) – “Có những vụ chi phí giám định để chứng minh hành vi tham ô, gây thất thoát còn cao hơn cả số tiền tham ô nên không thể thực hiện được”, Phó Trưởng ban Nội chính TP Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải nói và cho biết, giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai đang gặp vướng.

Phó Trưởng ban Nội chính TP Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải

Ngày 7/8, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội làm việc với các cơ quan Trung ương về nội dung giám sát chuyên đề “việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự”. 

Giám định phục vụ xử án tham nhũng còn hạn chế

Tại đây, trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho hay, về giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai... để phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế còn hạn chế. 

Theo báo cáo của Viện KSND Tối cao, ngoài những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện đúng theo thời hạn tại Điều 208 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì các trường hợp khác việc thực hiện giám định thường bị kéo dài, không đáp ứng yêu cầu theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. 

Báo cáo mà ông Pha trình bày dẫn chứng vụ Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank Việt Nam, thời gian tiến hành giám định kéo dài 5 năm. Hay vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Á Châu chậm định giá giá trị cổ phần, cổ phiếu, bất động sản. 

Phó Trưởng ban Nội chính TP Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải cũng cho biết, giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai đang gặp vướng. 

Theo ông, tại TP Hồ Chí Minh có 40 vụ án bị vướng về vấn đề giám định, trong đó có 3 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi và rất nhiều vụ án thuộc diện Ban Thường vụ Thành uỷ theo dõi, chỉ đạo. Các vụ án này đều trưng cầu Sở Tài chính giám định, nhưng hiện nay đều vướng dẫn đến vụ án kéo dài hơn 1 năm, trong khi dư luận cho rằng cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng bao che, không xử lý. 

“Vướng nhưng Sở Tài chính cứ để đó không kết luận, không trả lời có giám định được hay không”, ông Hải nói.

Khó khăn khác được Phó Trưởng ban Nội chính TP Hồ Chí Minh đề cập đến là chi phí giám định trong nhiều vụ án rất cao, nhất là giám định công trình xây dựng chung cư.

“Có những vụ án để chứng minh hành vi tham ô số tiền hơn 1 tỷ đồng, chi phi giám định lại trên 1 tỷ đồng nên không thể thực hiện được. Hay có những vụ trưng cầu giám định các toà nhà chung cư, cao ốc, chi phí giám định trên 10 tỷ đồng thì cơ quan điều tra không thể có kinh phí để bảo đảm cho hoạt động giám định này”, ông Hải thông tin.

Kết quả giám định khác nhau là phổ biến

Cũng theo ông Hải, hiện nay có tình trạng, kết quả giám định khác nhau là phổ biến mà tại TP Hồ Chí Minh gặp rất nhiều vụ, dẫn đến quyết định khởi tố hoặc sau khi khởi tố rồi phải đình chỉ điều tra, thậm chí có vụ đối tượng đã yêu cầu bồi thường rồi. 

Ông dẫn chứng, những tội trốn thuế bằng thủ đoạn khấu trừ thuế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn hoàn thuế khi trưng cầu giám định ở Cục Thuế TP Hồ Chí Minh thì có hành vi trốn thuế. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Khi bị khiếu nại, trưng cầu giám định ở Bộ Tài chính - Tổng cục Thuế thì lại xác định không có hành vi trốn thuế, không có hành vi lừa đảo.

“Như vậy, vụ án gần như bế tắc và hiện đang tạm đình chỉ điều tra”, ông Hải nói.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương

Giải trình sau đó, theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, vấn đề giám định tài chính, ngân hàng và đất đai đúng là vấn đề hết sức khó khăn hiện nay, nhất là liên quan tới góp vốn, cổ phần hóa, cổ phiếu, đầu tư, đối tác công tư... 

“Như vụ án Phan Văn Anh Vũ hiện nay một lúc chúng tôi phải trưng cầu giám định của thuộc lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Xây dựng, thậm chí cả Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên Môi trường”, ông Vương nhấn mạnh.

Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị, các cơ quan lập pháp quan tâm tới vấn đề này, nhất là làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác giám định tư pháp. 

“Nói thật, giám định kỹ thuật, tài chính phức tạp, nhiều cán bộ trưng cầu làm giám định viên nhưng vì lý do này khác rất ngại, từ chối, phải thay đi đổi lại”, ông Vương nói và cũng cho hay, chi phí giám định khá cao như vụ giám định đường ống dẫn nước sông Đà mất gần 4 tỷ đồng.

Tham gia ý kiến, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Bộ Tư pháp dự kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số vấn đề Luật Giám định tư pháp.

Trong đó, có bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định, quy định trách nhiệm các bộ, ngành chuyên quản lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời gian giám định cụ thể đối với từng loại việc giám định trong quy trình, quy chuẩn giám định, khắc phục tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, thực hiện giám định, gây ảnh hưởng tới tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua. 

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm