Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chống dịch COVID -19: “Làm vì đất nước, nhân dân, không tiêu cực, tham nhũng thì không sợ”

Hương Giang

Chủ nhật, 29/08/2021 - 21:44

(Thanh tra) - “Chúng ta làm vì đất nước, vì nhân dân, không tiêu cực, tham nhũng thì không sợ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và nêu rõ, phải ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh sớm nhất, nhanh nhất, địa phương nào không đạt mục tiêu phải kiểm điểm, phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Ngày 29/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, TP đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

3 địa phương gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai không tham dự cuộc họp này vì Ban Chỉ đạo vừa làm việc, kiểm tra tại 3 địa phương này.

Ca mắc mới tăng, ca tử vong đang có xu hướng giảm

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh cho biết, trong giai đoạn tăng cường thực hiện giãn cách xã hội từ 22/8 - 28/8 tại 23 địa phương đã ghi nhận 78.147 ca mắc. Số mắc mới trong cộng đồng theo ngày có xu hướng gia tăng do các địa phương hiện nay đang tăng cường xét nghiệm diện rộng.

“Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định chung.

Đáng chú ý, theo ông Long, dù số ca tử vong vẫn cao hơn trung bình những ngày trước khi triển khai xét nghiệm diện rộng, song đang có xu hướng giảm do hiệu quả bước đầu triển khai tích cực các biện pháp theo phương châm đưa dịch vụ y tế đến gần người dân nhất, ngay tại xã, phường.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết, tình hình điều trị đang rất tốt, TP có 2.700 ca đã xuất viện, còn 1.300 ca đang điều trị, trong đó có 36 ca ICU và khoảng 200 ca điều trị ở tầng 2.

TP Cần Thơ xác định không được chủ quan và sau ngày 5/9 sẽ báo cáo cấp trên về việc có tiếp tục thực hiện giãn cách hay không.

Xác định công tác đảm bảo an sinh xã hội là trọng yếu, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân để yên tâm thực hiện giãn cách.

Bộ trưởng Lao động Thương bình và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng cho biết, hiện cả nước đang triển khai phong trào “4 triệu túi an sinh”; 23 địa phương giãn cách xã hội đã hỗ trợ trên 100.000 người bán vé số.

Trong 23 tỉnh, TP thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, có 6 tỉnh đang kiểm soát dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, gồm: Sóc Trăng, Bình Phước, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

13 tỉnh, TP đang quyết liệt, tích cực tiếp tục lộ trình đạt các tiêu chí kiểm soát dịch gồm: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Nội, Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng.

Riêng 4 địa phương gồm TP HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, dù đã rất cố gắng, nỗ lực với trách nhiệm cao, bám sát địa bàn, bám sát thực tế nhưng tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là TP HCM do nhiều đặc thù về dân cư, xã hội nên tình hình khó khăn.

Thủ tướng yêu cầu 4 địa phương này cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch. 

Nhiều nơi lúng túng, sợ trách nhiệm, triển khai hỗ trợ chậm

Về triển khai nghị quyết 68, theo ông Dung, đã có hơn 15 triệu người được hỗ trợ với số tiền giải ngân hơn 8.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn lúng túng và sợ trách nhiệm, cần rút kinh nghiệm.

Bộ trưởng lấy ví dụ, Bến Tre, Vĩnh Long chưa rút kinh phí Nhà nước để chi. 9 tỉnh khác chưa chi hỗ trợ người lao động bị ngừng việc, mất việc, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phú Yên.

“Việc chống dịch chỉ có thể thành công nếu an dân”, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh và đề nghị các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện hỗ trợ, lo ăn lo mặc, lo an sinh cho người dân theo nghị quyết của Chính phủ.

Sau khi nghe phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Bộ trưởng nêu rõ những nơi làm chưa tốt để cùng rút kinh nghiệm, khắc phục để làm tốt hơn.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương tiết kiệm chi thường xuyên, có thể báo cáo HĐND cùng cấp quyết định việc chuyển kinh phí từ các nguồn khác như nguồn đầu tư công chưa sử dụng sang ưu tiên cho phòng chống dịch. Ông cũng hỏi lãnh đạo Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về việc này chưa?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, ngay sau khi Thủ tướng chỉ đạo, Bộ đã có công văn hướng dẫn ngày 13/8.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID -19. Ảnh: N.Bắc

Thủ tướng yêu cầu Thứ trưởng Tài chính nhắc lại một lần nữa thông tin về công văn này để các lãnh đạo các địa phương dự họp nắm chắc, chỉ đạo cấp dưới tham mưu.

“Vừa qua tôi đi kiểm tra các địa phương, nhiều đồng chí vẫn hỏi đi hỏi lại nội dung này. Còn việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế thì Nghị quyết 86 của Chính phủ đã hướng dẫn, các đồng chí chủ động làm, chúng ta làm vì đất nước, vì nhân dân, không tiêu cực, tham nhũng thì không sợ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Địa phương nào không đạt mục tiêu phải kiểm điểm

Tại cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, các địa phương phải nhận thức, xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh, từ đó, xác định rõ ràng mục tiêu cần đạt được với lộ trình cụ thể.

“Phải ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh sớm nhất, nhanh nhất, địa phương nào không đạt mục tiêu phải kiểm điểm, phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Ai vi phạm quy định, lơ là, chủ quan, làm không hết trách nhiệm thì phải xử lý, ai làm tích cực, có hiệu quả thì khen thưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước lãnh đạo 1.060 xã, phường, thị trấn, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh những việc mà cấp này phải làm thật tốt với sự hỗ trợ của các lực lượng tăng cường.

Đó là, cung cấp các gói an sinh xã hội cho người dân; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine ngay tại xã phường; thực hiện kiểm soát việc đi lại để “ai ở đâu ở đó”…

Lãnh đạo Chính phủ lưu ý các xã, phường, thị trấn cung cấp ngay các số điện thoại khẩn cấp tới người dân, dán các tờ rơi tại từng gia đình, từng khu dân cư để người dân có thể gọi ngay khi đói ăn, khi ốm đau.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao sớm giải quyết việc hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương.  Các bộ phận trong Ban Chỉ đạo phải hoạt động theo quy chế, quy định, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì an toàn, hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Trên 16.000 y, bác sỹ và cán bộ y tế đã được huy động hỗ trợ cho khu vực phía Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, TP HCM, Bình Dương có số ca mắc mới vẫn ở mức cao (với khoảng 50% ghi nhận tại cộng đồng) và có xu hướng gia tăng do đang tăng cường thực hiện xét nghiệm trên diện rộng.

Tại Long An, Tiền Giang, số ca mắc tại cộng đồng đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang ở mức cao (chiếm khoảng 30-50%).

Các tỉnh còn lại tại khu vực miền Nam, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng (khoảng 7-15%) có xu hướng giảm dần.

Các tỉnh như Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Phước, Sóc Trăng, Bến Tre có số ca mắc tại cộng đồng thấp, trung bình dưới 20 ca/ngày, đa số rõ nguồn lây.

Tại Hà Nội và các tỉnh, thành miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, dịch bệnh cơ bản vẫn đang trong tầm kiểm soát do thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội sớm, kịp thời.

Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn nên vẫn có thể ghi nhận thêm các ổ dịch mới.

Về tiêm chủng vaccine COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến ngày 28/8/2021, cả nước đã tiêm được 19.223.460 liều. Riêng TP HCM đã triển khai tiêm chủng được 5.786.586 liều vaccine (đạt 81.6%), trong đó có 5.598.834 liều mũi 1 và 187.752 liều mũi 2.

“Bộ Y tế đã huy động tổng lực ngành Y tế cho TP HCM và các tỉnh, TP phía Nam. Nhân lực y tế đã huy động trên 16.000 y, bác sỹ và cán bộ y tế hỗ trợ cho khu vực phía Nam”, Bộ trưởng thông tin.

Bộ Y tế cũng đã điều động số lượng lớn các trang thiết bị, máy thở, vật tư thuốc men cho các địa phương này; thiết lập và vận hành hiệu quả 11 trung tâm hồi sức bệnh nhân nặng tại khu vực phía Nam, riêng TP HCM đã có 6 trung tâm với lượng lớn số giường cấp cứu và đã có những kết quả tích cực trong việc giảm tử vong.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm