Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chú trọng tổ chức bộ máy và con người, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực

Phương Anh

Thứ tư, 12/01/2022 - 21:27

(Thanh tra)- Ngày 12/1, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Nội vụ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Phương Anh

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2021, ngành Nội vụ luôn bám sát định hướng, quan điểm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chủ động tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Chính phủ đối với các nhiệm vụ được giao bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Về tổ chức bộ máy, quản lý biên chế, tinh giản biên chế, trong năm 2021 toàn ngành Nội vụ đã tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành được nhiều văn bản, đề án lớn. Đây là lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 7/4/2015.

Tính đến hết năm 2021 biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94%; số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% so với năm 2015.

Về công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, năm 2021, Bộ Nội vụ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, đơn giản về thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức như: Rà soát, hoàn thiện thể chế bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, liên thông giữa các quy định của Đảng và pháp luật trong công tác cán bộ; đề xuất cắt giảm yêu cầu về chứng chỉ không cần thiết trong công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức; thực hiện phân cấp triệt để trong việc tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Về công tác xây dựng chính quyền địa phương, địa giới hành chính, năm 2021 là năm đầu nhiệm kỳ, cùng với việc hoàn thiện bộ máy của Chính phủ, công tác xây dựng chính quyền địa phương được đặc biệt coi trọng.

Điểm nổi bật là ngay từ cuối năm 2020 và những ngày đầu năm 2021, toàn ngành Nội vụ đã tập trung cao độ tham mưu cho Đảng, Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ quan trọng để tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: PV

Ngoài ra, Bộ Nội vụ đã thực hiện tốt vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 về Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình Tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, đổi mới phương pháp kiểm tra công tác cải cách hành chính ở các bộ, ngành, địa phương….

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành Nội vụ đã đạt được trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại của ngành Nội vụ như: Công tác xây dựng thể chế còn chậm so với thực tiễn yêu cầu; sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ chưa đạt yêu cầu, bộ máy vẫn còn cồng kềnh, do đó, cần phải quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị; một bộ phận công chức, viên chức chưa đủ tầm; trật tự, kỷ cương hành chính có nơi còn chưa tốt;…

Về nhiệm vụ công tác năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ là rất quan trọng và nhạy cảm vì liên quan đến con người. Nếu sáp nhập bộ máy vào thì đụng đến lợi ích của đội ngũ, lo lắng, tâm tư. Nếu tách ra thì rất vui vẻ nhưng bộ máy cồng kềnh, biên chế tăng.

“Do đó, ngành Nội vụ phải có quyết tâm chính trị lớn, xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình khách quan, công tâm, dân chủ, công bằng để áp dụng, thực hiện cho đúng, cho sát, phát huy tối đa trí tuệ tập thể, phát huy dân chủ trong cơ quan, đơn vị”, Thủ tướng đề nghị.

Ngành Nội vụ cũng cần tập trung tham mưu xây dựng thể chế quản lý Nhà nước của ngành đảm bảo không cản trở, phục vụ cho sự phát triển đất nước và phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng thể chế phải xuất phát từ thực tiễn, lấy mục tiêu quốc gia, dân tộc làm đầu; đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển, phải bố trí cán bộ giỏi, phải bố trí kinh phí tốt.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý ngành Nội vụ đẩy mạnh cải cách hành chính để người dân, doanh nghiệp không than phiền; quan tâm biên chế ngành Giáo dục và ngành Y tế; quan tâm hơn nữa công tác xây dựng đảng cả về bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng. Tuân thủ đúng nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, đặc biệt nguyên tắc tập trung dân chủ, việc càng khó, càng phức tạp càng phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; bám sát phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là tổ chức bộ máy và con người; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm