Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Công an: “Xuất hiện tội phạm cộm cán, “có số, có má” điều hành doanh nghiệp

Thứ tư, 21/09/2016 - 20:44

(Thanh tra) - Chiều ngày 21/9, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin như vậy để nhấn mạnh rằng, nhận định của Chính phủ về vi phạm pháp luật phổ biến, đa dạng, tội phạm diễn biến phức tạp là đúng tình hình thực tế.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 21/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và phòng, chống tham nhũng.

Phát hiện, khởi tố, điều tra 1.165 vụ án kinh tế và tham nhũng

Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2016, diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm đã được kiềm chế, giảm đáng kể, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ở một số địa bàn trọng điểm vẫn còn diễn biến phức tạp, nổi lên số đối tượng phản động lưu vong chống đối trong nước liên kết với nước ngoài tăng; tình trạng bỏ lọt bí mật trên mạng Internet xảy ra nghiêm trọng, an ninh, an toàn mạng tiếp tục bị đe dọa.

Tội phạm có tổ chức, nhất là băng nhóm đâm thuê, truy sát nhau, siết nợ, tổ chức đánh bạc, cá độ có dấu hiệu phức tạp; số vụ giết người tăng cao; tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp.

Kết quả thống kê, theo dõi cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật chưa giảm, diễn ra khá phổ biến, đa dạng và phức tạp ở nhiều lĩnh vực, chủ yếu là trong các lĩnh vực: An toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, thuế, môi trường, xây dựng, bảo hiểm, an toàn thực phẩm, thuế, hải quan, xây dựng đất đai, xuất nhập khẩu, tài nguyên khoáng sản…

Từ ngày 1/10/2015 đến 31/7/2016, các cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố, điều tra 1.165 vụ án kinh tế và tham nhũng, 1.794 bị can về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, ít hơn cả số vụ và số bị can so với cùng kỳ năm 2015.

“Qua điều tra, hành vi của các loại tội phạm này ngày càng tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, giao thông cơ bản, chính sách xã hội”, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành cho biết.

“Đèn đỏ, không có cảnh sát là vượt, nhân dân vượt, cán bộ vượt”

Trước một số ý kiến băn khoăn về đánh giá vi phạm pháp luật phổ biến, đa dạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng nhận định như báo cáo là đúng tình hình thực tế. Đơn cử như vi phạm Luật Giao thông là tràn lan, phổ biến.

“Đèn đỏ vẫn vượt mà có người còn hoan nghênh hành vi đó. Cảnh sát giao thông trong 6 tháng đầu năm xử phạt hơn 2 triệu trường hợp với số tiền gần 2.000 tỷ đồng. Công an không muốn tăng số phạt nhưng so với mức độ hiện thực vi phạm chưa ăn thua! Cái đó ai cũng nhìn thấy… Đèn đỏ, không có cảnh sát là vượt, nhân dân vượt, cán bộ vượt, ai cũng có thể đi được” - Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chứng và đề nghị cần nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục để tăng cường kỷ cương kỷ luật.

Về diễn biến tình hình tội phạm, Bộ trưởng Công an cũng nhấn mạnh là còn phức tạp. Đáng lưu ý, theo thống kê cho thấy tội phạm ngày càng trẻ hoá, đối tượng từ 18 - 30 tuổi chiếm đến 78%, trong đó chủ yếu là thanh thiếu niên. 

“Thanh thiếu niên tụ tập thành băng nhóm rất nhanh. Có những vùng thôn quê yên ả vừa qua tội phạm băng nhóm tập trung đến cả trăm người rồi sử dụng hung khí. Nguyên nhân thì rất nhiều, nhưng phần lớn đối tượng này đều có hoành cảnh khó khăn, gia đình thiếu gương mẫu, bạo lực gia đình...”, ông Tô Lâm nói.

Cũng theo ông Tô Lâm, diễn biến tội phạm doanh nghiệp đang ở mức độ đáng báo động. “Xuất hiện loại tội phạm cộm cán, “có số có má” quay lại điều hành doanh nghiệp. Ví dụ việc khai thác mỏ ở một số nơi có dấu hiệu bảo kê. Hoặc lập ra doanh nghiệp chuyên san lấp mặt bằng, vận chuyển khai thác cát, sỏi… nhưng dưới cái mác đó là đàn em xăm trổ giành giật thị trường, đe doạ, bắn giết nhau”, Bộ trưởng nêu.

Hay trong lúc đời sống khó khăn thì đang phát triển “tín dụng đen” cho vay nặng lãi nhưng rồi cho “tay chân” đi đòi nợ cướp đất, cướp nhà. Các tội liên quan gian lận thương mại, trốn thuế... chính là các doanh nghiệp vi phạm.

Còn khoảng trống pháp luật

Chính phủ cho rằng, nguyên nhân tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp là do công tác lãnh đạo, quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực còn sơ hở, thiếu sót; công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả chưa cao; một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đề cao ý thức trách nhiệm khi thi hành công vụ, nhiệm vụ, thậm chí tiêu cực vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, trách nhiệm người đứng đầu ở các cơ quan quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực có nơi chưa được xem xét, xử lý nghiêm, kịp thời; sự xuống cấp đạo đức nhất là trong thanh thiếu niên đang báo động; số người nghiện ma túy ngoài xã hội còn nhiều là nguyên nhân làm nảy sinh tội phạm; trình độ năng lực một bộ phận cán bộ trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm chưa đáp ứng yêu cầu nhất là trong lĩnh vực phòng ngừa chống tội phạm công nghệ cao, yếu tố nước ngoài…

Bộ trưởng Bộ Công an còn bày tỏ băn khoăn về những khoảng trống trong luật pháp. “Hành vi trộm cắp, cướp giật xét về phong tục tập quán là không chấp nhận được, dù là cướp cái gì, vì gây mất an toàn xã hội. Quy định từ 2 triệu trở lên mới bị xử lý thì rất khó, dẫn đến có loại ăn cắp cứ 1,8 hay 1,9 triệu là không bị xử lý. Rồi việc giám định cũng phức tạp, cái xe đạp người này nói 2,1 triệu nhưng người kia nói 1,9 triệu”, ông Tô Lâm nêu ví dụ.

Theo ông Lâm, nếu công an không giải quyết thì dân tự xử, dẫn đến chuyện cả làng đánh chết đối tượng trộm chó vì bức xúc. “Hôm nay cướp giật một bánh mì, ngày mai ăn cướp hai bánh mì thì vẫn là bánh mì, nhưng hành vi ăn cướp là không chấp nhận được” - Bộ trưởng Công an nhấn mạnh. 

Không phải mọi nội dung đều “mật”

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, trong các nội dung về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều vấn đề cần công khai, minh bạch. Đó là những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, thậm chí liên quan đến quyền được sống của con người. Trong khi đó, các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao lâu nay vẫn được đóng dấu mật. Do vậy, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng buộc phải đóng dấu mật vào bản báo cáo thẩm tra của mình.

Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị, Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao bóc tách nội dung các báo cáo, tập hợp những vấn đề cần đóng dấu mật thành báo cáo riêng, những nội dung còn lại thì công khai để bảo đảm tính minh bạch.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm