Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Chủ nhật, 15/09/2024 - 11:40
(Thanh tra) - “Chúng ta tránh tình trạng chủ quan, lơ là vì khi lũ rút cũng sẽ phát sinh rất nhiều sự cố gây mất an toàn đê. Sau khi lũ rút, tập trung xử lý các sự cố đê điều để đảm bảo an toàn chống lũ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cảnh báo khi lũ rút sẽ phát sinh rất nhiều sự cố gây mất an toàn đê. Ảnh: N.Bắc
Cảnh báo khi lũ rút sẽ phát sinh rất nhiều sự cố gây mất an toàn đê được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nêu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ngày 15/9.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản tại các địa phương. Đáng lưu ý, lũ lớn, đặc biệt lớn vượt lịch sử xuất hiện trên nhiều tuyến sông và gây ra 305 sự cố, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn hệ thống đê điều.
Tập trung xử lý các sự cố đê điều để đảm bảo an toàn chống lũ
Để sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất sau bão lũ, đồng thời có giải pháp căn cơ lâu dài, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trước mắt, với vùng đồng bằng, ven biển cần tập trung chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều sông Hồng - Thái Bình và khắc phục ngay các sự cố trên các tuyến đê sau lũ.
Bởi theo ông Hoan, hiện nay, lũ trên các triền sông vẫn ở mức rất cao (báo động 3, trên báo động 3), uy hiếp đến an toàn hệ thống đê điều. Do vậy, các địa phương cần tiếp tục triển khai công tác hộ đê, xử lý kịp thời các sự cố đê.
“Chúng ta tránh tình trạng chủ quan, lơ là vì khi lũ rút cũng sẽ phát sinh rất nhiều sự cố gây mất an toàn đê. Sau khi lũ rút, tập trung xử lý các sự cố đê điều để đảm bảo an toàn chống lũ”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị.
Các địa phương, các lực lượng liên quan cần khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời, vận hành các trạm bơm và hệ thống công trình thuỷ lợi để tiêu úng cứu diện tích lúa và hoa màu bị ngập; chuẩn bị sẵn sàng nguồn giống để khôi phục sản xuất ngay sau bão.
“Cần tập trung khắc phục sớm sự cố hệ thống lưới điện, thông tin...", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Với khu vực miền núi phía Bắc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các lực lượng tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất (Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng…).
Các địa phương cũng cần rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân tại khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn bởi nguy cơ cao có thể xảy ra sạt lở sau thời gian mưa lớn kéo dài, đất bão hoà nước.
Cùng với đó, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.
Rà soát, sửa đổi các bất cập trong quy trình vận hành liên hồ chứa
Về lâu dài, bên cạnh thực hiện nghiêm chỉ thị của Ban Bí thư, các luật, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần tăng cường dự báo, cảnh báo, giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, trong đó tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo mưa định lượng mưa phục vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; lập bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp thôn, bản.
“Khẩn trương rà soát, sửa đổi các bất cập trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình”, ông Hoan nói và lưu ý về thời gian mùa lũ, quy định về tích nước sớm, quy định, quy trình trong tình huống khẩn cấp...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lưu ý việc củng cố, nâng cấp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, xây dựng hệ thống cảnh báo xả lũ hồ chứa; vận hành hiệu quả, an toàn công trình hồ chứa và vùng hạ du, nhất là các hồ chứa quan trọng đặc biệt: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang theo quy định.
Các địa phương cần sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu khu vực miền núi đến nơi an toàn; xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu.
Xây dựng, lắp đặt các trạm cảnh báo lũ quét tự động tại những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét; rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân ở nơi ở mới, là những giải pháp lâu dài được Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn nhấn mạnh việc tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi, nhất là các sự cố, công trình đê điều bị sự cố, xung yếu, bị thiệt hại trong đợt mưa lũ; củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển đảm bảo chống chịu được với các trận bão rất mạnh như bão số 3, lũ trên sông vượt lịch sử; bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông.
Trong số những bài học kinh nghiệm rút ra được sau cơn bão số 3, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh việc vận dụng linh hoạt phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với đặc điểm của các hộ dân cư và địa phương, đồng thời phát huy vai trò lực lượng xung kích cơ sở là hết sức cần thiết, cùng với vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định trong giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, nhất là đối với khu vực miền núi có địa hình dễ bị chia cắt.
“Chính quyền các cấp và người dân chủ động trong ứng phó, phát hiện nguy cơ và kịp thời di dời, sơ tán khỏi các khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đã giúp giảm thiểu thiệt hại về người”, Bộ trưởng nói và dẫn chứng việc Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã phát hiện và vận động cả thôn 115 người sơ tán đến nơi an toàn, tránh được thiệt hại do sạt lở đất.
Hay việc 142 giáo viên và học sinh trường Mường Hum, huyện Bát Xát đã sơ tán đến nơi an toàn trước khi cả quả đồi sạt xuống.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sáng 11/12/2024, sau 2,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 26 bước vào phiên họp cuối, thảo luận và biểu quyết thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp.
Trung Hà
14:53 11/12/2024(Thanh tra) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII đã tổ chức phiên thảo luận tại hội trường nhằm đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Bùi Bình
14:35 11/12/2024Trọng Tài
14:34 11/12/2024Hoàng Hiệp
10:54 11/12/2024Hải Hà
10:33 11/12/2024Hương Giang
09:53 11/12/2024Trung Hà
Trung Hà
PV
Hải Hà
ĐT
Văn Thanh
PV
Hải Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trọng Tài
Nam Dũng