Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: “Đến giờ chúng tôi chưa nhìn thấy Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi”

Hương Giang

Thứ ba, 12/07/2022 - 14:33

(Thanh tra) - Theo chương trình, tại kỳ họp cuối năm nay, Quốc hội sẽ cho ý kiến Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, “đến giờ chúng tôi chưa nhìn thấy Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi”. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến, kỳ họp thứ 4, Quốc hội làm việc 22 ngày (khai mạc vào ngày 20/10, bế mạc ngày 18/11).

Trong 22 ngày làm việc, Quốc hội dành 10,5 ngày cho công tác lập pháp để xem xét, thông qua 6 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến 7 dự án luật.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, sửa Luật Đất đai là vấn đề khó nhất, phức tạp nhất và được trông đợi nhất, quan trọng nhất.

Từ đó, ông Vinh đề nghị khởi động sớm, huy động các thành phần tham gia, phát huy tối đa trí tuệ để thông qua Luật Đất đai.

“Luật Đất đai có chất lượng là một trong những đóng góp quan trọng của Quốc hội với tiến trình phát triển của đất nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục nhấn mạnh.

Chung mối quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, “đến giờ chúng tôi chưa nhìn thấy Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi”. Trong khi, theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến dự án luật này vào tháng 9.

Theo ông, sau phiên họp Thường vụ Quốc hội thì nên đưa dự thảo luật này thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

“Luật Đất đai rất phức tạp, sẽ có rất nhiều ý kiến, cần phải đưa ra hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói thêm, cần phải huy động rộng rãi ý kiến của các nhà khoa học, tổ chức xã hội, đoàn thể, cử tri… để xây dựng dự án luật này.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Đ.X

Để khắc phục dần tình trạng chậm gửi tài liệu, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, nâng cao hơn nữa trách nhiệm chuẩn bị nội dung, bảo đảm tiến độ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp tháng 9/2022, tại phiên họp tháng 10/2022 chỉ cho ý kiến những nội dung thật sự cần thiết.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị khẩn trương hoàn thiện dự kiến bước đầu kỳ họp, thông báo sớm cho các cơ quan biết để chủ động chuẩn bị. Cạnh đó, tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo, trao đổi làm việc giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo, nhất là về các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp 4.

“Thành công hay không thì phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, nhất là với dự án rất khó như Dự án Luật Đất đai”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Ông cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội sớm trình kế hoạch tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến vào các dự án luật.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 18, nêu rõ mục tiêu đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, khắc phục được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái; những vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại...

Theo Nghị quyết 18, Trung ương yêu cầu việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước, đảm bảo sau khi thu hồi đất thì người dân có chỗ ở, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ.

Đất của tổ chức, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp sử dụng không đúng mục đích, nhất là tại vị trí có lợi thế, khả năng sinh lợi cao, sẽ kiên quyết thu hồi.

Trung ương cũng quyết định bỏ khung giá đất. Các cơ quan có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan xác định giá đất…

Cùng với công tác lập pháp, theo dự kiến, Quốc hội dành 9,5 ngày cho ý kiến các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. 

Ông Bùi Văn Cường cho biết, theo quy định, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội 2 nội dung tại kỳ họp thứ 4 gồm: Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30, các chính sách phòng chống dịch COVID-19; tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm. 

Đây là những nội dung quan trọng, cần được xem xét, đánh giá để đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp cùng với việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan, do đó Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bố trí Quốc hội thảo luận 2 nội dung trên. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm