Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 26/05/2014 - 09:51
Những biện minh của Trung Quốc về vị trí đặt giàn khoan thuộc vùng biển chủ quyền của mình là hoàn toàn phi lý và phi pháp.
TS Ngô Hữu Phước
Để biện minh cho hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trong việc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc (TQ) lập luận vị trí đặt giàn khoan cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa (TQ gọi là Tây Sa) khoảng 17 hải lý nên hiển nhiên nằm trong lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của quần đảo Tây Sa mà TQ đang chiếm giữ. Trong khi đó, vị trí này cách bờ biển Việt Nam khoảng 130 hải lý.
Đó là một lập luận ngang ngược, hoàn toàn trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà TQ là thành viên đã ký năm 1982 và phê chuẩn năm 1996.
Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi ở Hoàng Sa
Về mặt pháp lý thì quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Tri Tôn chưa bao giờ thuộc chủ quyền của TQ. Với những bằng chứng lịch sử và pháp lý mà Việt Nam đang có hiện nay, chúng ta hoàn toàn có quyền khẳng định rằng Việt Nam là quốc gia đầu tiên phát hiện và xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa một cách hòa bình, liên tục từ thế kỷ thứ XVII, phù hợp với nguyên tắc phát hiện và chiếm hữu thực chất - nguyên tắc quan trọng nhất trong việc xác định chủ quyền của quốc gia đối với lãnh thổ được luật pháp quốc tế công nhận cho đến năm 1974 khi TQ dùng vũ lực xâm lược quần đảo này.
Có thể kể ra đây các bằng chứng lịch sử, pháp lý điển hình như việc Chúa Nguyễn lập“đội Hoàng Sa”, “đội Bắc Hải” để khai thác tài nguyên và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa đã được ghi nhận trong các tài liệu lịch sử như Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá Tự Công Đạo (1686), Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776), Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821), Đại Nam thực lục chính biên (1844-1848), Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (1910)… cũng đều thừa nhận điều này. Đồng thời, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Parasels - Hoàng Sa cũng được thừa nhận trong nhiều tài liệu của nước ngoài như Hải ngoại ký sự (1696) của Thích Đại Sán, Nhật ký Batavia (1631-1636) của Công ty Ấn Độ - Hà Lan, An Nam đại quốc họa đồ(1838) của Taberd. Đặc biệt là bộ Atlas của nhà địa lý học người Pháp Philippe Vandermaelen (1795-1869) xuất bản năm 1827 tại Bruxelles đã ghi nhận Parasels - Hoàng Sa thuộc chủ quyền của đế chế An Nam (Empire d’An-nam). Các châu bản của triều đình nhà Nguyễn đã ban bố liên quan đến quản lý và bảo vệ Hoàng Sa; các hoạt động dựng bia, cắm mốc chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa liên tục trong các năm 1816, 1834, 1835 và 1836.
Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, Pháp cũng đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa bằng việc tiến hành tuần tra, kiểm soát và đưa quân ra chiếm đóng trên các đảo. Trong các năm 1931, 1932, Pháp đã liên tục phản đối việc TQ đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngày 6-9-1951, tại Hội nghị San Francisco, Trần Văn Hữu, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ miền Nam Việt Nam, đã chính thức tuyên bố và khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo và không gặp sự phản đối nào. Tuyên bố có đoạn nêu rõ: “Và cũng vì cần phải lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Spratlys và Paracels, tạo thành một phần của Việt Nam”.
Tiếp đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đóng quân trên hai quần đảo, đảm nhiệm việc quản lý hai quần đảo theo đúng trách nhiệm theo Hiệp định Genève năm 1954. Còn TQ, cho đến năm 1909 họ mới nói đến câu chuyện Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam). Và sau hai lần (lần một năm 1956, lần hai năm 1974), TQ đã sử dụng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Tri Tôn của Việt Nam. Trong khi đó, trong hơn 24 bộ chính sử của TQ, hơn 200 cuốn sách giáo khoa về lịch sử của TQ từ trước đến khi họ xâm lược Hoàng Sa không có tấm bản đồ nào, dòng nào nói rằng Hoàng Sa là của họ cả.
Từ những thông tin cơ bản nêu trên để khẳng định rằng theo luật pháp quốc tế,Việt Nam là quốc gia đầu tiên phát hiện, chiếm hữu và xác lập chủ quyền với quần đảo Hoàng sa một cách hòa bình, liên tục từ thế kỷ XVII đến nay và chưa bao giờ Việt Nam từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa ngay cả khi quần đảo thiêng liêng này đã bị TQ xâm lược và chiếm đóng trái phép từ năm 1974 đến nay.
Tri Tôn không được hưởng quy chế pháp lý của đảo
Tri Tôn là bãi đá cạn, không được hưởng quy chế pháp lý của đảo theo Điều 121 của UNCLOS.
Theo Điều 121 của UNCLOS, đảo là vùng đất tự nhiên, có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn nổi trên mặt nước (khoản 1); với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác (khoản 2); những đảo đá không thích hợp cho người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (khoản 3). Có nghĩa là nếu đảo thích hợp cho người đến ở, có một đời sống kinh tế riêng (có người dân cư, có sinh hoạt cộng đồng, có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, khai thác thủy hải sản, trồng trọt, chăn nuôi… trên đảo) thì đảo đó có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như là đất liền. Ngược lại, nếu đảo không thích hợp cho người đến ở, không có đời sống kinh tế riêng thì chỉ có lãnh hải 12 hải lý, không có đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Theo đó, Tri Tôn không có quy chế pháp lý đảo theo quy định tại Điều 121 của UNCLOS, mà đây thực chất là một bãi cạn, khi thủy triều lên thì bị nước biển che khuất.
Theo quy định tại Điều 13 của UNCLOS, “Bãi cạn lúc chìm lúc nổi” (haut-fonds découvrants) là những vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước. Khi toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải. Khi các bãi cạn lúc chìm lúc nổi hoàn toàn ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải thì bãi cạn đó không có lãnh hải riêng.
Từ năm 1977 khi TQ chiếm đóng trái phép của ta, liên tục những năm sau đó, mà gần đây nhất là năm 2010 họ cho xây dựng kè, tôn tạo chiều cao để biến Tri Tôn thành một hòn đảo. Nhưng vì TQ chiếm đóng trái phép bãi cạn này của Việt Nam cho nên các hoạt động trên là bất hợp pháp. Vì thế, bãi cạn Tri Tôn dù TQ có biến nó thành gì cũng không hưởng quy chế pháp lý đảo như đã nói trên đây, nghĩa là không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như TQ lập luận.
Mặt khác, căn cứ vào Điều 57 của UNCLOS, Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, điều này đã được khẳng định tại Điểm 4 của tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ CHXHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và tiếp tục được quy định rõ tại Điều 15 của Luật Biển Việt Nam năm 2012.
Tôi khẳng định rằng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bao trùm cả bãi cạn Tri Tôn. Do vậy, vị trí mà TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam nên không có cớ gì và không có cơ sở pháp lý nào để TQ ngang nhiên cho rằng vị trí đặt giàn khoan Hải Dương 981 cách Tri Tôn 17 hải lý là thuộc vùng biển thuộc chủ quyền của họ.
Theo Pháp luật TP. HCM
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hôm nay (11/12), tại Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Hội nghị Đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44.
Trần Quý
17:45 11/12/2024(Thanh tra) - Hôm nay (10/12), trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 16 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội kiến Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Hàn Chính.
T.Thanh
15:02 10/12/2024Hoàng Nam
21:46 05/12/2024T.Lương
21:25 05/12/2024T.Thanh
18:49 05/12/2024Hương Giang
Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Bùi Bình
Hải Hà