Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú động viên người dân bị nạn tại Làng Nủ

Nam Dũng

Thứ năm, 12/09/2024 - 13:15

(Thanh tra) - Sáng 12/9, ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đến thực địa, nắm tình hình, thăm hỏi, động viên bà con vùng lũ Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Chủ nhiệm UBKT Trung ương Trần Cẩm Tú đã vào hiện trường vụ sạt lở do lũ quét để động viên Nhân dân và cán bộ, chiến sỹ. Ảnh: ND

Chủ nhiệm UBKT Trung ương trao số tiền ủng hộ gần 3 tỷ đồng

Tại đây, theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Lào Cai, đến 9 giờ sáng nay, mưa lũ đã làm 88 người chết, 85 người mất tích, gần 7.500 nhà dân bị vùi lấp, cuốn trôi và hư hỏng.

Tổng thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng. Riêng huyện Bảo Yên có 47 người chết, 54 người mất tích, thiệt hại hơn 4 tỷ đồng.

Trước mắt, tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí và tăng cường nhân lực, thiết bị cho công tác khắc phục hậu quả. Đồng thời có cơ chế đặc biệt để Lào Cai có nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vùng bị ảnh hưởng thiên tai.

Chủ nhiệm UBKT Trung ương Trần Cẩm Tú gửi lời chia buồn sâu sắc; động viên người dân Làng Nủ và người dân trong tỉnh bị thiệt hại do thiên tai sớm vượt qua nỗi đau, mất mát, ổn định cuộc sống. Động viên các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, đồng chí yêu cầu cần đảm bảo an toàn và các điều kiện cho cán bộ, chiến sỹ tham gia cứu hộ.

Đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Lào Cai trong công tác cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, ông Trần Cẩm Tú đề nghị địa phương tiếp tục tập trung cao độ tìm kiếm người mất tích, chăm sóc người bị thương, chăm lo đời sống cho người dân vùng lũ, không để người dân bị đói, chú trọng vệ sinh môi trường sau lũ.

Dịp này, Chủ nhiệm UBKT Trung ương trao số tiền ủng hộ gần 3 tỷ đồng của một số cơ quan, tổ chức Trung ương và quà cho các hộ dân bị thiệt hại tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.

Đến 9h ngày 12/9, thiệt hại tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên: 41 người chết; 17 người bị thương đang điều trị; 54 người mất tích; 46 người xác định an toàn. Tổng số hộ trong khu vực bị lũ quét là 37 hộ; là nơi sinh sống của 158 người.

Chủ nhiệm UBKT đã trao số tiền ủng hộ gần 3 tỷ đồng của một số cơ quan, tổ chức Trung ương và quà cho các hộ dân bị thiệt hại tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh. Ảnh: ND

Khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão lũ

Theo báo cáo của các địa phương, đến 7 giờ ngày 12/9, toàn tỉnh có 246 người chết, mất tích, bị thương, trong đó 82 người chết.

Tổng số nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi là 9.172 nhà. Ngoài ra còn nhiều nhà bị hư hỏng công trình phụ trợ. Hiện nay còn 97 thôn/25 xã bị cô lập, người dân chưa đi lại được do ngập lụt, sạt lở đường giao thông.

Sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng nề với 3.636ha lúa, ngô, hoa màu, cây trồng hàng năm, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp, chuối bị gãy đổ. Thiệt hại 300 chậu địa lan và 84 cây cảnh các loại tại thị xã Sa Pa. Hơn 190ha diện tích thủy sản và 445 tấn cá thương phẩm, 449.000 con cá giống bị chết, lũ cuốn trôi. Hư hỏng 210 chuồng trại chăn nuôi; chết 213 con gia súc, 1.872 con gia cầm.

Các tuyến Quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh như Quốc lộ 4, 4D, 279 sạt taluy dương 246 vị trí, sạt taluy âm 22 vị trí, chiều dài 1.242m; ngập úng cục bộ, ách tắc 3 điểm.

Các tuyến đường tỉnh từ 151 - 162 sạt taluy dương 101 vị trí; sạt taluy âm 16 vị trí, chiều dài 730m; ngập úng cục bộ, ách tắc 13 điểm.

580 tuyến đường huyện, xã bị sạt lở, hư hỏng; sạt taluy dương 718 vị trí; sạt ta luy âm 170 vị trí, chiều dài 111.698m; ngập úng cục bộ, ách tắc 187 điểm; đến nay đã khắc phục được 53 điểm, còn lại 134 điểm.

Về các cơ sở hạ tầng khác bị ngập lụt, cuốn trôi, đổ sập, sạt lở, hư hỏng, thiệt hại: 47 công trình thủy lợi; 2 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; 18 trạm, phòng khám, bệnh viện; 61 trường học; 6 nhà văn hóa; 4 trụ sở UBND xã; 1 cầu treo dân sinh; 84 cột điện, 1 máy biến áp, 32 cột bê tông cáp quang, 4.000m tuyến cáp, 28 cột viễn thông; 2 nhà máy thủy điện…

Ngoài ra sạt lở taluy, nhà vệ sinh, nhà bếp, đường, dãy nhà một số trụ sở, cơ quan, đơn vị, trường học. Hiện nay lan can đá dọc bờ kè sông Hồng đường An Dương Vương, phường Cốc Lếu, Kim Tân và đường Phạm Văn Xảo, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai nhiều điểm bị hư hỏng, lũ cuốn trôi.

Với phương châm “cứu người trước, cứu tài sản sau”, công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân bị mất tích, đưa người bị thương đi cấp cứu được thực hiện với tinh thần khẩn trương, hiệu quả, an toàn nhất. Trong ngày 9 - 10/9 tìm thấy nhiều thi thể nạn nhân bị vùi lấp bàn giao cho gia đình đưa về mai táng theo phong tục địa phương. Đưa 69 người bị thương đến cấp cứu, chữa bệnh miễn phí tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Hiện các lực lượng vẫn nỗ lực ngày đêm tìm kiếm nạn nhân bị mất tích.

Các đoàn công tác của Trung ương, của tỉnh, các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình có người gặp nạn. Hỗ trợ ban đầu cho mỗi gia đình có người chết 25 triệu đồng/người, người bị thương 5 triệu đồng/người. Tiếp nhận trên 200.000 suất quà, nhu yếu phẩm, trang thiết bị thiết yếu của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm; đồng thời phân bổ, cấp phát kịp thời cho bà con vùng thiên tai. Tuy nhiên một số xã còn bị chia cắt, cô lập chưa tiếp cận được nên công tác tiếp tế gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại trên địa bàn tỉnh còn 31 xã bị chia cắt giao thông.

Nhận định mức độ nguy hiểm của mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3; các huyện, thị xã, thành phố tổ chức di chuyển trên 10.000 hộ dân với hơn 20.000 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đến thời điểm hiện tại các hộ dân bị ảnh hưởng do ngập lụt, thiệt hại nhỏ dưới 30% đã dọn dẹp, hót bùn đất, vệ sinh môi trường, gia cố lại nhà ở, cơ bản khắc phục xong. Các hộ thiệt hại nặng đang tiếp tục sửa chữa, khắc phục dự kiến xong trước ngày 18/9.

Các hộ bị sập nhà, mất nhà đã được bố trí ở nhờ nhà người thân, ở các khu kết hợp tránh trú cộng đồng; đồng thời được cung cấp thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu, đảm bảo không có người dân bị thiếu, đói do mưa lũ.

Ban Quản lý bảo trì đường bộ Lào Cai, các nhà thầu quản lý bảo trì đường bộ tập trung nhân lực, máy móc hót dọn đất đá và các chướng ngại vật trên lề, mặt đường, lòng rãnh. Chỉ đạo tối đa lực lượng xuống hiện trường chỉ đạo các nhà thầu, bảo trì đường bộ, phối hợp với các địa phương thông tuyến. Căng dây phản quang, phân luồng để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Một số điểm sạt lở mới xử lý được giao thông bước 1.

Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã chuẩn bị đầy đủ cơ sở thuốc, vật tư, dụng cụ y tế sẵn sàng cho công tác cứu chữa bệnh nhân bị thương do thiên tai. Thành lập 16 đội cấp cứu điều trị cơ động gồm y, bác sỹ điều dưỡng, xử lý môi trường cùng các trang, thiết bị xuống hiện trường.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm