Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận câu trả lời “rất đắng lòng” khi hỏi dân sao chặt điều trồng sầu riêng

Hương Giang

Thứ tư, 21/08/2024 - 13:20

(Thanh tra) - “Tôi hỏi, tại sao bà con nỡ chặt bỏ điều để trồng sầu riêng? Bà con nói với tôi, giờ trồng sầu riêng thu nhập 1 tỷ đồng/ha, còn trồng điều 35-40 triệu, ông nghĩ chúng tôi nên như thế nào?”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan kể và nói “đó là câu trả lời rất đắng lòng”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận câu trả lời “rất đắng lòng” khi hỏi dân sao nỡ chặt điều trồng sầu riêng. Ảnh: P.Thắng

Những trăn trở và suy nghĩ về nông sản Việt được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 21/8.

Xây dựng thương hiệu phải liên kết bà con với hiệp hội, doanh nghiệp

Chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu của các nông sản chủ lực, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu, nông sản hạt điều với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD vào 2023, còn giá sầu riêng tăng liên tục chỉ trong 5 năm.

Băn khoăn việc phát triển và bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu của nước ta hiện nay chưa thực sự hiệu quả, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp bảo đảm giá trị thương hiệu điều, sầu riêng, đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu và đời sống người dân.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết ông từng về huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), đứng trên một vườn trồng điều và nhìn phía bên kia vườn, thấy bà con đang đốn điều để trồng sầu riêng.

“Tôi hỏi bà con điều là cây gắn bó bao đời với vùng Bình Phước, tại sao bà con nỡ chặt bỏ cây điều để trồng sầu riêng? Bà con nói với tôi, giờ trồng sầu riêng thu nhập 1 tỷ đồng/ha, còn trồng điều 35-40 triệu, ông nghĩ chúng tôi nên như thế nào?”, Bộ trưởng kể lại.

Cho rằng đó là “câu trả lời rất đắng lòng” và có những vẫn vấn đề thực tiễn khiến bản thân ông suy nghĩ rất nhiều, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra nhiều giải pháp.

Trong đó, ông nhấn mạnh cần ứng biến theo quy luật thị trường, không thể ngăn bằng công cụ kinh tế khác.

Bộ trưởng cho biết ở Bình Phước đã tổ chức mô hình khuyến nông trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều, để tạo đa tầng giá trị. “Nấm linh chi đỏ đem lại thu nhập rất cao nên bà con giữ được tán điều vì có thêm sinh kế là nấm linh chi đỏ”, ông Hoan nói.

Để bảo vệ giá trị nhãn hiệu, thương hiệu nông sản như sầu riêng, Bộ trưởng nhấn mạnh muốn xây dựng thương hiệu, quy chuẩn, phải có hiệp hội ngành hàng, phải có sự liên kết giữa bà con và các hiệp hội, doanh nghiệp.

Cho biết vừa ký nghị định thư thứ hai để mở thêm cánh cửa xuất khẩu các sản phẩm từ sầu riêng sang Trung Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói đây là niềm vui nhưng cũng kích hoạt nhiều vấn đề.

Đó là, muốn đưa sầu riêng thành sản phẩm quốc gia, phải có thiết chế quốc gia để điều chỉnh, có chính sách chung về khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng nếu muốn đi xa.

“Không thể tiêu thụ hàng hóa nếu không theo tiêu chuẩn thị trường”

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) về giải pháp tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, chủ trương mở cửa thị trường là nhất quán để tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong nước và nước ngoài.

Ông cũng nhấn mạnh yêu cầu chuẩn hóa với hàng hóa nông sản là vấn đề lớn với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như ở nước ta hiện nay.

Theo ông, thời gian qua, nhiều giải pháp đã được thực hiện để mở cửa tiêu thụ nông sản. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương liên tục có những nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản, ngoài việc tiêu thụ trong nước.

Nêu rõ chuẩn hóa tất cả các tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, “chúng ta không thể nói vấn đề tiêu thụ nếu hàng hóa của chúng ta không theo được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi”.

Đặc biệt, theo ông, việc xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục tính manh mún của nền nông nghiệp. Chính sách để liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa phương quan tâm hơn nữa.

Cạnh đó, phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền cũng là một kênh để tiêu thụ những sản phẩm chế biến, tăng giá trị cho nông sản địa phương theo từng cấp độ, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

 “Không tuyệt đối hóa quyền lực Nhà nước trong quản lý nguồn lực thủy sản”

Bên cạnh câu chuyện nông sản Việt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng trả lời nhiều câu hỏi về phát triển ngành Thủy sản, gỡ thẻ vàng (IUU) của Ủy ban châu Âu (EC) về hoạt động thủy sản.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chiến lược Phát triển thủy sản bền vững được Thủ tướng phê duyệt dựa trên 3 trụ cột: Giảm khai thác, Tăng nuôi trồng và Bảo tồn biển. Ba trụ cột này liền mạch với nhau để giải quyết một vấn đề: Làm sao để bảo đảm trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau.

Bộ trưởng khẳng định trong 7 năm qua, chúng ta đã đạt được những thành quả nhất định. Ông dẫn chứng chúng ta đã giảm từ một đội tàu hơn 100 nghìn chiếc xuống còn khoảng 86 nghìn chiếc. 

“Việc giảm gần 20 nghìn tàu trong vòng 7 năm là vấn đề không đơn giản đối với bà con ngư dân, những người vất vả mưu sinh trên biển”, ông Hoan nói. Nhưng theo ông, đối chiếu với các quốc gia lân cận (Thái Lan, Indonesia, Campuchia), bình quân số lượng tàu còn quá nhiều so với vùng biển của chúng ta.

“Có rất nhiều trường hợp, khi của cải ít mà người có nhu cầu nhiều sẽ sinh ra những vấn đề nội tại chúng ta phải giải quyết. Không chỉ là vấn đề IUU mà còn vấn đề phát triển bền vững của nền thủy sản chúng ta”, ông Hoan nhấn mạnh.

Ông cũng thông tin, chúng ta có 28 tỉnh, thành ven biển, cấu trúc ngành Thủy sản hơi rời rạc. Nếu ngành Nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như thế nào thì ngành Ngư nghiệp còn hơn thế. 

“Hơn 500, 600 nghìn ngư dân trên biển hàng ngày khai thác, hầu như rất ít có tổ chức tập thể nào, chỉ từng chủ tàu, từng thuyền trưởng, từng đầu nậu, từng doanh nghiệp đi riêng với nhau”, theo lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Từ đó ông đề nghị các tỉnh các tỉnh ven biển quan tâm nhiều hơn tới các thiết chế quản lý nguồn lợi thủy sản theo hướng cộng đồng. “Nói cách khác, không tuyệt đối hóa quyền lực nhà nước trong quản lý nguồn lực thủy sản”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.

Hương Giang

10:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm