Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dựa trên căn cứ pháp lý rõ ràng, không thể phủ nhận

Thứ hai, 20/07/2015 - 21:22

Đã có năm hiệp định, hiệp ước được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia thống nhất thỏa thuận.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen chứng kiến lễ khánh thành cột mốc 314 trên đất liền giữa Việt Nam-Campuchia ngày 24-6-2012. Ảnh: TTXVN

“Việt Nam-Campuchia đã trải qua một quá trình thương lượng, đàm phán hết sức nghiêm túc, thiện chí, hợp tác, bình đẳng và công tâm”. TS Trần Công Trụcnguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, đã khẳng định như thế khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM các nội dung liên quan đến quá trình hoạch định, phân giới cắm mốc biên giới trên bộ giữa Việt Nam - Campuchia.

Dựa trên 26 mảnh bản đồ gốc

Phóng viên: Thưa ông, cho đến nay việc thực hiện phân giới cắm mốc biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Campuchia đã đạt được những kết quả gì?

+ TS Trần Công Trục: Kết quả là hai bên đã thống nhất soạn xong Hiệp ước hoạch định và đã tiến hành ký kết, phê chuẩn theo đúng thủ tục pháp lý quốc tế. Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985, ký năm 2005, là những văn kiện pháp lý quốc tế có giá trị cao nhất trong quan hệ biên giới lãnh thổ giữa hai quốc gia có chủ quyền. Các hiệp ước này là căn cứ pháp lý cơ bản và cao nhất mà hai bên phải dựa vào để tiến hành phân giới cắm mốc. Đó là việc tiến hành chuyển đường biên giới được mô tả trong Hiệp ước hoạch định và Hiệp ước bổ sung ra thực địa và cố định nó bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy hiện đại. 

Đến nay, công tác phân giới cắm mốc giữa hai nước đã thực hiện được 78% khối lượng công việc. Đã cắm được các mốc giới ở hầu hết các địa điểm quan trọng như cửa khẩu, nơi có đường giao thông cắt qua biên giới, nơi có dân cư tập trung sinh sống và canh tác, đặc biệt là cắm được cột mốc ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào- Campuchia và mốc cuối cùng của biên giới đất liền là mốc số 314 trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen ngày 24-6-2012. Hai bên đang nỗ lực hợp tác để hoàn thành công việc còn lại của quá trình phân giới cắm mốc…

. Ông có thể phân tích sâu hơn cơ sở pháp lý mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia đã thống nhất được trong những năm qua về công tác biên giới lãnh thổ?

+ Sau khi Chính phủ Cộng hòa nhân dân Campuchia ra đời năm 1979, trên cơ sở của Hiệp ước hòa bình, hữu nghị, hợp tác được ký kết tháng 2-1979, hai bên đã xúc tiến tiến trình đàm phán giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước. Cho đến nay đã ký kết được năm hiệp định, hiệp ước quan trọng: Hiệp định về vùng nước lịch sử 7-7-1982; Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới 
20-7-1983; Hiệp định quy chế biên giới 20-7-1983; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia 27-12-1985; Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 ký ngày 10-10-2005.

Để ký kết được các văn kiện pháp lý quan trọng này, Việt Nam-Campuchia đã trải qua một quá trình thương lượng, đàm phán hết sức nghiêm túc, thiện chí, hợp tác, bình đẳng và công tâm. Hai bên đã thống nhất ký Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới năm 1983 sau khi đã nghiên cứu, xem xét rất thận trọng quá trình hình thành đường biên giới pháp lý trên đất liền giữa hai nước. Nội dung quan trọng của hiệp ước này là hai bên thống nhất sử dụng đường biên giới được thể hiện trên 26 mảnh bản đồ Bonne (bản đồ gốc - PV) tỉ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản trước năm 1954 làm căn cứ pháp lý để tiến hành đàm phán hoạch định biên giới.

Quá trình đàm phán và nội dung cụ thể hai bên đã ký kết là gì thưa ông?

+ Công việc quan trọng đầu tiên là các chuyên gia kỹ thuật, pháp lý của hai bên cùng nhau nghiên cứu, đối chiếu trên cơ sở các bản gốc và đã loại bỏ một số tấm bản đồ không phải bản gốc, thậm chí cũng đã phát hiện và đã loại bỏ một số tấm bản đồ có cạo sửa… Vì vậy, có thể nói 26 mảnh bản đồ mà hai bên đã thống nhất lựa chọn được ghi nhận trong Hiệp ước nguyên tắc là hoàn toàn đáng tin cậy. Chính vì thế mà hai bên đã thống nhất được về cơ bản nội dung của Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985, tức là đã hoàn toàn thống nhất lời văn mô tả hướng đi của đường biên giới và thể hiện hướng đi đó trên một bộ bản đồ địa hình UTM tỉ lệ 1/50.000 do Mỹ sản xuất.

Cần tuân thủ nghiêm túc những gì đã ký kết

. Thời gian tới Việt Nam-Campuchia cần tiến hành giải quyết các vấn đề biên giới như thế nào, thưa ông?

+ Theo tôi, Chính phủ Việt Nam cùng với Chính phủ Vương quốc Campuchia cần giải quyết vấn đề trên tinh thần thiện chí hợp tác hữu nghị, láng giềng truyền thống và đặc biệt là phải tuân thủ một cách nghiêm túc các hiệp ước, hiệp định đã ký kết theo đúng nguyên tắc và thủ tục pháp lý quốc tế. Mỗi nước, với tư cách là những chủ thể bình đẳng, độc lập trong quan hệ quốc tế cần triệt để tuân thủ các hiệp ước, hiệp định đã ký kết.

Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng đại này, nhất là trong tình hình quan hệ chính trị giữa hai nước và khu vực đang diễn biến rất phức tạp hiện nay, theo tôi, chúng ta cần tập trung làm tốt hơn nữa việc cung cấp thông tin cho cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp thực thi nhiệm vụ và người dân, công luận trong nước và bạn bè quốc tế nắm thật vững nội dung pháp lý về biên giới, lãnh thổ. Trong đó, hai bên phải cho thấy quá trình đàm phán giải quyết vấn đề biên giới đã và đang diễn ra trên tinh thần thật sự cầu thị, khoa học, khách quan, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Từ đó, củng cố thêm niềm tin vào sự nghiệp chính nghĩa, trong sáng của mình và cũng từ đó mà hiểu rõ những âm mưu, thủ đoạn của những phần tử quá khích đang tìm mọi cách chống phá Chính phủ Vương quốc Campuchia và đặc biệt là phá hoại quan hệ láng giềng hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia thông qua vấn đề biên giới lãnh thổ vốn rất phức tạp, nhạy cảm.

Chúng ta đang tiến hành một công việc hết sức trọng đại vì lợi ích chính đáng của hai nước. Đương nhiên tất cả đều phải tuân thủ các nguyên tắc và thủ tục pháp lý chặt chẽ trong quan hệ quốc tế giữa các quốc gia có chủ quyền. Muốn hoàn thành được nhiệm vụ lịch sử nói trên, chúng ta cũng cần phải tỏ rõ lập trường kiên định của mình, phải cương quyết đập tan những thế lực lợi dụng vấn đề biên giới lãnh thổ để phá hoại mối quan hệ hữu nghị truyền thống, môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển mà chúng ta đã và đang phấn đấu, giữ gìn bằng máu và nước mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam-Campuchia.

. Xin cám ơn ông.

Theo báo điện tửVnexpress, ngày 6-7, Thủ tướng Hun Sen đã đề nghị Liên Hiệp Quốc cung cấp những bản đồ gốc do tổ chức này lưu trữ nhằm kiểm tra tính xác thực của bản đồ Phnom Penh đang sử dụng để xác định biên giới với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Theo ông Hun Sen, cố quốc vương Norodom Sihanouk đã gửi lên Liên Hiệp Quốc (nộp lưu chiểu năm 1964) bản đồ Bonne, tỉ lệ 1:100.000, do Cơ quan Địa lý Đông Dương phát hành trước đây và được quốc tế công nhận trong giai đoạn từ năm 1963 đến năm 1969. Đề nghị trên là để thể hiện sự thận trọng và đúng đắn của Campuchia trong việc phân định biên giới giữa nước này với các quốc gia láng giềng. Và mới đây, Liên Hiệp Quốc đã đáp ứng một phần thông tin theo yêu cầu của Campuchia.

Về vấn đề này, TS Trần Công Trục nhìn nhận: Theo ông Hun Sen, bản gốc bản đồ này sẽ xác nhận một cách rõ ràng tiến trình đàm phán hoạch định biên giới của chính phủ Campuchia với các nước láng giềng là hoàn toàn công khai, công bằng, tỉ mỉ. Đồng thời nó sẽ góp phần kết thúc các hoạt động của những phần tử quá khích, gây hiểu lầm trong dư luận xã hội Campuchia cũng như cộng đồng quốc tế. “Tôi cho rằng Thủ tướng Hun Sen có đủ kiến thức và căn cứ để tự tin với giá trị pháp lý của những văn kiện mà Chính phủ của mình đã ký kết với Chính phủ Việt Nam về biên giới mà không gì có thể đảo ngược được” - TS Trần Công Trục nói.

Ngày 16-7, Nhóm Công tác liên hợp Việt Nam-Campuchia đã đến thực địa khu vực giữa mốc số 202-203 thuộc ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, Việt Nam, nơi xảy ra vụ xô xát do một số phần tử quá khích Campuchia gây ra ngày 28-6. Nhóm Công tác phía Việt Nam do ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, làm trưởng nhóm. Phía Campuchia do ông Long Visalo, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Trưởng Ban điều tra vụ xô xát phía Campuchia làm trưởng nhóm. Sau khi kết thúc làm việc trên thực địa, hai bên tiến hành hội đàm tại tỉnh Svay Rieng, Campuchia và nhất trí kiên quyết không để sự việc tương tự tái diễn, đồng thời khẳng định tôn trọng các hiệp ước và hiệp định đã ký kết…

(TheoVietNam+)

Theo Đặng Trung/PLO (thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

(Thanh tra) - “Nếu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.

T.Thanh

12:17 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm