Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá

Trần Lê

Thứ bảy, 18/07/2020 - 15:50

(Thanh tra) - Chiều 17/7, tại phòng họp Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá. Nội dung, chính thức thông qua Đề án và đồng ý ban hành Nghị quyết về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: TL

Tham dự buổi làm việc có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành cơ quan Trung ương. Về phía tỉnh Thanh Hóa có Bí thư Tỉnh ủy, Trịnh Văn Chiến; Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Bộ Chính trị đồng ý cho lập Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đưa ra bàn bạc, thảo luận để quyết định việc ban hành nghị quyết về đề án này. Đặc biệt, sự kiện này diễn ra trước thời điểm Thanh Hoá tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh là điều kiện rất tốt để Thanh Hóa xác định đúng đường hướng phát triển trong nhiệm kỳ tới và nếu đề án được thông qua, nghị quyết được ban hành sẽ là dấu mốc đặc biệt quan trọng để tỉnh Thanh Hoá bứt phá mạnh mẽ, trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ căn dặn.

Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ảnh: TL

Đối với Thanh Hóa trong giai đoạn 2011-2020, được sự quan tâm của Trung ương cùng sự đoàn kết và nỗ lực của cả tỉnh, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng nhanh và đột phá, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Năm 2020 quy mô của nền kinh tế lớn hơn gấp 4,5 lần so với năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước; thu ngân sách tăng đột phá và khá bền vững, đứng đầu khu vực và thứ 11 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu kinh tế Nghi Sơn; du lịch hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. GRDP bình quân đầu người của Thanh Hóa năm 2020 ước đạt 2.670 USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, gấp 3,3 lần năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Hơn 60.000 lao động được giải quyết việc làm trung bình mỗi năm. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tể - xã hội phát triển. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, sáng tạo. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được chăm lo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Chất lượng giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; ngành y tế có bước phát triển mạnh. Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém.

Sau khi nghe, các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị đánh giá cao chất lượng “Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hoá xây dựng, đồng thời cho rằng: Thanh Hoá có đầy đủ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và có lợi thế cạnh tranh đặc biệt để bứt phá. Thực tế, 10 năm qua, Thanh Hoá đã có sự phát triển vượt bậc, nhất là về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và thu hút đầu tư. Tuy nhiên Thanh Hoá còn nghèo, bình quân đầu người thấp so với bình quân chung cả nước và cách rất xa so với mục tiêu đề án. Thanh Hoá phải tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục cải cách hành chính; đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong chính quyền và trong toàn hệ thống; huy động mọi nguồn lực để tập trung phát triển triển hạ tầng giao thông, phát triển khu vực miền núi và nghiên cứu để có được những cơ chế, chính sách phù hợp làm động lực cho sự phát triển; tăng cường liên kết vùng bởi chỉ Thanh Hoá mới có thể vừa kết nối với vùng Bắc miền Trung, vừa kết nối với cả vùng Tây Bắc và kết nối ra biển; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng, xây dựng thế trận lòng dân, an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân để đảm bảo sự phát triển bền vững….

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trịnh Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TL

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, đồng thời thống nhất thông qua Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và đồng ý ban hành nghị quyết về “ Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Thay mặt cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Bí thư Tỉnh uỷ, Trịnh Văn Chiến bày tỏ lòng cảm ơn, sự quan tâm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị đồng thời thể hiện quyết tâm: Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, là dấu mốc lịch sử đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa... Mục tiêu Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa xác định là phải vươn lên mạnh mẽ, để có thể thực hiện được 2 việc: Thứ nhất, Thanh Hóa phải lo cho chính mình, giảm gánh nặng cho Trung ương. Thứ hai, tiến tới đóng góp xứng đáng cho Trung ương, như đã đóng góp rất to lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ trước đến nay. Thanh Hoá quyết tâm đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn để thực hiện thắng lợi mục tiêu, trước mắt là mục tiêu đến 2025, từng bước hiện thực hóa lời dạy của Bác Hồ đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm