Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chính phủ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương 6 nội dung, thực hiện từ 1/7/2024

Hương Giang

Thứ ba, 10/10/2023 - 12:51

(Thanh tra) - Chính phủ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương với 6 nội dung, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024, gồm: Xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: P.Thắng

Vấn đề này được đề cập trong báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn thuộc lĩnh vực nội vụ vừa được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng ký, gửi Quốc hội.

Sau năm 2024 tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, thực hiện Nghị quyết 27 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Kết luận số 20 năm 2022 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Nghị quyết 101 năm 2023 của Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo Trung ương Đảng, báo cáo Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Trong đó, Chính phủ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương với 6 nội dung, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024. Cụ thể gồm: Xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.

Sau năm 2024 tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 27.

“Căn cứ kết luận của cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Chính phủ sẽ báo cáo Ban Cán sự Đảng trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới để các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định cụ thể chế độ tiền lương mới đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý”, báo cáo nêu.

Chính phủ cũng sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27.

Thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024 là một trong những nội dung được Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII tuần qua thảo luận.

Phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Trung ương yêu cầu “tập trung ưu tiên thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”.

Tại phiên họp Chính phủ hồi tháng 9 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ngân sách Nhà nước đã tiết kiệm được khoảng 500.000 tỷ đồng cho cải cách tiền lương giai đoạn 2024 - 2026.

Tiền lương của giáo viên mầm non cao hơn ngành khác, đời sống vẫn khó khăn

Về vấn đề tiền lương và phụ cấp với giáo viên mầm non, tiểu học, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, giáo viên mầm non, tiểu học được hưởng lương và các chế độ phụ cấp lương theo địa bàn hoặc theo công việc đảm nhiệm như đối với viên chức nói chung và còn được hưởng các chế độ ưu đãi như: phụ cấp ưu đãi nhà giáo; phụ cấp thâm niên nghề (dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội).

Với nhà giáo công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn còn được hưởng: phụ cấp thu hút; phụ cấp ưu đãi theo nghề (70%); phụ cấp công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn; trợ cấp (lần đầu; tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ); phụ cấp lưu động; phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số.

“Dù được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, đặc thù để có tổng thu nhập (tiền lương và phụ cấp) cao hơn so với ngành, nghề khác nhưng đời sống của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn còn nhiều khó khăn”, theo nhận định của Chính phủ.

Bộ trưởng Nội vụ cho hay, tháng 2 vừa qua, Chính phủ đã có chỉ đạo giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Đến nay Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27 để giải quyết vấn đề này, theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Tính đến năm 2021, cả nước có 247.722 công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước thuộc khối Chính phủ quản lý và 1,789 triệu viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập đang hưởng lương từ ngân sách.

Bộ Chính trị đã giao biên chế giai đoạn 2022 - 2026 cho các cơ quan của hệ thống chính trị, thực hiện mục tiêu đến 2026 giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách so với năm 2021.

Để bảo đảm thực hiện mục tiêu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, tới đây, Bộ Nội vụ báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền về việc điều chuyển, giao, bổ sung biên chế công chức ở một số cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo của Đảng, quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng biên chế.

Việc này nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng bố trí biên chế sự nghiệp làm việc tại các tổ chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm