Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Nói năng suất lao động Việt Nam thấp hơn Campuchia, tôi không đồng tình”

Hương Giang

Thứ ba, 06/06/2023 - 14:42

(Thanh tra) - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, ông không đồng tình với một số người nói năng suất lao động Việt Nam thấp hơn một số nước bên cạnh chúng ta như Campuchia.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: P.Thắng

Làm thế nào để năng suất lao động thoát “vùng trũng” khu vực ASEAN

Chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) nêu câu hỏi: Người Việt Nam rất thông minh và chịu khó nhưng làm thế nào để năng suất lao động của người Việt Nam phát triển và thoát khỏi vùng trũng khu vực ASEAN và ngang bằng các nước trên thế giới?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, năng suất lao động phụ thuộc vào 2 vấn đề lớn: Công nghệ và kỹ năng, trình độ của người lao động. Trong đó, kỹ năng, trình độ người lao động là một khâu quan trọng.

Thừa nhận thời gian vừa qua năng suất lao động của Việt Nam thấp, song Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Tôi không đồng tình với một số người nói năng suất lao động Việt Nam thấp hơn một số nước bên cạnh chúng ta. Nhiều người nói năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn hơn Campuchia. Không phải, không hoàn toàn thế!

Theo ông, năng suất lao động của Việt Nam có nhiều yếu tố dẫn đến còn thấp.

Đầu tiên là, lực lượng lao động của Việt Nam phân bố ở khu vực nông nghiệp rất cao, làm ra sản phẩm nhiều nhưng giá trị thương mại thấp.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau). Ảnh: P.Thắng

Thứ hai, quy mô lao động của Việt Nam rất lớn. Do đó, cũng công việc ấy đáng lẽ một người làm nhưng chúng ta san sẻ ra cho nhiều người nên năng suất lao động cũng thấp hơn.

Dù vậy, ông Dung thừa nhận năng suất lao động Việt Nam so với mặt bằng chung có thể thấp hơn.

Đề cập giải pháp, ông Dung nói có 3 vấn đề cần chú ý gồm cơ cấu lại lực lượng lao động; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; cùng đó là hạn chế sử dụng lao động trong các ngành nghề thâm dụng lao động.

Sau trả lời này của bộ trưởng, đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) bấm nút tranh luận.

Theo ông Trung Anh, bên cạnh 2 nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp mà bộ trưởng đã giải thích, còn một nguyên nhân nữa rất lớn “là tính chịu trách nhiệm cá nhân còn thấp”.

“Thay vì chịu trách nhiệm cá nhân, một người quyết định công việc thì ta tổ chức cuộc họp, vì vậy năng suất chỉ bằng 1/10 số lượng người tham gia cuộc họp đó, ông Bế Trung Anh nói.

Từ đó, ông cho rằng, nếu nhìn nhận nguyên nhân còn thiếu từ quy trình, thủ tục giải quyết công việc dẫn đến sẽ triệt tiêu ngay giải pháp phối hợp với các bộ, ngành khác để có 1 giải pháp tốt hơn việc nâng cao năng suất lao động.

Lao động bị lừa đi lao động nước ngoài chủ yếu là qua “công ty ma”

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) nói việc lao động Việt Nam bỏ trốn khi lao động tại nước ngoài ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia và nhiều lao động khác có ý định xuất khẩu lao động. Dù đã có chế tài nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ở một số nước là thị trường xuất khẩu lao động sôi động.

Theo Bộ trưởng, cần có giải pháp gì? Ông Minh hỏi.

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình). Ảnh: P.Thắng

Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài rồi ở lại, không về nước theo đúng thời gian hiện nay không bức xúc bằng năm 2017.

Thời điểm đó, ông cũng trả lời chất vấn Quốc hội, đã báo cáo gần 52,5% lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc khiến nước này dừng nhận lao động Việt Nam.

Sau đó, Việt Nam kiên trì thực hiện các giải pháp, phía nước bạn xử lý hình sự những người trốn ở lại. Đến nay, theo yêu cầu của Hàn Quốc, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dừng xuất khẩu lao động ở 18 huyện của 9 tỉnh có tỷ lệ lao động trốn ở lại nhiều, dó đó, chỉ còn 24,6% lao động hết hợp đồng không về nước.

“Bộ sẽ tiếp tục cùng các địa phương cố gắng làm tốt hơn công việc này”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Trả lời chất vấn về các trường hợp lao động bị lừa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, phần đông lao động bị lừa là “công ty ma”, “công ty không được cấp phép” hoặc lừa đảo.

Theo ông, có 2 dạng lừa đảo người lao động. Đó là, lừa để thu tiền môi giới cao hơn; hai là lừa đi không đúng ngành nghề đào tạo, sang không đúng việc làm nên phải trả về.

Thời gian qua, bộ cũng xử phạt nhiều, trong năm 2022 đã thanh tra, xử phạt 62 doanh nghiệp và 4 doanh nghiệp thu hồi giấy phép.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là giải pháp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận công nghệ, tác phong làm việc mới.

Năm 2022, Việt Nam có 142.000 lao động đi nước ngoài, tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Trong đó, ba nước trả thu nhập cao như Đức (2.500 Ero), Hàn Quốc (1.800 USD), Nhật Bản (1.500 USD), còn các nước khác chỉ 600-700 USD.

Theo ông Dung, các nước đều đánh giá lao động Việt Nam có ý thức, kỹ năng, hiệu suất công việc tốt, nhưng ngoại ngữ còn kém, tổ chức kỷ luật của một bộ phận không tốt (trốn ở lại, đánh nhau, vi phạm pháp luật).

“Chúng tôi tiếp tục đàm phán, lựa chọn những địa bàn, khu vực, vùng miền và những đối tác có hiệu quả. Bản thân chúng ta cũng cần lao động rồi, nên nếu không có thu nhập cao, không có môi trường tốt thì không đưa lao động đi nước ngoài”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý lao động đi và về. Người lừa đảo lao động đi nước ngoài sẽ bị xử lý, theo ông Dung.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất