Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 06/06/2023 - 21:45
(Thanh tra) - "Đề nghị bộ trưởng cho biết việc thực hiện như vậy có hợp lý hay không", đại biểu Quốc hội chất vấn và mong Bộ trưởng Hầu A Lềnh quan tâm để làm sao trong lúc nguồn lực có hạn, các sản phẩm đến được đồng bào dân tộc thiểu số, những người hiện đang sống trong điều kiện hết sức khó khăn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đăng đàn trả lời chất vấn. Ảnh: P.Thắng
Chiều 6/6, sau Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đăng đàn trả lời chất vấn nhóm vấn đề liên quan đến dân tộc. Đây là lần đầu tiên ông Hầu A Lềnh trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Giải ngân rất thấp, phần không nhỏ chi cho hội thảo, tập huấn
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đặt vấn đề: Báo cáo của Chính phủ cho thấy, việc hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về đồng bào dân tộc thiểu số chậm, sai, giải ngân kém, huy động vốn chưa tốt, phải trình Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện.
“Đáng ngạc nhiên, khi nói về nguyên nhân hạn chế, báo cáo của Ủy ban Dân tộc nêu là do thời tiết, do COVID, do biến động quốc tế”, bà Mai nói và đề nghị bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của bộ trưởng?
Theo bà, ngoài giải ngân rất thấp (chỉ đạt hơn 4.600 tỷ đồng, 51%) thì một phần không nhỏ được giải ngân cho hội thảo, tập huấn. Bà Mai dẫn chứng hội thảo bình đẳng giới hết 64 tỷ đồng, tư vấn quan hệ hôn nhân tốn 102 tỷ, kiểm tra hội thảo hết 88 tỷ; trong khi xây dựng mạng lưới y tế cơ sở chỉ đạt 38 tỷ.
Đề nghị bộ trưởng cho biết việc thực hiện như vậy có hợp lý hay không? Bà Mai chất vấn.
Trả lời, ông Hầu A Lềnh nói: “Ủy ban Dân tộc đã báo cáo và nhận trách nhiệm trước Chính phủ” về triển khai chậm văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, ông giải thích, tháng 6/2021, các bộ, ngành mới xây dựng các văn bản hướng dẫn, và đến hết năm 2022 mới cơ bản xong.
“Về chủ quan, chúng tôi nhận trách nhiệm trước Chính phủ. Tại phiên họp Quốc hội tháng 10 năm ngoái, Chính phủ cũng nhận khuyết điểm trước Quốc hội về chậm trễ này”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Ông cũng cho hay, sau kỳ họp Quốc hội năm ngoái, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và các vấn đề tháo gỡ cho chương trình “đến giờ phút này cơ bản hoàn thành”.
Phần chất vấn của bà Mai về việc trong khi giải ngân thấp, nhưng chi hội thảo, hội nghị… lại rất nhiều chưa được ông Lềnh trả lời, ở vị trí điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị bộ trưởng giải thích thêm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết các hội thảo mà bà Mai phản ánh thuộc chương trình truyền thông do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì.
“Chúng tôi sẽ cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá lại và báo cáo đại biểu”, ông Lềnh cho hay.
Chưa hài lòng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai giơ biển tranh luận. Bà nêu, bộ trưởng trả lời đến hết năm 2022 đã hoàn thành ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng thực tế “hoàn toàn không phải như vậy”.
Bà dẫn báo cáo tháng 4/2023 của Chính phủ nêu, Ủy ban Dân tộc chưa hoàn thành ban hành xây dựng văn bản về thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số; một số nội dung hướng dẫn trái Luật Đầu tư công.
“Bộ trưởng cần sâu sát hơn để đưa ra những thông tin cho cử tri cũng như đại biểu được biết”, bà Mai đề nghị.
Liên quan đến sử dụng nguồn vốn, bà Mai nhắc lại yêu cầu của Quốc hội là, tăng chi đầu tư, hạn chế chi thường xuyên, trong đó hạn chế tối đa việc hội thảo tư vấn vì nguồn lực có hạn.
“Mong bộ trưởng quan tâm để làm sao trong lúc nguồn lực có hạn, các sản phẩm đến được đồng bào dân tộc thiểu số, những người hiện đang sống trong điều kiện hết sức khó khăn”, bà Mai nói.
Tại sao thí điểm cấp radio vùng dân tộc không thực hiện?
Quan tâm đến nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (đoàn Hải Dương) nói: Đề án thí điểm cấp radio cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1860 của Thủ tướng từ năm 2017 đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện
“Đề nghị bộ trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng trên và hướng thực hiện”, đại biểu Hoàn chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, dự án cấp thí điểm radio cho một số tỉnh được Thủ tướng phê duyệt với tổng số vốn trên 60 tỷ đồng.
Theo ông Lềnh, Ủy ban Dân tộc đã thực hiện các quy trình về lập dự án, tổ chức đấu thầu vào năm 2018. Tuy nhiên, khi đấu thầu thì không có đơn vị có đủ năng lực tham gia nên gói thầu này không thực hiện được.
Sang năm 2019, khi phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia thì Quốc hội đã tích hợp dự án này vào dự án 10 thuộc chương trình.
“Trong dự án 10 không còn là dự án cấp thí điểm radio nữa mà là dự án cấp các thiết bị nghe nhìn cho người có uy tín ở tất cả các xã của vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Lềnh nói.
Ủy ban Dân tộc đã phân bổ vốn cho địa phương để địa phương làm vì thiết bị nghe nhìn theo danh mục của Bộ Thông tin và Truyền thông gồm nhiều thiết bị khác nhau chứ không chỉ radio.
“Chúng tôi đã làm cuộc khảo sát năm ngoái trên 51 tỉnh, thành thì có 2/3 số tỉnh, thành đề nghị thiết bị nghe nhìn đổi thành điện thoại thông minh để linh hoạt hơn. Cũng có những nơi vẫn đề nghị cấp đài”, theo bộ trưởng Hầu A Lềnh.
Vì vậy, Ủy ban Dân tộc sẽ đưa tiền cho địa phương để địa phương tự xác định danh mục thiết bị do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp để trang bị cho các đối tượng của chính sách đảm bảo hiệu quả, phù hợp.
“Nếu Trung ương làm 1 dự án cấp cùng một loại thiết bị cho từng địa phương thì có chỗ phù hợp, có chỗ không”, ông Lềnh nói.
Theo chương trình, sáng mai 7/6, Bộ trưởng Hầu A Lềnh sẽ tiếp tục trả lời chất vấn trong thời gian 50 phút. Sau đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Đồng bào dân tộc thiếu đất ở, đất sản xuất
Đại biểu Dương Tuấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến du canh, du cư tự phát, chặt phá rừng.
“Đây là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm”, ông Quân nhận xét và đề nghị bộ trưởng cho biết những thuận lợi, khó khăn và giải pháp để giải quyết tình trạng này?
Trả lời, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, đây là vấn đề lớn và là nhu cầu thực tế. Qua rà soát, nhu cầu đất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số khoảng trên 24.000 hộ và đất sản xuất là trên 43.000 hộ.
Ủy ban Dân tộc đã trình Thủ tướng Quyết định 1719, trong đó đề ra chỉ tiêu năm 2025 giải quyết 60% nhu cầu đất ở cho người dân, tập trung vùng đồng bào dân tộc khó khăn nhất, chưa được hỗ trợ bất cứ chính sách nào. Giai đoạn 2026-2030 giải quyết 40% còn lại.
Về đất sản xuất, qua thống kê có nhiều địa phương có nguồn quỹ đất xây dựng mô hình dân cư tập trung. Tuy nhiên, nhiều địa phương không còn quỹ đất nên cần giải pháp thống nhất các bộ ngành. Đó là việc rà soát đất nông lâm trường để lấy đất cho đồng bào sản xuất.
“Hiện nay tiến độ triển khai cũng đang hết sức chậm”, ông Hầu A Lềnh nói và cho biết, tới đây, sẽ phối hợp với các bộ, ngành để rà soát lại quá trình thực hiện để có được quỹ đất cấp cho bà con.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Trần Kiên
Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh