Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần bổ sung việc xóa tư cách nguyên Thứ trưởng, Bộ trưởng đã nghỉ hưu

Thứ ba, 18/12/2018 - 16:31

Ngày 18/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị đánh giá công tác thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung cụ thể với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại khu vực phía Nam, miền Trung Tây Nguyên.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Cán bộ, công chức 2008, trong quá trình thực hiện đã phát sinh khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy định liên quan đến công tác đánh giá, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp…

Ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết qua 10 năm thực hiện Luật Cán bộ, công chức và 8 năm thực hiện Luật Viên chức, công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức từng bước đi vào nền nếp, đạt được những kết quả nhất định; tuy nhiên vẫn còn không ít vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trên cơ sở đó, một số nội dung dự kiến sẽ được sửa đổi trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức như chủ trương thực hiện chế độ hợp đồng đối với công chức; ký hợp đồng có thời hạn với viên chức mới tuyển dụng; kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, chuyển công tác ra khỏi khu vực nhà nước, khu vực đơn vị sự nghiệp có hành vi vi phạm trong quá trình công tác…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ chủ trương tiếp tục tách bạch giữa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; vấn đề phân cấp, phân quyền cho các cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng lao động; chủ trương liên thông trong công tác cán bộ, trong đó có liên thông giữa quy định của Đảng và của pháp luật; sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập; chủ trương ký hợp đồng xác định thời hạn đối với trường hợp tuyển dụng mới.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc sửa Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cần đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

Đồng thời, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về các xu hướng mới, thực tiễn lập pháp tốt về cán bộ, công chức, viên chức của các nước trên thế giới. Về cơ chế tuyển dụng, chế độ hợp đồng, nên giao quyền quyết định cho người sử dụng công chức, viên chức với sự hỗ trợ của Hội đồng phỏng vấn độc lập, khách quan.

Đối với việc xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức vi phạm, theo ông Nguyễn Văn Phúc, Luật Cán bộ, công chức cần bổ sung hình thức xử lý xóa tư cách nguyên Thứ trưởng, Bộ trưởng và tương đương trở lên đã nghỉ hưu.

Tương tự, góp ý về vấn đề xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Cán bộ công chức, Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm đến khi phát hiện vi phạm kỷ luật. 

Quy định như vậy là quá ngắn, không đảm bảo tính nghiêm khắc đối với việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm.

Vì thế Quy định mới của Bộ Chính trị về kỷ luật đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm cần được thể chế hóa khi sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức theo hướng kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật, bổ sung quy định kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.

Theo TRẦN XUÂN TÌNH (TTXVN/VIETNAM+)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm