Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, chiếm đất làm rẫy

CTV Thanh Hòa

Thứ ba, 06/10/2020 - 06:36

(Thanh tra)- Phá rừng lấy gỗ, chiếm đất lâm nghiệp để làm rẫy là thực trạng diễn ra nhiều năm nay tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm. Mặc dù người dân nhiều lần phản ánh đến chính quyền xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, nhưng việc kiểm tra, xử lý của chính quyền chỉ “qua loa”. Dư luận nghi ngờ, tình trạng phá rừng, chiếm đất rừng không bị xử lý nghiêm là do có thế lực “bảo kê”?

Những khoảnh rừng bị “cạo trọc”. Ảnh: TH

“Máu rừng” vẫn chảy

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đến khu vực núi Năm Nọc, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, ghi nhận tình trạng phá rừng, chiếm đất làm nương rẫy trái phép. Theo lối mòn, băng qua một quả đồi lớn, đến tiểu khu 231 núi Năm Nọc, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều khoảnh rừng tại đây đã bị “cạo trọc”. Hàng loạt cây rừng bị chặt hạ, đốt cháy ngổn ngang. Đi sâu vào phía trong, có một số cây rừng vừa bị đốn hạ cành lá còn tươi xanh. Cách khu vực rừng bị triệt hạ không xa là một số lò đốt củi lấy than của “lâm tặc” đã ngừng hoạt động.

Tại khoảnh 1, khoảnh 2 thuộc tiểu khu ST242A núi Năm Nọc, rừng bị tàn phá loang lổ hình “da báo”. Đất rừng ở đây bị “hô biến” thành những vườn xoài, vườn chuối và một số ngôi nhà tạm “mọc” lên trên những đám rừng đã bị phá còn trơ gốc.

Người dân tại địa phương cho biết, rừng khu vực núi Năm Nọc là rừng tái sinh, có diện tích trên 1.000ha. Trước đây, rừng được bảo vệ tốt nên nhiều loại gỗ quý như: Ké, de, bằng lăng... phát triển nhanh, trong rừng có nhiều cây có đường kính trên 1m. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, do tình trạng “sốt đất”, nhiều đối tượng đã đến đây phá rừng lấy gỗ, rồi chiếm đất rừng làm rẫy.

“Rừng ở đây bị phá nhiều năm rồi. Ngoài diện tích bị phá cũ, thì hiện tại một số đối tượng vẫn đang tiếp tục phá rừng để lấy đất trồng xoài, chuối. Đơn cử như hộ ông Tư Vinh (người Ninh Hòa) đang lấn chiếm rừng để canh tác. Hộ bà Huyền ở Suối Tân cũng khai thác chiếm đất rừng trồng xoài, chuối trên diện tích khá lớn”, một người dân tại xã Suối Tân nói.

Nhà tạm “mọc lên” trên những khu rừng vừa bị phá. Ảnh: TH

“Do rừng bị tàn phá nên cứ vào mùa khô là suối tại đây cạn trơ đáy, mùa mưa thì nước thượng nguồn đổ về dữ dội gây sạt lở rất nguy hiểm”, anh Hưng - một người dân tại địa phương phàn nàn.

Để tìm hiểu về công tác quản lý, bảo vệ rừng, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Ngọc Khuê, Chủ tịch UBND xã Suối Tân tìm câu trả lời: “Tại sao rừng ở xã Suối Tân bị tàn phá? Đất rừng bị các đối tượng lấn chiếm để làm nương rẫy... nhưng ông Khuê liên tục cáo “bận”.

Có “chống lưng” phá rừng, chiếm đất?

Theo báo cáo của Công ty TNHH TM - DV Mỹ Hằng (Cty Mỹ Hằng), đơn vị trồng và bảo vệ rừng tại khu vực núi Năm Nóc, xã Suối Tân: Công tác trồng và bảo vệ rừng của công ty gặp nhiều khó khăn do có nhiều đối tượng vi phạm chiếm đất rừng làm nương rẫy trồng cây ăn trái. Chặt cây rừng non đang phục hồi để đốt than, khai thác gỗ trái phép.

Ngày 6/3/2020, Cty Mỹ Hằng đã phối hợp với UBND xã Suối Tân và Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lâm tiến hành kiểm tra khu vực bị xâm phạm đất rừng, chặt cây phá rừng trái phép tại xã Suối Tân. Kết quả kiểm tra tại lô 840, khoảnh 1, tiểu khu ST242A, đoàn kiểm tra phát hiện 5 gốc cây to đã bị đốn hạ lấy đi phần thân chỉ còn lại gốc, cành nhánh và một lò than vẫn đang hiện hữu.

Một cây gỗ lớn vừa bị lâm tặc đốn hạ. Ảnh: TH

Ngày 16/4/2020, “lâm tặc” dùng cưa máy xẻ nhiều cây gỗ có đường kính khoảng 2m đã được đốn hạ từ trước để vận chuyển khỏi rừng. Anh Bạn - phụ trách lâm nghiệp xã, anh Đức - đại diện Hạt Kiểm lâm và anh Tây - Trạm Kiểm lâm Cam Lâm đã đến hiện trường tận mắt chứng kiến sự việc, xã Suối Tân cũng lập biên bản sự việc.

“Chúng tôi thực sự không hiểu đã bao lần cán bộ xã Suối Tân cùng cơ quan kiểm lâm lập biên bản có lò đốt than trong rừng, nhưng lại cho rằng lò đốt than này không sử dụng gỗ, củi và không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên? Vậy lò này đốt gì? Than từ đâu mà có?...”, một người dân bức xúc nói.

Còn đại diện Cty Mỹ Hằng đưa ra thắc mắc: Những cây gỗ de đường kính tới 2m, bị xẻ thành hộp và vận chuyển ra khỏi rừng, đây là hành vi khai thác gỗ trái phép. Nhưng chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm khi đến hiện trường kiểm tra, lập biên bản nhưng không chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra, yêu cầu khởi tố vụ án là điều khó hiểu?

Những vườn chuối được trồng trên khu rừng bị phá trước đó. Ảnh: TH

Trước vấn nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng, ngày 23/6/2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa có Văn bản số 833/KL-TTPC yêu cầu Hạt Kiểm lâm Cam Lâm phối hợp UBND xã Suối Tân kiểm tra, ngăn chặn ngay tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, chặt cây đốt than trái phép; lấn chiếm đất lâm nghiệp tại lô 840 khoảnh 1 tiểu khu ST242A, xã Suối Tân, xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Theo đó, ngày 8/7/2020, đoàn kiểm tra (Hạt Kiểm lâm Cam Lâm, UBND xã Suối Tân) đã phát hiện 2 lò hầm than đã được phá hủy tại khoảnh 1, tiểu khu ST242A, rừng xã Suối Tân, 1 cây da bị chặt hạ; một số diện tích nương rẫy tại đây đã được trồng các loại cây nông nghiệp như: Chuối, mít, xoài, sầu riêng... Tại thời điểm kiểm tra không xác định được đối tượng canh tác rẫy tại khu vực này. Vị trí tiểu khu ST242A cũng được đoàn kiểm tra xác định là đất rừng sản xuất, có cây gỗ tái sinh, do UBND xã Suối Tân quản lý.

Những hầm than trên đất rừng. Ảnh: TH

Theo kết quả kiểm tra, cũng như thực tế hiện hữu, có thể khẳng định tình trạng phá rừng, chiếm đất rừng làm rẫy tại xã Suối Tân đã và đang diễn ra nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Người dân nghi ngờ có dấu hiệu “bảo kê” cho “lâm tặc” để trục lợi?

Báo Thanh tra tiếp tục điều tra, phản ánh sự việc ở các bài viết tiếp theo.

Điều 102 Luật Lâm nghiệp được Quốc hội ban hành ngày 15/11/2017, quy định: Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về cháy rừng, phá rừng hoặc mất rừng do hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng gây ra thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp, quyết định chương trình, dự án về phát triển lâm nghiệp bền vững, sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp, canh tác nương rẫy và tổ chức thực hiện tại địa phương; quản lý diện tích, ranh giới khu rừng; xác nhận hồ sơ đề nghị giao rừng, thuê rừng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.

Tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê; tổ chức thực hiện kiểm kê rừng tại địa phương; hướng dẫn cộng đồng dân cư xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn phù hợp với quy định của pháp luật; tổ chức hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng; phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn; xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lâm nghiệp tại địa phương theo quy định của pháp luật. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam phê duyệt loạt gói thầu nhiều tỷ “chỉ 1 nhà thầu tham dự”

Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam phê duyệt loạt gói thầu nhiều tỷ “chỉ 1 nhà thầu tham dự”

(Thanh tra) - Điểm qua một vài gói thầu lớn Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam ký phê duyệt trong thời gian vừa qua, nhiều gói thầu giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng, thế nhưng chỉ 1 nhà thầu tham dự, trong đó có nhà thầu trúng thầu sát giá, tiết kiệm cho ngân sách dưới 1%.

Thanh Giang

14:23 19/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm