Theo hồ sơ, UBND tỉnh Quảng Nam cho phép UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư thực hiện dự án nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn tại Công văn số 5580/UBND-KTN ngày 24/8/2021. Dự án này do UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư, còn Công ty An Long làm đơn vị thi công.

Theo thuyết minh, dự án nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn là để có nước tưới tiêu cho hàng chục héc ta đất lúa, đất nông nghiệp xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trước đó, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ, trạm bơm Cù Bàn bị bồi lắng kênh dẫn, khiến các máy bơm không thể hoạt động. Tình trạng này nếu không được khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm cung cấp đủ nước tưới phục vụ nông nghiệp trên toàn địa bàn xã Duy Châu.

Về lâu về dài, để xử lý dứt điểm bồi lắng kênh dẫn khiến trạm bơm Cù Bàn không thể hoạt động, cơ quan chức năng phải triển khai quyết liệt các phương án kỹ thuật để nạo vét cát, khơi bồi lòng sông Thu Bồn đoạn dẫn vào bể hút trạm bơm Cù Bàn để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và hạn chế sạt lở ven sông. Từ đó, dự án Nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn ra đời.

Nói như người dân thôn Bàn Nam - nơi dự án triển khai lý thuyết trên quá đúng, quá hợp lý và người dân đồng thuận 100%.

“Nhưng ngày đầu tiên nạo vét, Công ty An Long tập trung gần 20 tàu ghe ầm ầm đến để hút cát. Chúng tôi ngỡ ngàng đây là nạo vét thủy lợi hay tận diệt khoáng sản vậy”, một người dân chia sẻ.

leftcenterrightdel
Thiết bị khai thác quá mức rầm rộ cho một dự án nạo vét đúng nghĩa. Ảnh: PV 

Theo hồ sơ, để thực hiện việc vận chuyển khối lượng nạo vét, đồng thời tính toán hợp lý việc tận thu cát, sỏi trong quá trình nạo vét nhằm tạo nguồn kinh phí thực hiện dự án, UBND huyện Duy Xuyên ban hành Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 12/1/2022, Quyết định số 1745/QĐ-UBND ngày 4/4/2022 cho phép Công ty An Long thực hiện thu hồi cát, sỏi làm vật liệu xây dựng trong quá trình nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn.

Còn theo Bản xác nhận số 508/XN-STNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, tổng trữ lượng khai thác cát sỏi trong quá trình thi công dự án là hơn 66.000m3, trong đó cát xây dựng là hơn 50.000m3, sỏi là hơn 2.000m3, cát san lấp là hơn 13.000m3. Công suất khai thác là hơn 6.000m3/tháng.

Quy trình nạo vét như sau, đơn vị thi công dùng máy móc san gạt đi những lớp mùn cây trên bề mặt của những vị trí cát bồi lộ thiên, khối lượng này thường rất ít và phải được tập kết không làm ảnh hưởng đến việc nạo vét sau này và không ảnh hưởng đến đất canh tác người dân.

Tiếp đó, dùng tàu hút cát gắn trên thuyền để hút cát đỗ vào bãi tập kết nằm bên phải dự án, rồi dùng máy đào xúc cát từ bãi tập kết lên xe ô tô vận chuyển đi. Quá trình khai thác theo hình thức cuốn chiếu từ thượng nguồn về hạ lưu. Bên cạnh đó, nên chọn phương án mở đường công vụ từ bãi tập kết đến đường DT610 để vận chuyển cát đi tiêu thụ. Do cát vận chuyển bằng ô tô nên quá trình vận chuyển phải đảm bảo vệ sinh môi trường…

Như vậy, theo quy trình nạo vét trên, việc Công ty An Long tập kết hàng chục ghe tàu hút cát đã khiến có sự hoài nghi về một công cuộc "tận diệt khoáng sản" là hoàn toàn có cơ sở.

Bên cạnh đó, cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam xem xét việc một số bến thủy nội địa “vin” vào giấy phép dự án để gia hạn bến thủy nội địa, tránh việc gia hạn bến thủy nội địa trái vô tình tiếp tay cho ghe thuyền hút cát trái quy định, tận diệt tài nguyên.

Tiếp đến, trạm bơm Cù Bàn thực chất không lớn, để có nước dẫn vào trạm bơm chỉ cần khơi thông dòng dẫn vào bằng máy múc cơ giới. Tuy nhiên, quy mô dự án nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn khiến ai cũng phải ngỡ ngàng. Dự án rộng đến 3ha, đường dẫn nạo vét rộng 60m, chiều dài phía ngoài cũng đến gần 300m.

Để thực hiện dự án này, UBND huyện Duy Xuyên cho Công ty An Long sử dụng hàng tá máy móc như: 3 máy múc 1,8m3; 2 máy ủi 110cv; 3 máy hút cát công suất 150m3; 15 ô tô tải trọng 10 tấn; 1 ô tô tưới nước; 10 phương tiện thủy nội địa. Nhưng rồi, lại với hàng tá máy móc rầm rộ đó, thời gian thực hiện dự án kéo dài đến 12 tháng.

“Nạo vét đường dẫn vào trạm bơm gì mà rộng đến 3ha, kéo dài đến 12 tháng. Người dân không thể không nghi vấn đến chuyện lợi dụng khai thác khoáng sản cát. Hồ sơ, quy trình thì nạo hút lên bãi rồi chở đi bằng xe tải mà sao phải ghe thuyền hút cát tập trung như kiến vậy? Rồi nữa, với công suất hơn 6.000m3 nạo vét/tháng thì chia khoảng 200m3/ngày, trong khi công suất máy hút là 150m3 (3 máy), rồi 3 máy múc, 2 máy ủi, 15 ô tô. Giữa công suất và máy móc thực sự quá mâu thuẫn. Máy móc thì nhiều mà làm như kiểu chơi chơi, thời gian đến tận 12 tháng. Đơn vị thi công hút cát để thông dòng hay chỉ là núp bóng để rồi đi khai thác cát? Chúng tôi đề nghị làm rõ vấn đề này”, người dân Duy Châu bày tỏ mối nghi vấn.

Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, dự án có tư vấn giám sát để giám sát đơn vị thi công làm đúng quy trình, quy định nạo vét. Nếu phát hiện sai phạm, UBND huyện sẽ kiểm tra, xử lý.

Trong khi đó, theo UBND tỉnh Quảng Nam, Công văn 1704/UBND-KTN do Chủ tịch Lê Trí Thanh ký thể hiện, việc nạo vét đất, cát bồi lấp các trạm bơm phục vụ cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt thì UBND cấp huyện, các sở ngành phải kiểm tra thật kỹ, đảm bảo đúng thực tế, không để lợi dụng việc khai thác cát, sỏi lòng sông không đúng quy định pháp luật.

Đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo làm rõ vấn đề này để tường minh dư luận!

Bài 3: Có hay không chuyện Duy Xuyên xâm lấn địa giới hành chính Đại Lộc?

CTV Nhâm Thân