Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 16/07/2020 - 18:40
(Thanh tra) - “Chúng tôi đang chủ động triển khai các công việc để bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Quá trình xây dựng luật, Thanh tra Chính phủ xác định phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan chức năng của Quốc hội”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam nhấn mạnh.
Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam. Ảnh: Hải Ninh
Sáng nay (16/7), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2020 và năm 2021.
Sửa Luật Thanh tra là nhiệm vụ chính trị quan trọng
Tại hội nghị, báo cáo tiến độ chủ trì xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam cho hay, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Thanh tra Chính phủ đang tích cực triển khai. “Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng”, ông Lam nói.
Theo ông Bùi Ngọc Lam, Thanh tra Chính phủ đã triển khai các công việc chuẩn bị, đề nghị các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cử người tham gia Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập.
Cùng với đó, nghiên cứu một số đề án nhằm cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi), trong đó tập trung vào 2 đề án chính là đề án kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan thanh tra và đề án thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Thanh tra Chính phủ cũng tiếp tục tổng kết các nội dung liên quan đến Luật Thanh tra gắn với hoạt động theo dõi, thi hành pháp luật hàng năm để báo cáo, phục vụ việc giải trình về thực trạng tổ chức cơ quan được giao nhiệm vụ, chức năng thanh tra theo ngành, lĩnh vực.
“Nhìn chung, chúng tôi đang chủ động triển khai các công việc để bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Quá trình xây dựng luật, Thanh tra Chính phủ xác định phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan chức năng của Quốc hội”, Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam.
Cũng theo ông Bùi Ngọc Lam, Thanh tra Chính phủ sẽ trình Chính phủ dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) cho ý kiến vào tháng 5/2021, để đến tháng 6/2021, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và tháng 10/2021, trình Quốc hội khoá 15 cho ý kiến.
Nghe vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, quá trình xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) phải làm thế nào để đáp ứng yêu cầu thanh tra trong tình hình mới, cũng như phù hợp với các luật liên quan như Luật Kiểm toán, Luật Phòng, chống tham nhũng, bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.
“Nội dung thì còn nhiều vấn đề phải bàn khi có dự thảo”, ông Lưu nói và đề nghị, Thanh tra Chính phủ bảo đảm cam kết tiến độ xây dựng luật.
Bộ Công an “sốt ruột” khi vắng 2 dự án luật của ngành
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thấy “sốt ruột” khi thấy trong chương trình xây dựng luật 2 kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khoá 14 không có tên 2 dự án luật là Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở và Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
“Hồ sơ cơ bản bước đầu đủ điều kiện để trình ra được, nhưng không biết vướng thủ tục hành chính ở đâu. Ban soạn thảo chúng tôi hiện nay cứ chờ đợi”, ông Lâm nói và tha thiết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình 2 dự án luật này để làm sớm.
Theo Bộ trưởng Công an, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở rất quan trọng. Từ tháng 6, Chính phủ cũng đã có nghị quyết thông qua xây dựng luật này.
“Tất cả nội dung chúng tôi đã hoàn thành, đã đưa ra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã đăng lên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an lấy ý kiến nhân dân nhưng tại kỳ họp này vẫn chưa có tên trong danh sách các dự án luật”, ông Tô Lâm nói.
Về Dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, theo Bộ trưởng Công an, Chính phủ đã thống nhất trình luật này cùng với Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nhưng đến hôm nay thì chương trình xây dựng luật chỉ có Luật Giao thông đường bộ.
Cho ý kiến, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đúng là có lần họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm có báo cáo vấn đề này khi xem xét các dự án luật khác có liên quan. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Công an phải trình hồ sơ theo đúng quy định của luật.
“Cho đến bây giờ các cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa nhận được hồ sơ về 2 dự án luật này”, ông Uông Chu Lưu nêu rõ.
Bộ Chính trị sẽ phê duyệt đề án đổi mới tổ chức công đoàn
Liên quan đến dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho hay, ngày 1/6, Tổng Liên đoàn Lao động đã gửi hồ sơ dự án luật tới các bộ, ngành có liên quan và xin ý kiến của Chính phủ; đồng thời đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử của Tổng Liên đoàn.
Tuy nhiên, theo ông Khang, có một số khó khăn trong công tác chuẩn bị dự án luật, trong đó có vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy của Công đoàn Việt Nam.
Ông Khang cho biết, Bộ Chính trị có giao cho Tổng Liên đoàn Lao động xây dựng Đề án Đổi mới tổ chức phương thức hoạt động Công đoàn trong tình hình mới trình Bộ Chính trị phê duyệt.
Vừa rồi, sau khi lấy ý kiến các ban, bộ, ngành, Tổng Liên đoàn Lao động đã chính thức trình Bộ Chính trị để xem xét, thông qua đề án đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. “Bộ Chính trị sẽ nghe báo cáo trong tháng 8 này”, ông Khang thông tin.
Nghe vậy, ông Uông Chu Lưu cho biết, đề án trình Bộ Chính trị sẽ là cơ sở quan trọng xác định chính sách, phạm vi sửa đổi luật này.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trọng tâm của dự án luật này là khi Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do và tham gia các công ước quốc tế thì có việc các doanh nghiệp được thành lập các tổ chức Công đoàn độc lập bên cạnh tổ chức Công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Từ đó, ông Lưu đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động phải đảm bảo tinh thần khẩn trương sửa đổi luật lần này phải bao quát tất cả để đảm bảo Liên đoàn Lao động hoạt động tốt hơn.
“Cố gắng bảo đảm đúng tiến độ Quốc hội quyết định là tháng 10 cho ý kiến lần đầu và kỳ họp 11 là thông qua để đảm bảo cam kết của ta với quốc tế khi ký hiệp định thương mại tự do", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), trình Chính phủ vào tháng 4/2021; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), trình Chính phủ vào tháng 4/2021; Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), trình Chính phủ vào tháng 5/2021; Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), trình Chính phủ vào tháng 5/2021; Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trình Chính phủ vào tháng 6/2021; Bộ Công an chủ trì soạn thảo Luật Cảnh sát cơ động, trình Chính phủ vào tháng 6/2021.
Theo chương trình từ nay đến hết năm 2020, tại kỳ họp 10 (tháng 10/2020), Quốc hội khoá 14 sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật (Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi)); 1 dự thảo nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Đồng thời, cho ý kiến 4 dự án luật khác gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điềucủa Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 1 dự án pháp lệnh (là Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng) tại phiên họp tháng 8/2020.
Năm 2021 là năm chuyển giao nhiệm kỳ nên tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 (tháng 3/2021) chỉ xem xét, thông qua 4 dự án luật (đã được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10).
Đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15 (tháng 7/2021) chỉ xem xét, thông qua Dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; không cho ý kiến đối với dự án nào.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15 (tháng 10/2021) chỉ xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với 6 dự án luật: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương