Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 11/08/2021 - 18:05
(Thanh tra) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Chính phủ chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Đ.X
Phát biểu tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 sáng ngày 11/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát lại hoạt động của Chính phủ và khẳng định, hơn 75 năm qua, mỗi nhiệm kỳ của Chính phủ đều đã để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Xử lý dứt điểm những “điểm nghẽn”
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, hiện toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các kết luận của Trung ương trong bối cảnh, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn trước và gay gắt hơn so với dự báo.
Từ đầu năm đến nay, dịch COVID -19 với đợt bùng phát lần thứ tư lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát và có thể còn tiếp tục kéo dài; thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt mới.
Kinh tế - xã hội tuy tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra. Sản xuất kinh doanh, đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng có dịch và những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch gặp nhiều khó khăn, thách thức…
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 3 của Đảng và kỳ họp thứ nhất đã đề ra, theo Tổng Bí thư, Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa trên con đường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn phát triển mới.
Theo đó, tập trung ưu tiên thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, xử lý dứt điểm những “điểm nghẽn”, vướng mắc, tồn tại để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID -19; phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân…
Trong phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành một lượng lớn thời gian để phân tích, làm rõ 4 vấn đề lớn về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng bộ máy.
Theo ông, mô hình kinh tế nước ta xây dựng là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
“Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Không chờ kinh tế phát triển cao rồi mới thực hiện công bằng xã hội
Cùng với phát triển kinh tế là phát triển văn hóa xã hội. Tổng Bí thư nêu rõ, không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Ông cũng nhấn mạnh, phát triển văn hoá đồng bộ, tương xứng với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, trong đó xác định “con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển”.
“Xã hội XHCN mà chúng ta xây dựng là một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội”, Tổng Bí thư nói.
Với quốc phòng, an ninh, đối ngoại thì tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Tổng Bí thư, Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 cần tiếp tục kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh theo đúng phương châm: “Phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
“Trong mọi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải luôn luôn quan tâm vấn đề quốc phòng, an ninh”, Tổng Bí thư lưu ý, phải kịp thời phát hiện, chủ động xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, không để xảy ra các “điểm nóng”, phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp...
Đừng bị cám dỗ bởi lợi ích xấu xa, việc làm vô liêm sỉ
Đề cập đến xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ, Tổng Bí thư cho rằng, “đây là vấn đề cơ bản, rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ hoạt động của Chính phủ”.
Người đứng đầu Đảng đề nghị, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, thật sự “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”, thật sự tâm huyết vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Chính phủ và chính quyền các cấp.
“Đừng “nhìn gà hoá cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn”, Tổng Bí thư nói.
Sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ những tổ chức và cá nhân dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.
“Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”. Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, Tổng Bí thư phát biểu.
Vấn đề này đã được Tổng Bí thư nhiều lần nói đến và tại phiên họp đầu tiên Chính phủ khóa XV, ông nhắc lại: “Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất".
Tổng Bí thư tin tưởng, Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2025 nhất định sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp của nước Việt Nam.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Trần Kiên
Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam