Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

An toàn thực phẩm: Có nơi đến giới hạn đỏ, trách nhiệm các bộ thế nào?

Thứ năm, 16/02/2017 - 07:44

(Thanh tra) - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm diễn ra thường xuyên nhưng qua giám sát thực tế thấy tình hình ở nhiều địa phương đã ở mức báo động, có nơi đến giới hạn đỏ. Vậy trách nhiệm các bộ, ngành thế nào?

Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm nhiều, nhưng tình hình an toàn thực phẩm ở các địa phương vẫn được đánh giá đang ở mức báo động. Ảnh minh họa, nguồn Internet

Ngày 15/2, Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với 3 Bộ (Công thương, Y tế, Nông nghiệp Phát triển và Nông thôn) về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016". Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Trường Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.

Mỗi năm, 5 nghìn người mắc và gần 30 người chết do ngộ độc thực phẩm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hệ thống văn bản về quản lý an toàn thực phẩm đã được ban hành đầy đủ. Tuy nhiên, còn một số văn bản triển khai trong thực tiễn còn khó khăn do thiếu nguồn lực.

Nhất là, việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; giết mổ không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm... còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

Kết quả khảo sát liên tục từ năm 2011 đến 2016 của Bộ Y tế cho thấy, toàn quốc đã ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 30 nghìn người mắc, trong đó có 164 người chết. Tính trung bình có gần 170 vụ với hơn 5 nghìn người mắc và gần 30 người chết do ngộ độc thực phẩm mỗi năm.

Báo cáo của Bộ Y tế cũng ghi nhận nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể vẫn còn rất cao.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế, nguyên nhân chủ quan là do nhận thức cán bộ nhận thức chưa đầy đủ, ý thức trách nhiệm người sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Tổ trưởng tổ giúp việc cho Đoàn giám sát còn chỉ ra, do ban hành văn bản tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa kịp thời, đôi khi còn chồng chéo. Một sản phẩm mà 3 Bộ quản lý nên công tác thanh tra, kiểm tra diễn ra phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Quản lý vật tư đầu vào không chặt chẽ thì khó đảm bảo đầu ra an toàn”, ông Tiến nói và cho biết, qua giám sát trao đổi với địa phương thấy những vụ vi phạm đều có quan hệ họ hàng, hàng xóm cho nên xử phạt không nghiêm.

Thanh tra, kiểm tra nhiều, chỉ cảnh báo, giáo dục thì “không đủ liều”

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, công tác thanh tra, kiểm tra diễn ra thường xuyên nhưng qua giám sát thực tế thấy tình hình ở nhiều địa phương đã ở mức báo động, có nơi đến giới hạn đỏ. Vậy trách nhiệm các bộ, ngành như thế nào?

Toàn cảnh buổi làm việc

Trong 5 năm, bình quân 1 năm có 30 ngàn đoàn thanh, kiểm tra được trên 3 triệu cơ sở, phát hiện 20% vi phạm. Nhưng tính ra mỗi cuộc chỉ phạt được 200 ngàn đồng, không bằng xử phạt vi phạm an toàn giao thông, trong khi vi phạm rất nghiêm trọng.

“Hầu như không có vụ nào xử lý hình sự trong khi có nhiều vụ nghiêm trọng", Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá và dẫn chứng như báo chí đưa tin, ruốc bán 120 nghìn cân, kiểm tra thấy 2/3 là bột mà cơ sở ở ngay gần trụ sở xã. 

"Đó là câu chuyện cần đặt ra. Vậy mà các cuộc kiểm tra đều không biết. Đó là do thiếu người hay chúng ta chưa vào cuộc? Trách nhiệm của các Bộ thế nào? Người đứng đầu địa phương để cho vi phạm ở các cấp xã, phường thế nào?. Nơi nào xảy ra vi phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chứ không thể Chủ tịch xã không biết. Không thể để vì lợi ích thành tích của địa phương mà quên đi lợi ích của cộng đồng?”, ông Hiển nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh nêu, có thực trạng khi đi kiểm tra, có cán bộ nhắn tin cho cơ sở biết nên đến kiểm tra rất đẹp, nhưng sau đó thực tế lại rất khác. Quy trách nhiệm cán bộ thế thế nào? Chúng ta xử phạt cán bộ thông đồng thế nào?

Giải trình tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngoài 3 Bộ phải chịu trách nhiệm trong quá trình thực thi, thì còn có  chính quyền địa phương các cấp.

“Nơi sản xuất rượu giả, thực phẩm bẩn thì chắc chắn Công an xã, Trưởng thôn, Trưởng ấp phải biết. Gần đây thanh, kiểm tra rất quyết liệt nhưng chính là do xử phạt chưa nghiêm minh, còn nể nang, tránh né”, Bộ trưởng Y tế phân trần.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình thêm, thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng vẫn thế là do chỉ cảnh báo, giáo dục là “không đủ liều”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, không thể cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn mà địa phương không biết. Cho nên, Bộ đã tham mưu Chính phủ trong quá trình xây dựng nông thôn mới phải đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm. Qua đó, để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chống lại mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều vấn đề chưa làm được. Cho nên, báo cáo của các bộ cần đề xuất những giải pháp, kiến nghị cụ thể sát với thực tế tình hình, tránh đưa ra những đánh giá, giải pháp chung chung.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm