Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần thiết bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của cá nhân và tổ chức

Hương Giang

Thứ tư, 15/02/2023 - 18:10

(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, pháp luật đang bảo vệ cả tổ chức và cá nhân mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm thì việc đề xuất bỏ chủ thể “tổ chức” quan trọng và khá phổ biến ở Việt Nam thì có nên hay không?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: P.Thắng

Sáng ngày 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó có khái niệm người tiêu dùng; việc áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp tại tòa.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cả doanh nghiệp bán hàng hóa

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho hay, về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện còn 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định rõ việc áp dụng thủ tục rút gọn trong dự thảo luật vì nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành sẽ không thể áp dụng được.

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước trên thế giới đều quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết các vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Huy nói.

Ngược lại là loại ý kiến thứ hai không đồng tình quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo luật. Vì nếu quy định sẽ không thống nhất với điều kiện giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng, ảnh hưởng đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nêu quan điểm của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ông Huy đề nghị, quy định các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, đa số các vụ tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị nhỏ, nhưng thời gian tới số vụ sẽ không phải ít và điều này còn tác động đến thương hiệu hàng hóa.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: P.Thắng

“Không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn bảo vệ cả tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, sản phẩm. Quy định thủ tục rút gọn, tòa án sẽ phán quyết nhanh, kịp thời. Nếu người tiêu dùng đúng thì bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp đúng thì bảo vệ doanh nghiệp, uy tín hàng hóa sản phẩm, dịch vụ”, ông Thanh nói.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho hay, ông băn khoăn khi dự luật thiên về “quyền” của người tiêu dùng mà không đền cập đến “nghĩa vụ”.

Dự thảo luật dành điều 5 quy định trách nhiệm của người tiêu dùng, nhưng theo ông Phương là “không đủ tầm và không đúng tinh thần Hiến pháp”. “Đúng ra điều này phải quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng, bởi quyền không thể tách rời nghĩa vụ”, ông nhấn mạnh.

Theo phân tích của ông Phương, trách nhiệm thường nói đến trách nhiệm của cá nhân, tổ chức được giao thực thi nhiệm vụ trong một phạm vi nào đó. Hiến pháp nêu rất rõ phải có nghĩa vụ không được xâm phạm đến lợi ích của người khác, chứ không phải trách nhiệm.

“Tại sao không nói đến nghĩa vụ mà chỉ quy định trách nhiệm với 3 khoản rất đơn giản”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm, sửa điều 5 nâng lên thành nghĩa vụ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Theo ông, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì nghĩa vụ, trách nhiệm quy định như thế nào để bảo đảm ngang bằng và không được làm phương hại đến quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khác có liên quan, nhất là chi phí tuân thủ pháp luật.

Từ đó, ông Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan liên quan rà soát lại dự thảo luật, để đảm bảo không làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Loại bỏ “tổ chức” khỏi khái niệm người tiêu dùng là không hợp lý

Vấn đề nữa là về khái niệm người tiêu dùng. Chính phủ đề nghị loại “tổ chức” khỏi khái niệm người tiêu dùng như luật hiện hành, chỉ để “cá nhân” vì cho rằng trong suốt 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan Nhà nước là rất ít.

Người tiêu dùng là tổ chức có nhiều điều kiện tốt hơn so với người tiêu dùng là cá nhân khi thực hiện giao dịch mua, bán và giải quyết tranh chấp. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, pháp luật nhiều nước chỉ tập trung điều chỉnh đối tượng người tiêu dùng là cá nhân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: P.Thắng

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc loại bỏ “tổ chức” khỏi khái niệm người tiêu dùng là không hợp lý, đề nghị giữ như luật hiện hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương góp ý, cần nêu rõ người tiêu dùng gồm cả tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, để luật bao quát và giải quyết được các vấn đề liên quan đến tiêu dùng.

Đồng thời, ngoài việc “mua” như dự thảo, ông Phương đề nghị bổ sung cả việc “sử dụng” vì có nhiều người được tặng, cung cấp sử dụng chứ không mua thì vẫn là người tiêu dùng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần đánh giá thực tiễn thực thi pháp luật tại Việt Nam để có quy định phù hợp. Theo ông, luật hiện hành bảo vệ cả cá nhân, tổ chức mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm.

“Nếu bỏ tổ chức mà tổ chức lại là người tiêu dùng khá phổ biến tại Việt Nam thì có nên không?”, Chủ tịch Quốc hội nêu và đề nghị đánh giá kỹ hơn căn cứ lựa chọn để bảo vệ tốt nhất người tiêu dùng.

Bày tỏ quan điểm giữ như luật hiện hành, theo đó người tiêu dùng gồm cả tổ chức và cá nhân, Chủ tịch Quốc hội nói, phương án này khác với phương án Chính phủ trình do đó cần phải có ý kiến của Chính phủ.

Với việc giải quyết tranh chấp tại tòa, Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình lựa chọn phương án áp dụng thủ tục rút gọn, song đề nghị tiếp thu rà soát, sửa đổi để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Tố tụng dân sự và có thể giao cho TAND Tối cao hướng dẫn.

Ngoài 2 nội dung xin ý kiến, ông Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục rà soát lại xem còn vấn đề gì khác nhau.

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ để xin ý kiến hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đảm bảo chất lượng dự án luật trình Quốc hội.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 4 (tháng 10/2022). Theo chương trình, dự luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần 2, xem xét thông qua tại kỳ họp 5 (tháng 5/2023).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm