Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chỉ nên giao cơ quan thuế, chứng khoán điều tra ban đầu

Thứ sáu, 19/06/2015 - 09:17

(Thanh tra) - Hôm nay (19/6), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (CQĐTHS), Dự án Luật Tạm giam, tạm giữ. Trao đổi bên hành lang QH, Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh, cần mở rộng cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu, nhưng để truy tố một người ra trước tòa phải là cơ quan có thẩm quyền, chuyên môn sâu…

Đại biểu Trần Văn Độ trả lời phỏng vấn của PV. Ảnh: Thảo Nguyên

Huy động sức mạnh chống tội phạm thuế, chứng khoán

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên biển, thuế, chứng khoán ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh. Để kịp thời đấu tranh phòng, chống tội phạm, không để lọt tội, Dự thảo Luật Tổ chức CQĐTHS đề nghị bổ sung quy định cơ quan kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

“Việc bổ sung quy định này sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là ở những lĩnh vực có tính chất đặc thù như thủy sản trên biển, thuế, chứng khoán”, Bộ trưởng Trần Đại Quang nói và cho biết thêm, kinh nghiệm của các nước cho thấy những cơ quan này đều được giao thẩm quyền điều tra. Hơn nữa, việc giao cho các cơ quan này thẩm quyền điều tra ban đầu góp phần giảm tải ở các cơ quan điều tra chuyên trách.

Bên cạnh đó, Dự thảo được xây dựng nhằm tạo hành lang pháp lý, bảo đảm trong hoạt động điều tra hình sự tập trung thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp rành mạch và được kiểm soát chặt chẽ; điều tra nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Truy tố 1 người ra trước tòa phải là cơ quan có chuyên môn sâu

Bình luận về điều này, Trung tướng Trần Văn Độ, nhấn mạnh: “Tôi nghĩ cần mở rộng cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra. Tức là, khi phát hiện những hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan lĩnh vực đó tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và điều tra theo quy định và chuyển cho cơ quan điều tra phục vụ công tác điều tra sau này chính xác”.

Tuy nhiên, ông Độ không đồng ý trường hợp quả tang, có chứng cứ gì đấy thì các cơ quan này có quyền khởi tố bị can, hoàn tất điều tra đề nghị truy tố. “Điều tra ban đầu là chỉ lấy lời khai những người có liên quan, bảo vệ hiện trường… chứ không đi sâu vào điều tra như hỏi cung, khởi tố bị can. Còn truy tố một người ra trước tòa án để xử hình sự phải là cơ quan có thẩm quyền, chuyên môn sâu”.

Sức ép “làm oan người vô tội thì không chấp nhận được, nhưng để lọt tội phạm cũng như những vụ giết người rất man rợ, cướp tài sản… thì có lỗi với nhân dân, gây dư luận xã hội”, Trung tướng Độ cho rằng, “chúng ta phải nhìn nhận từ hai góc độ để thông cảm với cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra. Tất nhiên điều đó không có nghĩa ta thông cảm với biện pháp trái pháp luật ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân”.

Nhắc lại lời Bác Hồ “một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài”, Trung tướng Độ cũng lưu ý, tạm giữ, tạm giam không được lạm dụng, chỉ nên áp dụng trong trường có thể tiếp tục phạm tội, cản trở điều tra (mua chuộc, ép buộc nhân chứng, hủy chứng cứ), còn bình thường, thậm chí tội đặc biệt nghiêm trọng, vụ án kinh tế lớn nhưng đối tượng không bỏ trốn, khai báo đầy đủ thì cũng không cần tạm giam.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm