Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần “nhạc trưởng”, bỏ tình trạng “một sợi bún 3 bộ quản lý”

Thứ ba, 06/06/2017 - 06:27

(Thanh tra)- Hôm qua (5/6), Quốc hội (QH) dành 1 ngày thảo luận tại hội trường về giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2016. Nhiều đại biểu (ĐB) QH cho rằng, để đấu tranh loại bỏ thực phẩm “bẩn” hiệu quả cần một “nhạc trưởng”, loại bỏ tình trạng “một sợi bún 3 bộ quản lý”…

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)

90% thuốc BVTV nhập từ Trung Quốc

Thời gian qua, các cơ quan chức năng không ngừng nghỉ đấu tranh để loại bỏ thực phẩm “bẩn”. “Rất trách nhiệm, nhưng những gì chúng ta biết và xử lý được vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Thực tế không khó để tìm thông tin về các vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm mà mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng”, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đánh giá.

Hàng loạt vụ bắt giữ thực phẩm quá hạn không nguồn gốc, nội tạng hôi thối. Gần đây nhất, ngày 21/5, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 45 tấn tóp mỡ bốc mùi đang trên đường tiêu thụ, rồi chế biến nem chua bằng chất tẩy trắng, giá ngập hoá chất, hô biến thịt lợn, thịt bò hôi thối thành khô bò, ruốc...

ĐB tỉnh Bình Dương cho rằng, hóa chất độc hại, chất cấm và thực phẩm bẩn đội lốt đã không chừa một sản phẩm nào.

“Hàng năm Việt Nam bỏ ra không dưới 770 triệu USD để nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với 4.100 chủng loại khác nhau và có 90% số đó được nhập từ Trung Quốc. Đáng nói, Trung Quốc chỉ có 630 loại thuốc BVTV được phép lưu hành”, ông Nhân dẫn số liệu.

Theo ông, số lượng được thông quan qua đường tiểu ngạch, nhập lậu từ biên giới vẫn không thể kiểm soát. Đây là gốc của mọi nguyên nhân.

“Liệu có quá khi nói rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình. QH nghĩ gì khi báo cáo của đoàn giám sát cho rằng mỗi năm có khoảng 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn”, ĐB trăn trở.

Đồng ý với ĐB, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, trong 8 tháng qua, bộ đã rà soát lại các thuốc BVTV, loại ra 600 sản phẩm do là độc rất cao.

“Thời gian tới còn phải siết nữa. Bên cạnh đó, củng cố lại, kiểm tra, rà soát hệ thống phân phối, công tác thông tin để người dân hạn chế sử dụng thuốc, sử dụng đúng lúc, đúng cách, góp phần giảm độc hại từ đầu vào”, Bộ trưởng nói.

Thiết lập hệ thống đường dây nóng

Luật ATTP năm 2010 đã chuyển sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm, thay vì quản lý theo phân khúc sản xuất, kinh doanh nhằm khắc phục sự chồng chéo. Tuy nhiên, một số ngành vẫn có sự đan xen hoặc không phân định rõ trách nhiệm thuộc bộ nào.

“Đơn cử việc quản lý chất lượng bún. Nguyên liệu, bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm Bộ NN&PTNT; sản phẩm, tinh bột thuộc về Bộ Công thương; sản phẩm bún bán trên thị trường nếu có chứa chất Tinopal gây ngộ độc cho người tiêu dùng thì trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế”, ĐB Nhân dẫn chứng.

ĐBQH Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai

Dẫn báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho hay, hiện có 27% người dân không yên tâm về thực phẩm, 59% chưa yên tâm lắm, và trong 3 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh thì trên 20% vi phạm ATTP.

Trong 5 năm, có hơn 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 164 người chết. Tuy nhiên ĐB cho rằng, đây chỉ là phần nổi của tảng băng ngộ độc thực phẩm. “Từ thực tế mỗi cá nhân, gia đình, tôi tin chắc hàng năm có hàng chục triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm nhưng người dân tự xử lý, không được các cơ sở y tế ghi nhận", ĐB Mai nêu.

Theo ông, quản lý Nhà nước về ATTP còn nhiều hạn chế, cắt khúc trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn khiến nhiều khoảng trống chưa được xử lý hiệu quả, cuối cùng là thực phẩm không an toàn, người dân chịu hậu quả.

"Cần có một cơ quan thực sự giữ vai trò nhạc trưởng để phòng, chống thực phẩm không an toàn", ông Mai nói và đề xuất thiết lập hệ thống đường dây nóng dễ nhớ (như 113, 115) để người dân gọi báo vi phạm ATTP.

ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cũng đề nghị không nên để 3 Bộ cùng quản lý mà nên thu về một đầu mối duy nhất.

Kinh doanh, sản xuất thực phậm “bẩn” là tội ác

“Việc xử lý vi phạm mới được 20% là chưa hiệu quả, chưa quyết liệt và chưa bảo đảm tính răn đe. Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn; đồng thời mở rộng triển khai thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP”, bà Yến nêu.

Theo các ĐB, phải tuyên chiến không khoan nhượng với thực phẩm “bẩn”, trừng trị nghiêm khắc nhất; phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm “bẩn” là một tội ác, không thể “nhắm mắt làm ngơ”, thỏa hiệp, bắt tay.

ĐB Hồ Thanh Bình (An Giang) nhấn mạnh, đã đến lúc cần có cơ quan chuyên trách đủ năng lực và uy tín để tiến hành cuộc chiến này. Sức khoẻ và trí tuệ của tương lai con em Việt Nam trông chờ vào hoạt động kiến tạo và liêm minh của Chính phủ ngay từ ngày hôm nay.

ĐB Hồ Thanh Bình (An Giang)

“Các bộ, ngành, địa phương cần có đường dây nóng, có cơ chế phù hợp, thuận tiện để tiếp nhận, xử lý nghiêm, kịp thời phản ánh của nhân dân, của báo chí về vi phạm ATTP. Đồng thời, có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn”, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) lưu ý.

Còn ĐB Phạm Trọng Nhân tha thiết kêu gọi, “tất cả những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì lương tri phải có trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng, vì sự tồn vong của quốc gia, chấm dứt ngay cách làm ăn gian dối, bất chính. Nhân dân hãy tỏ rõ thái độ khi chứng kiến thực phẩm mất an toàn và mạnh dạn lên tiếng tố giác, đấu tranh tới cùng với những hành động sai trái”.

Con số gây “choáng”

Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm.

Giai đoạn 2011 - 2016, ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm làm mắc 4.012.038 ca bệnh với 123 người chết, trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết.

Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70 ngàn người chết và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.

Tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47% đối với rau.

Kiểm tra đối với 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV, phát hiện 9.056 hộ vi phạm (chiếm 16,54%); kiểm tra 2.064 đợt với 63.230 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV, phát hiện và xử lý trên 7.434 cơ sở vi phạm (chiếm 11,7%).

Phần lớn lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ trong nước được giết mổ tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chiếm 97% (tình trạng chung là các cơ sở này không được kiểm tra vệ sinh thú y; không đảm bảo, giết mổ, pha lóc, làm sạch phủ tạng trực tiếp trên sàn, không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải....).

Số cơ sở vi phạm các quy định về ATTP giai đoạn 2011- 2016 chiếm 20,3% số cơ sở tiến hành thanh tra, kiểm tra; số cơ sở vi phạm khi thanh tra đột xuất, chiếm 28,6% lớn hơn so với thanh tra báo trước theo kế hoạch.


Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đầu tháng 1/2025, Hà Nội hoàn thành sắp xếp bộ máy

Đầu tháng 1/2025, Hà Nội hoàn thành sắp xếp bộ máy

(Thanh tra) - Với quyết tâm chính trị cao nhất, Hà Nội phải hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm vào đầu tháng 1/2025.

Hải Hà

17:54 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm