Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chính phủ đề nghị lùi thời hạn sửa Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Đất đai

Thứ tư, 10/04/2019 - 18:13

(Thanh tra) - Chính phủ đề nghị rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật năm nay 2 dự án là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Quochoi.vn

Sau khai mạc phiên họp 33 sáng 10/4, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tờ trình đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Năm 2019 tăng 9 dự án luật

Đề cập đến việc điều chỉnh chương trình năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ngoài 3 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2019, Chính phủ tiếp tục đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án.

Trong đó, Chính phủ đề nghị rút ra khỏi chương trình 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Lý do, các dự án luật cần có thêm thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện.

Riêng việc sửa Luật Đất đai, nội dung còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề: đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, kinh tế đất, tích tụ tập trung đất đai; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn…

Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi Luật, trình Chính phủ sau năm 2020.

Như vậy sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2019 sẽ là 26 dự án, tăng 9 dự án so với Nghị quyết số 57/2018/QH14.

Chủ yếu vẫn chạy theo tiến độ, tính “gối đầu” thấp

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay, mặc dù đã có những đổi mới nhưng sự chuyển biến còn chậm, việc lập và triển khai Chương trình vẫn còn những tồn tại, hạn chế từ nhiều năm chưa được khắc phục.

Theo ông Định, nhìn lại 3 năm qua cho thấy, tính dự báo của Chương trình không cao, chủ yếu vẫn chạy theo tiến độ, tính “gối đầu” thấp, thiếu tầm nhìn cho năm tiếp theo. Tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung dự án vào Chương trình còn nhiều.

Có bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, đầu tư thời gian, công sức thỏa đáng cho công tác lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; việc thực hiện còn lúng túng, chưa kịp thời.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định. Ảnh: Quochoi.vn

Một số đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chưa có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn; không ít báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết còn sơ sài, thiếu đánh giá về dự kiến nguồn lực hoặc dự kiến nguồn lực còn định tính, thiếu định lượng, ảnh hưởng đến tính khả thi của chính sách đề xuất; cũng còn có hồ sơ dự án không có ý kiến của Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc có ý kiến nhưng không bảo đảm đầy đủ, chất lượng…

“Việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án nhiều trường hợp còn hình thức, không hiệu quả, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ; việc tham gia ý kiến của không ít cơ quan, tổ chức còn sơ sài, mang tính chiếu lệ”, ông Định cho hay.

Lộ trình sửa Luật Đất đai còn ý kiến khác nhau

Với 2 dự án được đề nghị đưa ra khỏi Chương trình, theo ông Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận tại Ủy ban Pháp luật, vẫn còn có ý kiến khác nhau về lộ trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.

Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện dự án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2020, khắc phục những tồn tại, bất cập, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiễn quản lý đất đai, bảo đảm sự thống nhất của các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai.

Loại ý kiến thứ hai, tán thành với Chính phủ về việc rút dự án Luật này ra khỏi Chương trình để tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Quốc hội sau năm 2020.  Đối với những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn và một số chính sách mới cần thực hiện thí điểm, đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành nghị quyết trong năm 2019 để kịp thời xử lý, đồng thời, tạo cơ sở cho việc tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật.

“Nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị Ủy ban Pháp luật xin báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Định nói.

Cũng liên quan đến luật này, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề nghị của Chính phủ và cho rằng, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm để xử lý những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực đất đai.

Trong khi đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cân nhắc việc đưa ra khỏi Chương trình dự án Luật này vì thực tiễn thời gian qua cho thấy, có nhiều vướng mắc về pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất quốc phòng cần được tháo gỡ.

“Trường hợp đưa dự án Luật ra khỏi Chương trình thì đề nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để xử lý những vấn đề vướng mắc hiện nay”, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu quan điểm.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường, Uỷ ban Pháp luật thống nhất với Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ đưa dự án Luật này ra khỏi Chương trình để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện và cũng là để có thời gian đánh giá việc thực hiện Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 01/01/2019.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm