Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chính phủ yêu cầu không kiểm tra xe chở hàng thiết yếu dán mã QR

Hương Giang

Chủ nhật, 25/07/2021 - 22:26

(Thanh tra) - Xe chở hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm sẽ không bị kiểm tra trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị nếu đã dán giấy nhận diện mã QR Code từ hôm nay (25/7).

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Chỉ kiểm tra ở điểm giao nhận hàng hóa

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp, câu chuyện tắc nghẽn lưu thông hàng hóa là vấn đề nóng khiến nhiều địa phương, doanh nghiệp “sốt ruột”.

Nhiều chuyến xe chở hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân được thông chốt kiểm soát dịch ở tỉnh này nhưng lại phải “quay đầu” ở tỉnh khác vì mỗi tỉnh mỗi quy định.

Để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm kịp thời phục vụ cho các địa phương, khu dân cư, đáp ứng nhu cầu đời sống người dân trong vùng có dịch COVID-19, ngày 25/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký văn bản gửi tới các bộ, UBND các tỉnh, TP.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, không thực hiện kiểm tra các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.

“Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch”, lãnh đạo Chính phủ nêu rõ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định; chủ động xử lý những vấn đề phát sinh và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Mỗi tỉnh chống dịch một kiểu khiến hàng hóa “ùn tắc”

Cùng với các tỉnh phía Nam, ngay sau khi áp dụng Chỉ thị 16, Hà Nội đã kiểm soát chặt chẽ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, phương tiện của người ra vào TP và các tỉnh lân cận, gây nên tình trạng ùn tắc tại nhiều cửa ngõ giao thông TP nối với các tỉnh.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho hay, dịch bệnh ở các địa phương khác nhau, các biện pháp cũng khác nhau. Trong hoàn cảnh nào đó áp dụng biện pháp là cần thiết, nhưng nếu sự khác biệt trong phòng chống dịch sẽ dẫn tới “ùn tắc” lưu thông hàng hóa và con người.

“Tôi biết, ngay lúc này các trên nhiều tuyến quốc lộ vẫn đang xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hoá do các quy định khác nhau trong phòng, chống dịch của các địa phương”, ông Hiếu nói.

Từ đó, ông Hiếu đề nghị, các địa phương cần phối hợp, giảm tối đa điều kiện, biện pháp khác biệt không cần thiết để doanh nghiệp bớt gánh chịu chi phí, giảm ách tắc lưu thông hàng hoá.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu. Ảnh: Đ.X

“Các địa phương cần áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau, công khai thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Cùng quan điểm, ông Phạm Trọng Nhân, Phó Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương cũng đề cập về biện pháp chống dịch kiểu “ngăn sông cấm chợ” ở một số nơi khiến vận chuyển hàng hoá tắc nghẽn. Theo ông Nhân, các doanh nghiệp đang cố gắng đáp ứng các phương thức, mô hình chống dịch của các địa phương nhưng thực tế họ đang gặp khó khăn.

Đang nghiên cứu thêm gói hỗ trợ doanh nghiệp

Thực tế, ảnh hưởng của dịch COVID -19 đã và đang “bào mòn” sức khỏe của doanh nghiệp. Dữ liệu cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, với 70.209 doanh nghiệp tăng gần 25%.

“Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và đã xuất hiện một số doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Với tinh thần đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID -19, Chính phủ đã ban hành rất nhiều các chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có thể kể đến Nghị quyết 84, Nghị quyết 68 của Chính phủ... Theo đánh giá, những chính sách này đã góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp.

Song song với đó, Chính phủ cũng yêu cầu, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng lao động trái phép và các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật; bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và các doanh nghiệp để ổn định sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch.

Hiện nay, dịch đang rất phức tạp, các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu các gói hỗ trợ mới. Theo tính toán, đề xuất của Bộ Tài chính, gói hỗ trợ mới về thuế, phí cho doanh nghiệp khó khăn do COVID -19 ước tính khoảng 24.000 tỷ đồng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm