Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

5 năm tới, thu ngân sách 6.864 nghìn tỷ, chi khoảng 8.025 nghìn tỷ

Thứ tư, 09/11/2016 - 11:02

(Thanh tra) - Sáng ngày 9/11, với tỷ lệ tán thành 86,64%, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm (trong đó có nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020).

ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết

Bội chi không quá 3,9% GDP

5 năm tới, phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước khoảng 6.864 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011 - 2015; bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước không thấp hơn 23,5%GDP, trong đó thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84 - 85% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tích cực. Tổng chi ngân sách Nhà nước cả giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 8.025 nghìn tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25 - 26% tổng chi ngân sách Nhà nước; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách nhà nước. Ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.

Tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước cả giai đoạn 2016 - 2020 không quá 3,9% GDP, trong đó bội chi ngân sách Trung ương không quá 3,7% GDP và bội chi ngân sách địa phương không quá 0,2% GDP.

Phấn đấu giảm mạnh bội chi ngân sách Nhà nước để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP, nhằm thực hiện cân đối ngân sách Nhà nước tích cực, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.

Triệt để tiết kiệm chi

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn 2011 - 2015, bội chi ở mức cao, gây áp lực nợ công lớn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, đề nghị giảm bội chi không quá 3,7% GDP.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong bối cảnh kinh tế phát triển không thuận lợi một số năm gần đây, tăng trưởng thấp hơn dự kiến, ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước, trong khi, nhu cầu đầu tư phát triển ngày càng lớn, nhiều chính sách an sinh xã hội đã ban hành cần có nguồn lực để bố trí thực hiện, do vậy, bội chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 không kiểm soát được như kế hoạch đề ra.

Mức bội chi hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định, bao gồm cả việc điều chỉnh lại bội chi ngân sách Nhà nước.

“Việc giảm bội chi ở mức không quá 3,7% GDP giai đoạn 2016 - 2020 cần được cân nhắc, do dẫn đến thay đổi lại phương án cân đối ngân sách Nhà nước”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình.

Do vậy, để bảo đảm có nguồn thực hiện các nhiệm vụ theo định hướng, kế hoạch đã xây dựng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như phương án Chính phủ trình là 3,9% GDP.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ trong giai đoạn 2016 - 2020 cần kiên quyết, kiên trì giữ vững kỷ luật, kỷ cương tài chính, phải giảm mạnh bội chi ngân sách Nhà nước để nợ công không vượt giới hạn cho phép; triệt để tiết kiệm chi.

Cùng với đó, ban hành các chính sách làm tăng chi ngân sách Nhà nước phải căn cứ khả năng nguồn lực; kế hoạch đầu tư công trung hạn phải nằm trong kế hoạch tài chính 5 năm.

Tăng lương cơ sở bình quân 7%/năm

Theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua, giai đoạn 2016 - 2020, sẽ bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế trực thu và thuế gián thu; tăng tỷ trọng thu nội địa; giảm tỷ trọng các khoản thu từ dầu thô, tài nguyên, xuất nhập khẩu; khai thác tốt nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Thực hiện cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do, hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu thuế, giảm mạnh nợ đọng thuế và các khoản thu ngân sách Nhà nước. Hạn chế tối đa việc đề ra các chính sách làm giảm thu ngân sách Nhà nước.

Trong chi ngân sách, phấn đấu bảo đảm 20% tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục, đào tạo; 2% tổng chi ngân sách cho khoa học công nghệ. Điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công tăng bình quân khoảng 7%/năm…

Cơ cấu lại các khoản nợ công, giảm tỷ trọng nợ nước ngoài, tăng tỷ trọng nợ trong nước. Xây dựng thị trường trái phiếu, hạn chế phát hành trái phiếu quốc tế, giữ kỳ hạn trái phiếu Chính phủ trên 5 năm là chủ yếu, nâng kỳ hạn trung bình trái phiếu Chính phủ phát hành trong giai đoạn 2016 - 2020 lên khoảng 6 - 8 năm.

Để đạt được mục tiêu, Quốc hội đề ra một loạt nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Bên cạnh sắp xếp các khoản chi, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, thu, chi ngân sách Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và đơn vị trong việc quản lý ngân sách Nhà nước...

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm