Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyển giao công nghệ: Đưa "ưu tiên" vào luật sẽ bị "thổi còi" liền

Thứ sáu, 17/03/2017 - 06:24

(Thanh tra)- Ngày 16/3, tại Phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án (D.A) Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, không nên “ưu tiên” bỏ tiền mua sản phẩm công nghệ kém. Ảnh: TN

Không “ưu tiên” bỏ tiền mua công nghệ kém

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, có ý kiến đề nghị có chính sách hỗ trợ đối với các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực. Đồng thời có chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm, công nghệ trong nước nghiên cứu và tạo ra, đặc biệt là trong các D.A sử dụng ngân sách Nhà nước.

Tiếp thu ý kiến trên, Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 34 về phát triển công nghệ tạo ra và hoàn thiện các sản phẩm chủ lực, trọng điểm quốc gia, trong đó quy định rõ chính sách ưu tiên, khuyến khích và ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai đối với việc phát triển, chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tạo ra và hoàn thiện sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm và sản phẩm quốc gia có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước.

“Đối với đề nghị có chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm, công nghệ trong nước nghiên cứu và tạo ra, đặc biệt là trong các D.A sử dụng ngân sách Nhà nước, Dự thảo Luật đã có quy định tại khoản 3, Điều 34 như sau: “Ưu tiên sử dụng các máy móc, thiết bị mà Việt Nam chế tạo được trong đầu tư mua sắm công”, ông Dũng cho biết.

Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại quy định này sẽ mâu thuẫn với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về cấm bảo hộ sản phẩm trong nước, quy định của Luật Đấu thầu và cho rằng, có thể tạo nên cơ chế “bao cấp” làm suy giảm động lực nghiên cứu, đổi mới và phát triển công nghệ tạo ra trong nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Nghị quyết của UBTVQH đã quy định về việc “ưu tiên sử dụng sản phẩm được tạo ra trong nước trong đầu tư mua sắm công liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”.

“Nếu đưa vào trong luật thì chưa phù hợp với điều kiện khi chúng ta hội nhập, là thành viên của WTO và Luật Cạnh tranh. Nếu đưa vào luật thì sẽ bị “thổi còi” liền. Luật của Quốc hội không thể trái với cam kết quốc tế”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý, nhỡ sản phẩm sản xuất trong nước kém thì sao. Cho nên, không “ưu tiên” bỏ tiền mua sản phẩm công nghệ kém.

Thẩm định, kiểm soát để “chặn” công nghệ lạc lậu

Quy định về thẩm định công nghệ trong các D.A đầu tư cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Theo ông Phan Xuân Dũng, hoạt động chuyển giao công nghệ là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ là chính, không đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật...

“Rất cần thiết có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và yêu cầu của cải cách hành chính”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh.

Dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh sửa quy định về công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao. Đồng thời, quy định rõ: “D.A đầu tư có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và các D.A đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ” là những D.A đầu tư phải thẩm định công nghệ.

Kết quả thẩm định công nghệ là nội dung bắt buộc trong báo cáo thẩm định D.A đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Dự thảo cũng bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong thẩm định công nghệ của D.A đầu tư; thẩm quyền thẩm định công nghệ D.A đầu tư; việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong D.A đầu tư...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo. Ảnh: TN

Băn khoăn còn “kẽ hở”

“Khi có dấu hiệu vi phạm về ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong quá trình triển khai, thực hiện D.A đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra công nghệ của D.A đầu tư. Quy định này nhằm giảm thiểu tối đa việc có quá nhiều cơ quan kiểm tra giám sát D.A khi sự cố xảy ra, song không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính và đảm bảo quản lý chặt chẽ công nghệ được sử dụng”, ông Phan Xuân Dũng nói.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, chỉ nên quy định cái gì cho phép chuyển giao và cấm chuyển giao chứ còn quy định hạn chế chuyển giao là sẽ có kẽ hở.
“Ghi là hạn chế thì hạn chế đến mức độ nào? Hạn chế tức là vẫn được nhập và như vậy mâu thuẫn với chính sách, tạo kẽ hở cho chuyển giao công nghệ lạc hậu, gây tác hại môi trường nhập vào nước ta”, ông Chiến băn khoăn.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, việc tiếp thu ý kiến đại biểu rất đầy đủ, từ quy định loại D.A nào phải thẩm định công nghệ đến trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước trong thẩm định cũng như việc hậu kiểm. Sau này anh đưa công nghệ gây ô nhiễm vào thì cơ quan, cá nhân phải chịu trách nhiệm.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu: Thế nào là hạn chế? Như có ý kiến là biết đâu cái người ta thải đi rồi mà về mình vẫn dùng tốt? Do đó cần rà soát về công nghệ hạn chế chuyển giao để tránh hệ luỵ.

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến Dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội; D.A Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm