Theo dõi Báo Thanh tra trên
Đông Hà
Thứ tư, 11/06/2025 - 11:01
(Thanh tra) - Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, bài toán về nhân lực chất lượng cao trở thành điểm nghẽn với nhiều ngành nghề, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ, truyền thông và dữ liệu.
Chuyển đổi số đòi hỏi chiến lược nhân lực dài hạn và hiệu quả. Ảnh: C.V
Nhiều ý kiến cho rằng, sự chênh lệch giữa đào tạo và nhu cầu thực tế, thiếu khung năng lực chuẩn và kênh kết nối với doanh nghiệp đang đặt ra thách thức lớn cho cả hệ thống.
Áp lực kép với thị trường lao động số
Hiện cả nước có khoảng 1,5 triệu người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đóng góp tới 14,3% GDP. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 2,5 triệu nhân lực phục vụ cho các hoạt động chuyển đổi số, cho thấy nhu cầu đào tạo nhân lực ICT là hết sức cấp bách, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, điện toán đám mây và an toàn thông tin.
Tuy nhiên, khảo sát của TopDev (nền tảng tuyển dụng chuyên về công nghệ, báo cáo thị trường IT 2021 & 2023) cho thấy, chỉ khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ đáp ứng được kỹ năng và chuyên môn theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. Điều này buộc nhiều doanh nghiệp phải đào tạo lại hoặc tuyển dụng trái ngành, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nhân lực số tại Việt Nam cũng đang bộc lộ những yếu kém. Nhiều sinh viên ra trường thiếu ngoại ngữ, tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề, cũng như thiếu trải nghiệm thực tế với môi trường làm việc số.
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số cho Việt Nam” trước đó, TS. Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thẳng thắn nhìn nhận trong nhiều năm qua, nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề lớn gây cản trở cho quá trình phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
"Đây là lĩnh vực cần có kiến thức rộng, bao trùng kiến thức về kinh tế, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ... nên đòi hỏi thời gian đào tạo dài; các lớp ngắn hạn và dạy nghề chỉ giải quyết tạm thời trong thời điểm thiếu nhân lực. Do vậy, đào tạo chính quy dài hạn tại các cơ sở giáo dục đại học trở thành giải pháp căn cơ cho nguồn nhân lực chất lượng cao của thương mại điện tử trong tương lai", bà Oanh chia sẻ.
Chuyển mình trong tư duy đào tạo
Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Theo các chuyên gia, nếu các trường đại học tiếp tục duy trì mô hình đào tạo truyền thống, sẽ khó đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao từ thị trường lao động, cả về quy mô lẫn chất lượng.
Trong bối cảnh đó, khái niệm "đại học số" đang được đặt lên bàn nghị sự như một giải pháp căn cơ. Đây là mô hình đào tạo mới, nơi người học được tiếp cận tri thức thông qua nền tảng số, tài nguyên số, được đào tạo tích hợp với các công cụ công nghệ hiện đại giúp nâng cao khả năng thích ứng và học tập liên tục trong môi trường số hóa.
TS. Nguyễn Hữu Xuân Trường (Học viện Chính sách và Phát triển) kiến nghị, Chính phủ cần xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nhân lực số quốc gia, đồng thời giám sát việc triển khai các chương trình hiện có. Bên cạnh đó, ông đề xuất đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo công nghệ, nhằm học hỏi mô hình tiên tiến và thu hút chuyên gia nước ngoài.
Về phía các cơ sở đào tạo, theo ông Trường, cần được đầu tư nâng cấp trang thiết bị, xây dựng hệ thống học liệu số, thư viện trực tuyến để người học có thể dễ dàng tiếp cận các tài nguyên chất lượng cao. Trong khi đó, doanh nghiệp cần phát triển các chương trình đào tạo kỹ năng số phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để nhân viên học tập linh hoạt và liên tục cập nhật công nghệ mới.
Một hướng đi được đánh giá cao hiện nay là mô hình “giảng đường doanh nghiệp” – nơi sinh viên được học tập thông qua các dự án thực tế, có sự cố vấn (mentoring) từ các chuyên gia doanh nghiệp, tiếp cận sớm với môi trường làm việc số ngay trong quá trình học. Đây là mô hình đã được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả và đang được nhân rộng tại Việt Nam.
ThS. Tân Anh, Trưởng Ban phát triển nguồn nhân lực của NIC, cho biết, NIC đã và đang hợp tác sâu rộng với nhiều tổ chức, doanh nghiệp quốc tế nhằm thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
“Để xây dựng hệ sinh thái nhân tài số, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ba nhà: Nhà nước, Nhà trường và Nhà doanh nghiệp. Chỉ với sự đồng bộ từ nhiều phía, Việt Nam mới có thể hình thành lực lượng lao động số đủ mạnh”, bà Tân Anh nhấn mạnh.
Một hướng khác đang nổi lên là đào tạo công nghệ theo từng chuyên ngành hẹp như y tế số, du lịch số, tài chính số, nông nghiệp số… Đây không chỉ là xu thế của thế giới mà còn phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam – nơi chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng trong mọi lĩnh vực, đòi hỏi nhân lực vừa giỏi công nghệ vừa am hiểu ngành nghề đặc thù.
Theo chuyên gia Nguyễn Quang Huy (Đại học Nguyễn Trãi), trong bối cảnh các công nghệ như AI, blockchain, dữ liệu lớn phát triển mạnh mẽ, chiến lược phát triển nhân lực số không thể chỉ dừng lại ở đào tạo đại học hay dạy nghề. Ông cho rằng cần xây dựng một hệ thống đào tạo mở, liên thông, cập nhật liên tục – nơi người học có thể học suốt đời, tái đào tạo khi cần và chuyển đổi nghề nghiệp linh hoạt theo xu hướng thị trường.
“Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật và điện toán đám mây đã và đang thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp cũng như kỹ năng mà người lao động cần có. Nhiều ngành nghề truyền thống có thể bị thay thế hoặc tự động hóa, trong khi các công việc mới đòi hỏi kỹ năng chuyên sâu về công nghệ và cả kỹ năng mềm đang ngày càng phát triển”, ông Huy phân tích.
Trong bối cảnh ấy, chuẩn hóa đào tạo được xem là bước đi tiên quyết. Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng chương trình học, chuẩn hóa còn bao gồm việc thiết lập tiêu chí về chuẩn đầu ra, phương pháp giảng dạy, đánh giá năng lực người học và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Tuy vậy, chuẩn hóa sẽ khó phát huy hiệu quả nếu thiếu đi sự kết nối chặt chẽ với thị trường lao động. Sự kết nối này phải được thực hiện một cách chủ động, thường xuyên và đa chiều – từ đối thoại chính sách, đặt hàng đào tạo đến liên kết nghiên cứu, thực hành và tuyển dụng.
“Giải quyết bài toán nhân lực trong thời kỳ chuyển đổi số không thể là nhiệm vụ của riêng ai. Đó là trách nhiệm chung – từ Nhà nước trong hoạch định chính sách, các cơ sở đào tạo trong đổi mới nội dung và phương pháp, đến doanh nghiệp trong việc hợp tác, tiếp nhận và đào tạo lại, và cả người học trong việc chủ động nâng cao năng lực bản thân”, ông Huy kết luận.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo Kantar Việt Nam, Vinamilk tiếp tục là thương hiệu sữa được chọn mua nhiều nhất năm thứ 13, và chiếm sóng Top 10 với các nhãn hiệu cùng “nhà” là Ông Thọ, Ngôi sao Phương Nam, Susu và Probi. Đáng chú ý, sản phẩm Vinamilk có mặt trong gần 9/10 hộ gia đình Việt với tần suất mua đều đặn hàng tháng (14 lần/năm).
Uyên Phương
(Thanh tra) - Tối 13/6, các trận đấu cuối cùng của vòng chung kết cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam 2025 (Robocon 2025) đã diễn ra tại Nhà thi đấu Ninh Bình, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Trong vai trò là đơn vị đồng hành, đại diện Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tham dự lễ bế mạc và trao giải cho các đội tuyển đạt thành tích cao nhất.
Mai Lê
Chính Bình
Chính Bình
Đình Thuyết
PV
Uyên Phương
Văn Thanh
Hoàng Minh
Trọng Tài
Mai Lê
Thái Hải
Trần Lê
Nam Dũng