Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ban Kinh tế Trung ương gợi mở nhiều quyết sách chiến lược cho Hà Nội

Thứ năm, 26/12/2013 - 08:51

(Thanh tra) - Tại buổi làm việc giữa Ban Kinh tế Trung ương và Thành ủy Hà Nội chiều 25/12, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và các Phó Trưởng ban đã có những gợi mở nhiều quyết sách chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và các Phó Trưởng ban đã có những gợi mở nhiều quyết sách chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm

Tại buổi làm việc, Thành ủy Hà Nội đã báo cáo với Ban Kinh tế Trung ương kết quả thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020; tình hình triển khai và kết quả thực hiện Luật Thủ đô; kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2010 - 2015, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trong 2 năm còn lại; tình hình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là ba khâu đột phá chiến lược trên địa bàn TP; kết cấu hạ tầng đô thị, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và một số nội dung quan trọng khác.

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết: Trong bối cảnh khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội vẫn đạt cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đạt kết quả tốt. Trong những năm qua, Hà Nội tạo nhiều đột phá trong phát triển cơ sở hạ tầng; nông nghiệp, nông thôn có nhiều đổi mới; sự nghiệp văn hóa, khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa ngày càng chú trọng. Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nửa đầu nhiệm kỳ 2011 - 2013, kinh tế duy trì ổn định và đạt mức khá, lạm phát được kiềm chế, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Riêng thu ngân sách năm 2013 đạt 162.035 tỷ đồng, vượt 0,3% dự toán năm, tăng 10% so với năm 2012 và là địa phương thực hiện tốt thu ngân sách năm; đóng góp 10,1% GDP, 7,5% kim ngạch xuất khẩu; 17,2% thu ngân sách và 21,64% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước. Kinh tế Thủ đô luôn cố gắng phấn đấu xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển kinh tế khu vực phía Bắc và ngày càng giữ vị trí quan trọng đối với kinh tế của cả nước.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn đánh giá thời gian qua, sức lan tỏa của Thủ đô đối với cả nước chưa cao; sự phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh, thành khác có nhiều việc chưa tốt; quy hoạch và quản lý quy hoạch còn bất cập… Vì vậy, để Hà Nội phát triển xứng tầm với vị thế là Thủ đô, tới đây các cấp ban, ngành cần nỗ lực nhiều hơn nữa và cần gương mẫu, đi đầu trên tất cả mọi lĩnh vực.

Thay mặt Thành ủy Hà Nội, Bí thư Phạm Quang Nghị kiến nghị với Bộ Chính trị và các cơ quan Trung ương tăng cường phân cấp cho Hà Nội đối với các lĩnh vực, vấn đề cụ thể như đầu tư, tài chính… để tăng tính tự chủ cho TP trong giải quyết công việc của Thủ đô; Chính phủ bố trí vốn ngân sách Trung ương hằng năm để hỗ trợ Hà Nội đầu tư cho các dự án, công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn; các cơ quan Trung ương phối hợp xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch ngành liên quan đến TP như giao thông, thủy lợi, y tế, đào tạo...; hỗ trợ, tạo điều kiện cho TP thu hút đầu tư phát triển các khu công nghệ cao, các dịch vụ cao cấp; đồng thời, tích cực chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương xây dựng và thực hiện kế hoạch với lộ trình cụ thể di dời các trụ sở làm việc của các cơ quan Trung ương, trường đại học, bệnh viện và các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Trung ương ra ngoại thành và bàn giao lại các cơ sở cũ cho Hà Nội quản lý, khai thác, sử dụng phục vụ phát triển cộng đồng…

GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và các Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá rất cao nỗ lực vượt bậc của Hà Nội trong bối cảnh kinh tế khó khăn trong 3 năm qua. Trong đó, việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao hơn trung bình cả nước 1,5 lần, hoàn thành mức thu ngân sách theo dự toán pháp lệnh của Hà Nội đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của cả nước và bảo đảm nguồn chi cho đầu tư cho phát triển. Hà Nội cũng là một trong những địa phương thực hiện các giải pháp vĩ mô của Trung ương một cách bài bản, duy trì môi trường vĩ mô ổn định. Đoàn công tác cũng đánh giá cao kết quả trên một số lĩnh vực khác, nổi bật là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm an ninh trật tự, thu hút đầu tư xây dựng.

Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Hà Nội cần phải cố gắng hơn nữa để tạo sức lan tỏa về kinh tế đối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, khắc phục tốt hơn những vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp đang đặt ra như ô nhiễm môi trường, văn hóa giao thông, đô thị...

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Hà Nội chủ động hơn, sáng tạo hơn trong việc phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành để cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, phát triển nguồn nhân lực… để tạo đà cho TP có đột phá mới và phát triển mạnh mẽ hơn. Về tái cơ cấu kinh tế, đề nghị Hà Nội nên xây dựng kế hoạch tái cơ cấu kinh tế riêng trên nền các giải pháp của Chính phủ; đồng thời, Hà Nội cần cụ thể hóa quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tích cực tái cơ cấu nền kinh tế trọng tâm đến tái cơ cấu ngành, nhất là ngành nông nghiệp, chú trọng tới xây dựng các đề án tái cấu trúc công nghiệp, dịch vụ (đề án thành phần) khi thực hiện tái cơ cấu. Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong quá trình phát triển; đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh; nâng cao năng lực quản lý điều hành… phấn đấu để Thủ đô là địa phương đi đầu, về đích trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - GS.TS Vương Đình Huệ khẳng định Ban Kinh tế Trung ương sẽ theo dõi sát sao, tích cực phối hợp cùng TP Hà Nội tháo gỡ từng bước những khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện tốt nhất các giải pháp phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.

Tiếp thu ý kiến của đoàn công tác, một lần nữa, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đề nghị Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm hơn nữa, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ hơn nữa đối với TP trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi lời cảm ơn Trưởng Ban và Đoàn Công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã dành thời gian về làm việc với Hà Nội để Thành ủy có cơ hội báo cáo, buổi làm việc hết sức bổ ích, hai bên đã cùng nhau trao đổi cởi mở, thẳng thắn, có chiều sâu, Thành ủy Hà Nội ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, gợi ý quan trọng của Ban Kinh tế Trung ương và sẽ đưa vào chương trình công tác lãnh đạo, chỉ đạo của TP trong thời gian tới.


Nguyễn Thanh Liêm

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm