Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Có cơ chế tốt, làm đường vành đai TP HCM, Thủ đô Hà Nội “không tiêu tốn ngân sách”

Hương Giang

Thứ sáu, 10/06/2022 - 15:17

(Thanh tra) - “Chỉ mới nghe Quốc hội thảo luận, xem xét các dự án đường vành đai thì giá đất xung quanh khu vực này đã sôi lên, cho thấy tiềm năng tạo nguồn lực từ quỹ đất đai xung quanh các tuyến đường này là vô cùng lớn”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Đ.X

Ngày 10/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP HCM và vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Mới nghe Quốc hội thảo luận, giá đất xung quanh dự án đã “sôi lên”

Nêu ý kiến, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình cần thiết đầu tư 2 dự án này.

“Chỉ mới nghe Quốc hội thảo luận, xem xét các dự án đường vành đai thì giá đất xung quanh khu vực này đã sôi lên, cho thấy tiềm năng tạo nguồn lực từ quỹ đất đai xung quanh các tuyến đường này là vô cùng lớn”, ông nói.

Theo đại biểu Cường, nếu có cơ chế tốt, việc xây dựng 2 tuyến đường vành đai “sẽ không tiêu tốn vốn đầu tư từ ngân sách mà có thể còn tạo thêm nguồn lực mới cho ngân sách từ khai thác nguồn lực tạo ra từ quỹ đất mới được mở đường”.

Vì vậy, ông Cường đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất một cơ chế đặc thù để khai thác một cách hiệu quả nhất tiềm năng quỹ đất hai bên đường.

Cụ thể là quy hoạch vùng lân cận 2 bên đường thành các các khu đô thị hiện đại, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối và trung chuyển hàng hoá cùng với thiết kế hệ thống đường song hành (đường gom cao tốc, đường kết nối hệ thống giao thông khu vực).

Việc đấu thầu các dự án phát triển đô thị đi kèm với nhiệm vụ xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối được thực hiện theo cơ chế cạnh tranh của thị trường và các công cụ định giá xác định giá trị thị trường.

“Cơ chế này được áp dụng, sẽ thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực vào đầu tư phát triển đồng bộ các trung tâm phát triển hiện đại; nhà nước không phải đầu tư ngân sách xây dựng các tuyến đường song hành hay đường gom, mà còn có thêm nguồn lực đóng góp vào ngân sách”, đại biểu đoàn Hà Nội nhận định.

Bán đấu giá quyền sử dụng đất phải làm hết sức chặt chẽ

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng bày tỏ “hoàn toàn đồng tình với phương án giải phóng mặt bằng một lần cho cả phần đất sẽ làm đường sắt trong tương lai”.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên). Ảnh: Đ.X

Trong khi đó, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) lưu ý, 2 tuyến đường sẽ mở ra nhiều quỹ đất dọc theo tuyến, nhất là tại các nút giao cắt với hệ thống giao thông hiện hữu.

Cho nên, theo bà Yên “việc quản lý, bán đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quy hoạch, xây dựng cần phải làm hết sức chặt chẽ, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật”.

Vấn đề nữa, thực tế các địa phương khi thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để thực hiện các dự án quan trọng, có sự chênh lệch về giá đền bù, đặc biệt là ở những vùng giáp ranh giữa hai địa phương.

Nữ đại biểu nhận định, điều này dẫn đến tình trạng dự án bị ách tắc, tiến độ chậm trễ, làm phát sinh nhiều khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Do đó, bà Yên đề nghị, Chính phủ cần có hướng dẫn, chỉ đạo chung cho các địa phương thực hiện thống nhất phương án áp dụng mức giá đền bù phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng.

“Trước mắt áp dụng thí điểm cho các dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay”, bà Yên nói.

Ngoài ra, bà Yên đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế thưởng phạt nghiêm minh, kịp thời đối với các địa phương, bộ, ngành có liên quan trong việc cam kết tổ chức thực hiện, trách nhiệm về việc đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án.

Đề xuất cho Thủ tướng ủy quyền cho chủ tịch tỉnh chỉ định thầu

Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) dành thời gian góp ý một số cơ chế, chính sách đặc biệt triển khai đầu tư dự án, trong đó có cơ chế chỉ định thầu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM). Ảnh: Đ.X

Theo dự thảo nghị quyết, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư thì cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định chỉ định thầu. Cơ chế này áp dụng trong 2 năm (2022-2023).

Ông Nghĩa cho rằng, Thủ tướng bận nhiều việc, do đó, kiến nghị cho phép Thủ tướng ủy quyền cho chủ tịch UBND các tỉnh, TP có liên quan xem xét quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai dự án với các gói thầu đã nêu.

Đại biểu phân tích, khi Thủ tướng ủy quyền thì về pháp lý quyền vẫn nằm ở Thủ tướng. Trình tự, thủ tục thực hiện thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu nên vẫn yên tâm về ủy quyền.

“Ủy quyền cho chủ tịch UBND thì chủ tịch UBND thực hiện theo ủy quyền của Thủ tướng và thực hiện theo pháp luật về đấu thầu. Những “chốt” này sẽ bảo đảm bảo sự tuân thủ rất cao, ông Nghĩa nói.

Đại biểu đoàn TP HCM còn đề nghị trong thời gian thực hiện dự án, nếu sinh công việc chỉ định thầu thì Chủ tịch UBND báo cáo Thủ tướng và Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thay vì Quốc hội như dự thảo.

“Quốc hội họp 6 tháng 1 lần còn để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ nhanh chóng hơn”, ông Nghĩa nêu ý kiến.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm